Vai trò đầu mối của Hải quan trong quy trình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm

Theo Châu Anh/haiquanonline.com.vn

Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, xây dựng để cụ thể hóa 7 mục tiêu cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành tại Quyết định 38/QĐ-TTg. Một số bộ, ngành còn có ý kiến chưa nhất trí với dự thảo Nghị định, trong đó có vấn đề giao thẩm quyền cho cơ quan Hải quan thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô (Cục Hải quan Quảng Ninh) kiểm tra hàng hóa xuất khẩu. Ảnh: Q.H
Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô (Cục Hải quan Quảng Ninh) kiểm tra hàng hóa xuất khẩu. Ảnh: Q.H

Nhiệm vụ của cơ quan Hải quan phù hợp quy định và chủ trương cải cách

Trường hợp quy định cơ quan Hải quan thực hiện 3 phương thức kiểm tra giảm, thông thường, chặt cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.Cụ thể các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp cho rằng, việc Chính phủ giao cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu là không phù hợp với các Luật: Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; Thú y; Trồng trọt; Chăn nuôi; Thủy sản; Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; An toàn thực phẩm.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Quá trình cải cách kiểm tra chuyên ngành không chỉ hướng tới việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước trong công tác kiểm tra chuyên ngành mà còn xuất phát từ lợi ích chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ giảm đầu mối, giảm thời gian, giảm chi phí, giảm rủi ro cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Liên quan đến nội dung này, Bộ Tài chính đã báo cáo xin ý kiến Chính phủ. Theo cơ quan soạn thảo, tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (khoản 1, 5 Điều 68) và Luật An toàn thực phẩm (khoản 1 Điều 61, Điều 72) giao Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm; quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Như vậy, việc quy định cơ quan thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu là thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Ngoài chỉ đạo tại các Nghị quyết số 99/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc giao cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu cũng đã được quy định tại các văn bản như: Nghị định số 08/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP) quy định cơ quan Hải quan căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các cơ quan quản lý nhà nước ban hành để thực hiện việc kiểm tra theo quy định của pháp luật; Quyết định 65/2015/QĐ-TTg giao Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện công tác phân tích, kiểm tra về tiêu chuẩn, chất lượng, kiểm dịch, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo đề nghị của các Bộ hoặc phân công của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm theo phương thức kiểm tra giảm.

Đối với 3 phương thức kiểm tra (giảm, thông thường, chặt) quy định tại dự thảo Nghị định, cơ quan Hải quan chỉ thực hiện một số nhiệm vụ trong từng phương thức. Cụ thể, đối với phương thức kiểm tra chặt gồm: thử nghiệm, kiểm nghiệm hàng hóa; kiểm tra hồ sơ đăng ký kiểm tra, trong đó: việc thử nghiệm, kiểm nghiệm hàng hóa do tổ chức đánh giá sự phù hợp, cơ sở kiểm nghiệm do doanh nghiệp lựa chọn; cơ quan Hải quan chỉ thực hiện kiểm tra hồ sơ trong trường hợp doanh nghiệp đăng ký.

Đối với phương thức kiểm tra thông thường chỉ gồm kiểm tra hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm (đối chiếu sự phù hợp giữa các chứng từ). Cơ quan Hải quan chỉ thực hiện kiểm tra theo phương thức này trong trường hợp doanh nghiệp đăng ký.

Đối với phương thức kiểm tra giảm là việc kiểm tra hồ sơ ngẫu nhiên 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong năm. Doanh nghiệp chỉ khai mã số đăng ký bản công bố hợp quy, mã số tự công bố sản phẩm trên tờ khai hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu. Cơ quan Hải quan kiểm tra, đối chiếu hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm/hồ sơ tự công bố sản phẩm trên Cổng thông tin một cửa quốc gia với hồ sơ hải quan để xác định hàng hóa nhập khẩu phù hợp với hàng hóa đã được cấp mã số đăng ký bản công bố hợp quy/mã số tự công bố sản phẩm.

Như vậy, dự thảo Nghị định quy định cơ quan Hải quan tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu là phù hợp với quy định của pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, với chủ trương, chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu.

Nghị định cụ thể hóa 7 nội dung cải cách

Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu gồm 5 chương, 41 Điều và thể chế hóa 7 nội dung cải cách tại Quyết định số 38/QĐ-TTg.

Thứ nhất, cụ thể hóa vai trò đầu mối của cơ quan Hải quan trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu thông qua việc ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, xây dựng, vận hành NSW để tự động: tiếp nhận hồ sơ; quyết định phương thức kiểm tra trên cơ sở thu thập, phân tích đánh giá rủi ro, xử lý các dữ liệu về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Thứ hai, áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra gồm: chặt, thông thường, giảm trên cơ sở kế thừa những nội dung ưu việt đã được thực tiễn chứng minh tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP; các phương thức kiểm tra được áp dụng dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro của hàng hóa và mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, được công khai trên NSW để doanh nghiệp tra cứu, chủ động thực hiện.

Thứ ba, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Thứ tư, thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra. Doanh nghiệp chỉ cần thực hiện thủ tục công bố hợp quy, tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm lần đầu nhập khẩu. NSW tự động cấp mã số đăng ký bản công bố hợp quy, mã số tự công bố sản phẩm và mã số đăng ký bản công bố sản phẩm. Các lần nhập khẩu sau được áp dụng phương thức kiểm tra thông thường, giảm hoặc miễn kiểm tra. Việc áp dụng và chuyển đổi phương thức kiểm tra được áp dụng đối với hàng hóa, không phân biệt nhà nhập khẩu và được công khai trên NSW.

Thứ năm, áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp. Thực hiện kiểm tra theo mặt hàng, không phân biệt nhà nhập khẩu. Quy định rõ cơ chế đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp dựa trên phân loại mức độ rủi ro và tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. NSW tự động xác định phương thức kiểm tra trên cơ sở kết quả đánh giá, phân loại mức độ rủi ro của hàng hóa và mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Thứ sáu, mở rộng đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Dự thảo Nghị định quy định 24 trường hợp được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, trong đó kế thừa đầy đủ các trường hợp miễn kiểm tra theo quy định hiện hành và bổ sung 12 trường hợp miễn kiểm tra được Bộ Tài chính tổng hợp từ kiến nghị của doanh nghiệp phát sinh trong thực tiễn kinh doanh và quá trình thực hiện công tác quản lý về hải quan.

Thứ bảy, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để triển khai mô hình mới. Tất cả thủ tục hành chính tại dự thảo Nghị định được quy định phải thực hiện trên NSW; NSW tự động cấp mã số đăng ký bản công bố hợp quy, mã số tự công bố sản phẩm; tự động xác nhận hoàn thành việc kiểm tra trong trường hợp sau 2 giờ làm việc nếu cơ quan kiểm tra chưa có kết quả kiểm tra.

Các thông tin được công khai, chia sẻ trên NSW để doanh nghiệp nhập khẩu chủ động tra cứu, khai thác và thực hiện các thủ tục kiểm tra, cũng như phục vụ công tác giải quyết các thủ tục hành chính, áp dụng phương thức kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý. Thủ tục kiểm tra được liên thông, kết nối với thủ tục hải quan để đơn giản trình tự, thủ tục kiểm tra.

Việc ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính sẽ đơn giản hồ sơ, trình tự, thủ tục kiểm tra; cắt giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp; tăng cường vai trò quản lý nhà nước; minh bạch hóa, công khai hóa thông tin xử lý của các cơ quan, tổ chức nhằm hạn chế phiền hà, sách nhiễu trong quá trình thực hiện.