Đại lý nghỉ việc, “cơn đau” kéo dài của doanh nghiệp bảo hiểm
Có không ít các sự vụ “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa đại lý bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm và cho tới nay vẫn thiếu các giải pháp căn cơ để giải quyết.
Liên tục xảy ra các xung đột
Trên thị trường bảo hiểm, các xung đột giữa đại lý bảo hiểm với doanh nghiệp là chuyện không hiếm gặp. Chẳng hạn, mới đây, chia sẻ với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, đại diện pháp lý của bà Trương Thị Phi Yến (nguyên Trưởng Phòng Kinh doanh cấp cao của doanh nghiệp bảo hiểm D, thuộc Văn phòng tổng đại lý Đà Nẵng) cho biết, bà Yến đã nộp đơn chấm dứt hợp đồng đại lý với Công ty từ ngày 29/4/2019, nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng đại lý và trưởng phòng kinh doanh cho bà Yến.
Hay trường hợp bà Lê Thị Chờ, đại lý bảo hiểm của Chubb Life, giữ chức vụ Trưởng khu vực kinh doanh - DM, Văn phòng LAN1 cũng vừa lựa chọn rời khỏi Công ty. Theo đó, phía Chubb Life đã đưa 2 phương án để bà Chờ lựa chọn.
Thứ nhất, khôi phục lại chức vụ DM, cấu trúc và trả lại tất cả đội ngũ nhân viên bên dưới; tiền hoa hồng thưởng theo chính sách DM.
Thứ hai, chấm dứt hợp đồng đại lý và vị trí DM; được hưởng hoa hồng theo chính sách vị trí DM đến ngày chấm dứt. Cuối cùng, cả 2 bên đã thống nhất thực hiện theo phương án 2.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều sự vụ tương tự trên thị trường, bên cạnh các vấn đề còn tồn tại như hoạt động lình xình của tổng đại lý, đại lý bảo hiểm, bao gồm cả đại lý cá nhân và đại lý tổ chức (gọi chung là đại lý); một số tổng đại lý, đại lý có dấu hiệu vi phạm nên công ty bảo hiểm không trả thưởng, có vụ việc số tiền bị giữ lại lên tới hàng chục tỷ đồng, dẫn đến kiện tụng tại tòa án…
Chia sẻ với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, một đại lý cho biết: “Việc chậm trễ giải quyết nghỉ việc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch của tôi trong tương lai, cũng như tác động tới nguồn thu nhập phục vụ cuộc sống cá nhân và gia đình. Do đó, doanh nghiệp bảo hiểm cần giải quyết các thủ tục căn cứ theo quy định, không nên có sự ngăn trở”.
Trong khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm lập luận, họ cần thời gian để tìm hiểu sự việc, nhất là với các trường hợp có dấu hiệu bất thường, chơi “game” bảo hiểm (lập đại lý ma, hợp đồng ảo), trục lợi bảo hiểm…
Dù mỗi bên đều có lý lẽ riêng, nhưng diễn biến này cho thấy, việc vận hành, quản lý hệ thống chưa bao giờ là công việc dễ dàng và mỗi sự vụ đều có khả năng khiến thị trường “đau đầu”. Theo các chuyên gia, đại lý bảo hiểm đang được tuyển dụng một cách ồ ạt, gần như “vô điều kiện”, nhưng lại được xem là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá năng lực hoạt động của công ty bảo hiểm. Hiện tượng này còn diễn ra, thì chuyện vi phạm của đại lý sẽ khó có khả năng thuyên giảm. Bởi vậy, nâng cao chất lượng đại lý, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đầu vào của đại lý mới là giải pháp giải quyết tận gốc.
Nửa đầu năm 2019, thêm 3.538 đại lý vi phạm
Theo báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), 6 tháng đầu năm 2019, bên cạnh hơn 300 đại lý bảo hiểm phục vụ lâu năm được đưa vào danh sách xem xét khen thưởng bởi IAV thì tổ chức hành nghề này cũng tiếp nhận nhiều trường hợp liên quan đến chậm trễ giải quyết nghỉ việc, kỷ luật, danh sách đen…
Trong đó, IAV đã tiếp nhận khoảng 29 trường hợp khiếu nại của đại lý về việc chậm trễ giải quyết nghỉ việc. Các trường hợp này đã được chuyển thông tin đến các công ty bảo hiểm liên quan để giải quyết và phản hồi thông tin cho Hiệp hội.
Ngoài ra, Hiệp hội tiếp nhận đề nghị xử lý kỷ luật đại lý bảo hiểm đã nghỉ việc từ các công ty bảo hiểm (21 trường hợp); chấp nhận gỡ danh sách đen cho 6 đại lý bảo hiểm theo đề nghị của công ty bảo hiểm; tiếp nhận 16 trường hợp doanh nghiệp đề nghị đưa vào danh sách vi phạm do đại lý cố tình thay đổi chứng minh nhân dân để được chấp nhận làm đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp; 7 trường hợp khiếu nại của đại lý về việc không tham dự học nhưng được cấp mã số tại công ty bảo hiểm.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2019, IAV đã cập nhật đại lý vào danh sách đại lý vi phạm (những đại lý đang hoạt động tại doanh nghiệp) với 3.538 trường hợp được công ty bảo hiểm gửi về.