Tỉnh An Giang:

Đảm bảo an toàn thực phẩm mùa lễ, Tết

Theo Ngô Chuẩn/Báo An Giang

Gần đến thời điểm cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm càng tăng cao. Nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang đã thành lập đoàn kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP), với sự tham gia của đại diện các sở, ngành. Đoàn vừa có trách nhiệm kiểm tra, vừa hướng dẫn các cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) thực phẩm thực hiện đúng quy định.

Lấy mẫu kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại một cơ sở chế biến thực phẩm. Ảnh: Ngô Chuẩn
Lấy mẫu kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại một cơ sở chế biến thực phẩm. Ảnh: Ngô Chuẩn

Xây dựng đạo đức kinh doanh

Trong ngày ra quân, đoàn kiểm tra chất lượng ATTP (do Sở NN&PTNT An Giang thành lập) đã tập trung kiểm tra các cơ sở SXKD bò viên, lạp xưởng bò, mắm cá mè vinh, mắm cá chốt, pa-tê, chả lụa… trên địa bàn TX. Tân Châu - một trong những địa phương có sức tiêu thụ hàng hóa, thực phẩm lớn của tỉnh.

Qua kiểm tra cho thấy, đa số các cơ sở SXKD đều chấp hành quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp đủ hồ sơ theo quy định. Trong đó, có nhiều cơ sở xây dựng được uy tín lâu năm, được khách hàng tin tưởng, luôn đặt an toàn sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu, coi trọng đạo đức kinh doanh.

Cơ sở sản xuất pa-tê, chả lụa Bé Thảo (số 276, đường Trần Phú, khóm Long Hưng, phường Long Châu, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) là một trong những đơn vị sản xuất pa-tê, chả lụa có tiếng ở TX. Tân Châu.

Sản phẩm của cơ sở Bé Thảo không chỉ cung ứng cho các tiệm bánh mì, quán ăn, nhà hàng, hộ dân trên địa bàn TX. Tân Châu mà một số điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống ở TP. Châu Đốc cũng đặt hàng. Xây dựng được uy tín, thương hiệu nhiều năm, mỗi ngày phân phối hàng chục ký pa-tê, chả lụa, nên cơ sở rất coi trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Nguyên liệu thịt phải tươi, ngon, có nguồn gốc rõ ràng, được cung ứng hàng ngày. Các chất phụ gia đều phải trong danh mục cho phép, tuyệt đối không dùng chất cấm, hàn the. Lượng người tiêu dùng của cơ sở rất lớn nên chúng tôi luôn coi trọng yếu tố an toàn” - chị Nguyễn Bé Thảo (chủ cơ sở) bày tỏ.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở sản xuất pa-tê, chả lụa Bé Thảo cung cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan (giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, hồ sơ công bố ATTP), chưa phát hiện vi phạm. “Đã xây dựng được uy tín, thương hiệu nhiều năm, cơ sở cần cố gắng duy trì tốt điều kiện sản xuất, đặt an toàn sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu” - Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Trần Thanh Hiệp (Trưởng đoàn kiểm tra) khuyến cáo.

Quan tâm hơn đến bao bì, nhãn mác

Là đơn vị có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), cơ sở sản xuất lạp xưởng bò tung lò mò Chăm Châu Phong ANAS (số 359, tổ 7, ấp Phũm Xoài, xã Châu Phong, TX. Tân Châu) luôn tuân thủ tốt các quy định ATTP.

“Chúng tôi sản xuất công khai, minh bạch, ai thích tham quan cứ ghé xem. Có đoàn kiểm tra đến, cơ sở càng mừng, bởi khách hàng thấy sản phẩm được kiểm tra, càng yên tâm, tin tưởng hơn” - ông Hứa Hoàng Vũ (chủ cơ sở) thật lòng.

Do đã từng hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP nên đối với hồ sơ liên quan sản phẩm lạp xưởng bò (tung lò mò), ông Vũ xếp riêng một bộ hoàn chỉnh, cung cấp đầy đủ cho đoàn kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở chấp hành tốt, chưa phát hiện vi phạm. Khi đoàn yêu cầu lấy mẫu mang về tỉnh kiểm nghiệm, ông Vũ vui vẻ hướng dẫn, phối hợp nhiệt tình.

“Đặc thù của tung lò mò là phải bảo quản lạnh, giữ tươi mới ngon. Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, vận chuyển khó khăn nên hạn chế cung ứng ra miền Trung, miền Bắc, chủ yếu tiêu thụ từ TP. Hồ Chí Minh, một số tỉnh miền Đông và khu vực ĐBSCL, ảnh hưởng đến doanh số sản phẩm. Tuy nhiên, chúng tôi luôn quan tâm đến chất lượng, gìn giữ uy tín, bởi đây là đặc sản nổi tiếng của người Chăm ở An Giang” - ông Vũ nhấn mạnh.

Ở khóm Long Quới C (phường Long Phú, TX. Tân Châu), cơ sở mắm Bà Sáu cũng nổi tiếng với sản phẩm mắm cá mè vinh. Nguồn cá mè vinh được đặt hàng từ những hộ nuôi bè trên kênh xáng Tân An; riêng mắm cá linh, cá chốt thì khai thác nguồn nguyên liệu tự nhiên. “Chúng tôi sản xuất theo nhu cầu khách hàng, số lượng cũng hạn chế nhằm đảm bảo chất lượng. Mắm cá mè vinh cung ứng trên dưới 10kg/ngày, còn mắm cá chốt, cá linh thì khoảng 1-2 tấn/năm” - ông Trần Vân Ái Phong (chủ cơ sở) thông tin.

Một cơ sở cũng khá nổi tiếng với các sản phẩm từ bò của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm là cơ sở sản xuất bò viên - chả lụa - tung lò mò Cô Nấp (số 600, tổ 9, ấp Châu Giang, xã Châu Phong). Chị Roly Há (đại diện cơ sở) cho biết, sản phẩm chủ yếu cung cấp mối cho khách hàng quen, làm cách ngày, tiêu thụ hết mới sản xuất tiếp, nên cơ sở chưa quan tâm đến bao bì, nhãn mác.

“Lợi thế của cơ sở là có uy tín nhiều năm. Tuy nhiên, cần chú ý thiết kế bao bì, nhãn mác, ghi rõ thông tin sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng nhằm đảm bảo điều kiện lưu thông sản phẩm theo quy định, đồng thời để xây dựng, khẳng định thương hiệu riêng” - Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT  An Giang Trần Thanh Hiệp lưu ý.