Đảm bảo cung ứng điện những tháng cuối năm 2023
Để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định, đồng thời đảm bảo cung cấp điện trong các tháng còn lại của năm 2023, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp.
8 tháng, tổng sản lượng điện đạt 186,9 tỷ kWh
Theo Bộ Công Thương, lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 186,9 tỷ kWh, tăng trưởng 3,0% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 65,7% so với kế hoạch năm 2023 được phê duyệt.
Trong 3 tháng đầu năm, tình hình cung ứng điện được đảm bảo. Bước sang tháng 4/2023, tình hình vận hành hệ thống điện thay đổi nhanh chóng phụ tải tăng cao; lưu lượng nước về các hồ giảm thấp; các nguồn nhiệt điện than bị sự cố nhiều, một số nhà máy điện than xảy ra tình trạng thiếu than, một số nguồn nhiệt điện than miền Nam ngừng dự phòng dẫn đến mực nước thượng lưu các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện lớn miền Bắc bị sụt giảm.
Đến nửa cuối tháng 5 và đầu tháng 6, hệ thống điện miền Bắc đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung và phải thực hiện tiết giảm phụ tải các địa phương khu vực miền Bắc để đảm bảo an ninh cung ứng điện. Ngoài ra, hệ thống điện miền Nam cũng xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh tại một số giờ cao điểm, dẫn đến, các nguồn nhiệt điện chạy dầu có giá thành cao đã phải huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh.
Bộ Công Thương cho biết, để xảy ra tình trạng nêu trên, bên cạnh các nguyên nhân khách quan, một số nguyên nhân chủ quan như chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện; chậm khắc phục sự cố tổ máy của một số nhà máy nhiệt điện làm giảm khả năng cung cấp điện; bị động trong công tác chuẩn bị nhiên liệu than cho sản xuất điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng; điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các loại hình nguồn điện trong nhiều thời điểm.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và sự nỗ lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cũng như các đơn vị có liên quan đến cung cấp điện, kể từ ngày 23/6/2023 cho đến thời điểm báo cáo, tình hình cung ứng điện về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu, không phải thực hiện tiết giảm điện.
Trong tháng 7, Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức nhiều đoàn công tác kiểm tra thực địa và ban hành nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo công tác cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện, khắc phục sự cố dài ngày cũng như sự cố ngắn ngày. Kết quả, các tổ máy nhiệt điện bị sự cố dài ngày đã được khắc phục và đưa vào vận hành. Về đảm bảo cung ứng than cho phát điện, từ ngày 23/6 đã không còn tình trạng suy giảm công suất do thiếu than, mức tồn kho than đã được đảm bảo theo định mức.
Đối với nguồn thủy điện, hiện đang trong thời kỳ chính vụ mùa lũ, do lưu lượng nước về tăng cao, một số hồ thủy điện lớn trên cả nước đều đã và đang thực hiện xả nước theo quy định Quy trình vận hành liên hồ chứa tại một số thời điểm trong tháng 8.
Đảm bảo cung ứng điện các tháng còn lại của năm
Theo tính toán của EVN, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong các tháng còn lại ước đạt 95,6- 97,2 tỷ kWh, tăng trưởng từ 9,9%-11,8% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế cả năm 2023, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 281,9 - 283,6 tỷ kWh, tăng từ 5.1-5,7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt từ 99,1-99,6% so với kế hoạch năm 2023 được duyệt.
Để đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định, đồng thời đảm bảo cung cấp điện trong các tháng còn lại của năm 2023, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc, Tổng công ty Khí Việt Nam và Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm.
Theo đó, EVN chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia phối hợp chặt chẽ với các Đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện cập nhật thường xuyên và bám sát tình hình thủy văn các hồ chứa thủy điện để có kế hoạch vận hành hồ chứa tối ưu và hiệu quả, tuân thủ quy định và các quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ, đảm bảo an ninh cung cấp điện thời gian tới.
Đồng thời, chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các đơn vị truyền tải điện tăng cường ứng trực, kiểm tra, rà soát lưới điện truyền tải thuộc quyền quản lý nhằm phát hiện nhanh và xử lý kịp thời các bất thường thiết bị, hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự cố hoặc phải tách thiết bị ra khỏi vận hành; rà soát đảm bảo sự làm việc bình thường của hệ thống rơ le bảo vệ, tự động của lưới truyền tải điện.
EVN chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/Sở Công Thương trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện, kiên trì thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện nhằm áp ứng công suất đỉnh hệ thống điện, đặc biệt ở khu vực miền Bắc.
Bộ Công Thương chỉ đạo EVN, PVN, TKV và các đơn vị phát điện chỉ đạo tất cả các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác vận hành thiết bị của nhà máy, không để xảy ra sự cố chủ quan; tăng cường kiểm tra, củng cố thiết bị, khắc phục các khiếm khuyết đảm bảo nâng cao độ tin cậy vận hành, nâng cao khả năng phát điện của các tổ máy phát điện.
Đồng thời, rà soát đảm bảo sự làm việc bình thường của hệ thống rơ le bảo vệ, tự động của nhà máy điện; đảm bảo vật tư dự phỏng cho các thiết bị của nhà máy điện; đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố và đưa vào vận hành các tổ máy nhiệt điện bị sự cố dài ngày; khẩn trương khắc phục các sự cố ngắn ngày.
TKV, Tổng công ty Đông Bắc phối hợp với EVN, các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện đảm bảo cung cấp đủ than cho sản xuất điện. Các tổng công ty phát điện, các nhà máy điện bám sát các đơn vị cung cấp than để được cung cấp than liên tục ổn định trong các tháng còn lại năm 2023, không để tình trạng thiếu than, đảm bảo cung cấp đủ, ổn định cho hoạt động sản xuất điện. PVN, Tổng công ty Khí Việt Nam phối hợp với EVN, các chủ đầu tư nhà máy điện khí đảm bảo ưu tiên cung cấp khí cho sản xuất điện.