Đảm bảo công khai, minh bạch trong mua sắm tài sản công
Thực hiện thí điểm mô hình mua sắm công tập trung, nhất là đối với những loại hàng hóa có nhu cầu sử dụng nhiều và có giá trị lớn, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tích cực và chủ động ban hành cơ chế, chính sách để thúc đẩy triển khai thực hiện thí điểm mô hình mua sắm công tập trung.
Quán triệt chủ trương mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung
Thực hiện chỉ đạo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã chỉ ra nhiệm vụ nhằm khắc phục những bất cập trong công tác mua sắm tài sản.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, Nghị quyết số 98/2015/NQ-QH13 ngày 10/11/2015 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, ngày 26/02/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.
Thực hiện chủ trương trên, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 34/2016/TT-BTC ngày 26/02/2016 của Bộ Tài chính công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia; Thông tư số 35/206/TT-BTC ngày 26/02/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.
Cơ chế mua sắm tập trung hiện hành được quy định tại Luật đấu thầu năm 2013 (Điều 44, Điều 45); Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (Điều 68 đến Điều 72); Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.
Đảm bảo công khai, minh bạch trong mua sắm tài sản công
Tại buổi Họp báo ngày 28/4/2016, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản Nguyễn Tân Thịnh (Bộ Tài chính) cho biết: Về cách thức thực hiện mua sắm tập trung sẽ được thực hiện theo hai cách là ký thỏa thuận khung và ký hợp đồng trực tiếp. Với cách ký thỏa thuận khung, đơn vị mua sắm tập trung tổng hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu. Sau khi ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn, các đơn vị sử dụng tài sản trực tiếp ký hợp đồng mua sắm, trực tiếp thanh toán và tiếp nhận tài sản, hồ sơ về tài sản cũng như chế độ bảo hành, bảo trì tài sản từ nhà thầu này. Với cách thức ký hợp đồng trực tiếp, đơn vị mua sắm tập trung tổng hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu, trực tiếp ký hợp đồng và thanh toán cho họ. Các đơn vị sử dụng tài sản chỉ việc tiếp nhận tài sản, hồ sơ tài sản và thực hiện chế độ bảo hành, bảo trì với nhà thầu đó. Thông tư số 35/2016/TT-BTC cũng quy định cụ thể quy trình thực hiện mua sắm tập trung theo cách thức kí thỏa thuận khung và kí hợp đồng trực tiếp.
Theo đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia. Công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia, trừ danh mục thuốc mua sắm tập trung; quyết định theo thẩm quyền đơn vị mua sắm tập trung quốc gia để thực hiện mua sắm đối với tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại, giao bổ sung nhiệm vụ cho một đơn vị sự nghiệp công lập hiện có (không thành lập mới, không bổ sung biên chế).
Trong thời gian chưa tổ chức sắp xếp lại đơn vị mua sắm tập trung quốc gia theo quy định nêu trên, Bộ Tài chính giao cho đơn vị thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ mua sắm tập trung quốc gia theo mô hình kiêm nhiệm.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính thực hiện thu thập thông tin thị trường, tổng hợp phân tích nhu cầu và kết quả thực hiện mua sắm tài sản của các cơ quan, đơn vị, tổ chức; tổ chức thực hiện báo cáo và công khai trong mua sắm tập trung;
Đồng thời, Bộ Tài chính xây dựng Cơ sở dữ liệu về mua sắm tập trung và ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai thực hiện và công khai mua sắm tài sản theo phương thức tập trung; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong lĩnh vực mua sắm tập trung theo thẩm quyền;
Đặc biệt, Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc nhà nước các cấp thực hiện kiểm soát chi đối với mua sắm tập trung từ nguồn ngân sách nhà nước; không thanh toán các khoản kinh phí mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng không thực hiện mua sắm tập trung hoặc hợp đồng mua sắm tài sản không phù hợp với thỏa thuận khung và quy định của pháp luật.