Đăk Nông tìm kiếm đầu ra cho nông sản


(Tài chính) Sáng nay, Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Đăk Nông đã phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại TP.Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị kết nối kinh doanh nông sản, với sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp và đại diện lãnh đạo hai tỉnh. Hội nghị nhằm giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh, thu mua nguyên liệu trên địa bàn tìm kiếm nguồn ra cho hàng nông sản của địa phương, đồng thời giới thiệu với các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản TP. Hồ Chí Minh môi trường đầu tư vào vùng nguyên liệu phong phú của địa phương.

Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: FinancePlus.vn
Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: FinancePlus.vn
Nằm trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, với tiềm năng lớn về đất đai, thổ nhưỡng, việc phát triển các loại cây trồng lâu năm như cà phê, cao su, tiêu, điều và hình thành nền công nghiệp chế biến nông sản có ý nghĩa rất quan trọng đến quá trình thúc đẩy kinh tế của tỉnh Đăk Nông, cũng như thu hút các doanh nghiệp chế biến đến đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Quang - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Đăk Nông, hiện phần lớn nông sản trên địa bàn tỉnh Đăk Nông chưa có nguồn đầu ra, chủ yếu là các thương lái gom lại rồi bán cho các thương lái lớn hơn ở các tỉnh. Bên cạnh đó, Đăk Nông cũng chưa có cơ sở sơ chế hay chế bến nông phẩm tại chỗ. Các công ty thu mua chế biến xuất khẩu lớn cũng chưa tìm đến với địa phương để đầu tư nhà máy chế biến, vốn và trang thiết bị cho sản xuất. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quy hoạch phát triển vùng nông sản của địa phương, chính sách ổn định diện tích cây trồng và nguồn thu nhập cho bà con nông dân cũng như không tạo được thương hiệu nông sản cho Đăk Nông.  

Thực tế cũng cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp thu mua và chế biến nông sản tại Đăk Nông rơi vào tình trạng khó khăn về nguồn tài chính, cơ sở vật chất để chế biến và chưa tìm được đầu ra ổn định. Ông Nguyễn Tất Thắng - Giám đốc công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Tất Thắng cho biết, doanh nghiệp của ông hiện kinh doanh chế biến nông sản với khoảng 200 lao động, công suất chế biến đậu phộng 5.000 tấn/năm, sơ chế đậu nành sạch để cung ứng cho các nhà máy sữa, ngoài ra còn chế biến bột đậu nành, khoang lang. Công ty cũng có khả năng duy trì và ổn định về vốn, nguyên liệu đầu vào, công nhân và công suất chế biến của nhà máy.

Tuy nhiên, hiện nay công ty chỉ cung ứng cho một số cơ sở chế biến lại, hoặc các doanh nghiệp phân phối nhỏ lẻ trên địa bàn Đăk Nông mà chưa tìm kiếm được khách hàng lớn ở các tỉnh, nên công ty khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm cơ hội hợp tác xuất khẩu, tạo niềm tin để người nông dân duy trì và ổn định vùng nguyên liệu. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh lại chưa tiếp cận được nguồn nguyên liệu tại Đăk Nông. Điều này dẫn đến tình trạng bên thừa nông sản, rớt giá, bên thiếu nguồn nguyên liệu có chất lượng.  

Bên cạnh đó, hội thảo cũng đã chỉ ra những bất cập về tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đăk Nông trong thời gian qua. Theo đó, do chính sách thu mua và giá cả bấp bênh nên bà con nông dân đã chuyển một phần đất trồng cây lâu năm sang cây nông sản ngắn ngày, cho năng xuất và sản lượng cao hơn. Tại huyện Krông Nô, năm 2012, mặc dù địa phương đã có chủ trương chỉ khống chế diện tích khoai lang ở mức 80 -100 ha, nhưng do giá khoai lang khá hấp dẫn nên nông dân đã nâng diện tích lên đến 250 – 300 ha, tính chung toàn tỉnh lên đến 7.000 ha với sản lượng 90.000 tấn. Thực tế đó cũng đồng nghĩa với ngần ấy diện tích ngô, lúa bị thu hẹp lại.    

Hơn nữa, vài năm trở lại đây khi cây hồ tiêu có giá cao người dân mở rộng diện tích tiêu lên đến 9.000 ha, cho sản lượng 15.000 tấn mỗi năm, còn cây cao su, cây điều bị “rớt” giá nên người dân ở một số nơi như Đắk R’lấp, Đắk Song, Chư Jút… lại quay sang chặt cao su, cây điều để đổ xô vào mở rộng diện tích cây hồ tiêu, mà chưa có chính sách quy hoạch chuyên canh cây trồng, dẫn đến các nhà đầu tư chưa thực sự yên tâm đầu tư vào vùng nguyên liệu.