Cần quy định thời hạn giữ thu nhập của đại lý bảo hiểm vi phạm
Thời gian qua, có nhiều tranh luận xoay quanh việc doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) tạm giữ các khoản phải trả cho đại lý vi phạm để phục vụ công tác điều tra, hoặc làm biện pháp chế tài khi giải quyết các vấn đề tồn đọng giữa đại lý vi phạm với DNBH. Đầu tư Chứng khoán đã có trao đổi với luật sư Bùi Quốc Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh về vấn đề này.
Ông nghĩ như thế nào về việc DNBH tạm giữ các khoản phải trả cho đại lý vi phạm?
Việc DNBH giữ các khoản phải trả cho đại lý khi phát hiện hành vi vi phạm của đại lý là đúng, nhằm đảm bảo tính công bằng trong mối quan hệ này.
Tuy nhiên, sau khi xem hợp đồng đại lý của nhiều DNBH khác nhau, tôi nhận thấy hầu như không có quy định về thời gian tạm giữ các khoản phải trả gọi là thu nhập của đại lý. Nếu phát hiện đúng, tức là có vi phạm thì doanh nghiệp sẽ khấu trừ, thậm chí kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại, nhưng nếu không xác định hành vi vi phạm thì phải hoàn trả lại khoản tạm giữ cho đại lý. Theo tôi, cần có quy định về thời gian trong trường hợp này.
Lưu ý, trong hoạt động điều tra, Luật Hình sự có quy định rõ ràng về thời hạn điều tra, nếu quá thời hạn mà không xác minh được phải đình chỉ điều tra. Còn ở đây là quan hệ dân sự, DNBH giữ lại thu nhập, đại lý chấp thuận, nhưng cần quy định thời gian cụ thể là bao lâu, giải quyết như thế nào?
Hiện tại, mỗi DNBH xử lý theo cách khác nhau, nhưng thông thường, DNBH sẽ cho các đại lý này vào “danh sách đen” của hệ thống cơ sở dữ liệu đại lý hợp nhất (AVICAD), sau 3 năm mới được quay lại ngành kinh doanh bảo hiểm.
Do đó việc lạm dụng giữ khoản thu nhập phải trả cho đại lý, không quy định về thời gian là chưa phù hợp.
Theo quy định pháp luật, DNBH nhân thọ có phải nêu rõ thời gian chi trả lại cho đại lý vi phạm sau khi giải quyết vụ việc hay không?
Hiện tại, hợp đồng của đại lý bảo hiểm là hợp đồng soạn sẵn, DNBH đã đưa ra quy tắc bất di bất dịch.
Trước đây, Chính phủ ban hành Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13/1/2012 với 9 danh mục hàng hóa và dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng mẫu, trong đó không có bảo hiểm nhân thọ.
Đến năm 2015, Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg ngày 20/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg quy định 11 mặt hàng xếp vào diện thiết yếu cần phải được đăng ký áp dụng hợp đồng theo mẫu. Trong danh sách này có bảo hiểm nhân thọ.
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 405 có quy định về hợp đồng mẫu, với những nguyên tắc khi phát sinh tranh chấp về loại hợp đồng này. Ví dụ trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó. Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Hiện tại, trong hợp đồng đại lý, DNBH đều quy định là giữ khoản phải trả cho đại lý, nhưng không ghi thời gian nào sẽ trả. Theo tôi, cần quy định chi tiết về nội dung này. Nếu không có quy định, đại lý có quyền yêu cầu DNBH trả ngay khi phát sinh tranh chấp.
Sau khi hoàn tất việc xử lý, khoản tiền tạm giữ có được phép thuộc về Công ty bảo hiểm hay không?
Một công ty có hàng trăm, hàng nghìn đại lý vi phạm thì số tiền “bị treo” có thể lên tới tiền tỷ. Phần lợi này sẽ thuộc về công ty, bởi ít khi đại lý khởi kiện ra tòa đòi lại khoản thu nhập này.
Ngoài ra, cần xem vấn đề khác. Khi xử lý vi phạm của đại lý, DNBH có thể tạm giữ khoản tiền thu nhập của đại lý, nhưng một số trường hợp lại giữ cả thu nhập của người quản lý (BM). Hành động này là không đúng.
Điều gì xảy ra nếu DNBH không trả lại khoản thu nhập cho đại lý?
Một khi phát hiện đại lý vi phạm, căn cứ theo quy định, hợp đồng đại lý, DNBH sẽ khóa ngay thu nhập, chờ điều tra và xử lý. Nếu tranh chấp không được giải quyết, chắc chắn thu nhập vẫn bị giữ. Công ty không trả cho đại lý thì sẽ được hưởng lợi trong sự việc này, nhất là khi đại lý chấp nhận bỏ luôn khoản thu nhập bị tạm giữ.
Theo tôi, cần phải có quy định dựa vào tính chất, mức độ vi phạm để đưa ra quyết định khác nhau, không đồng hóa tất cả các hành vi vi phạm nội quy công ty thì cần khóa giữ thu nhập. Bên cạnh đó, nếu đại lý có các hành vi vi phạm quy định của hợp đồng, đạo đức kinh doanh nghề nghiệp thì cần phải xử lý đúng luật hiện hành. Tuy nhiên, việc giải quyết phải minh bạch, bình đẳng, đúng pháp luật, thay vì chỉ dựa vào những quy tắc, ràng buộc khắt khe. Đây là cách hành xử phù hợp trong thị trường kinh doanh bảo hiểm hiện đại ngày nay.