Đảm bảo khả thi kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2021-2025

Trần Huyền

Công tác cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016-2020 chưa đạt kế hoạch đề ra, do đó, trong công tác cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2021-2025, cần khẩn trương rà soát, điều chỉnh lại kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đã được phê duyệt từ giai đoạn 2016-2020 cho phù hợp tiêu chí, tiến độ mới đi đôi với trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong khâu tổ chức thực hiện, đảm bảo khả thi đưa vào kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016-2020 chưa đạt kế hoạch

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị liên quan đã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công để triển khai rà soát, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng nhiệm vụ đề ra. 

Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2016-2020, các đơn vị đã cổ phần hóa được 180 DN, theo đó đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra là 137 DN. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 39 DN thuộc kế hoạch cổ phần hóa, theo kế hoạch (đã được rà soát và điều chỉnh), còn 89 DN chưa hoàn thành công tác cổ phần hóa.

Theo kế hoạch được phê duyệt, tổng giá trị dự kiến bán cho các đối tượng là 104.726 tỷ đồng tương đương 48% giá trị phần vốn nhà nước tại DN. Tuy nhiên, thực tế triển khai bán cổ phần đã không thành công theo kế hoạch, tổng giá trị thực tế bán được là 22.748 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại DN. Tuy vậy, tổng giá trị thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN từ công tác cổ phần hóa là 36.518 tỷ đồng, đạt 1,6 lần so với giá bán.

Trong công tác thoái vốn, theo kế hoạch đề ra, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ thực hiện thoái vốn tại 348 DN với tổng giá trị vốn nhà nưóc theo sổ sách là khoảng 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết năm 2020 chỉ triển khai thoái vốn được tại 106 DN (đạt 30% về số lượng), với tổng giá trị vốn nhà nước theo sổ sách thoái được là 6.493 tỷ đồng (đạt 11 % tổng giá trị phải thoái).

Tình hình cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn 2016-2020 không đạt kế hoạch đề ra. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN đã thường xuyên quan tâm, kịp thời chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả của công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan như: chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng đên tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trên thế giới và khu vực, sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của xã hội bị đình trệ khiến cho việc triển khai công tác cồ phần hóa, thoái vốn của các DN gặp khó khăn.

Đồng thời, nhiều DN thuộc kế hoạch thực hiện thoái vốn trong giai đoạn 2016-2020 đã điều chỉnh kế hoạch thoái vốn, các DN lớn thuộc diện cổ phần hóa chưa tổ chức bán cổ phần lần đầu trong giai đoạn 2016-2020 mà chỉ triển khai công tác xác định giá trị DN nên sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành kế hoạch nộp tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ Quỹ về NSNN.

Tiếp tục cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021-2025

Theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2020 còn 89 DN chưa hoàn thành cồ phần hóa và 250 DN chưa hoàn thành thoái vốn tính đến hết năm 2020. Tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các DN sau khi cổ phần hóa vẫn còn cao, chưa đạt mục tiêu đề ra là thay đổi phương thức quản trị DN.

Do đó, theo Bộ Tài chính, cần tiếp tục cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021-2025, trong đó, khẩn trương rà soát, điều chỉnh lại kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đã được phê duyệt từ giai đoạn 2016-2020 cho phù hợp tiêu chí, tiến độ mới đi đôi với trách nhiệm cá nhân, tập thể khâu tổ chức thực hiện, đảm bảo khả thi đưa vào kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Một trong những mục tiêu được đề ra tại Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trong tâm là Tâp đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ là cơ bản hoàn thành sắp xếp lại khối DNNN theo Tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, tập trung giữ những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Đa dạng hóa các phương thức sắp xếp lại, chuyển đồi sở hữu DN theo quy định của pháp luật (duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, sáp nhập, hợp nhất, cổ phần hóa, thoái vốn, giải thể, phá sản, chia tách...), trong đó phương thức cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước là một giải pháp quan trọng để đảm bảo nguồn lực cho đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Nhiệm vụ được đề ra là đến năm 2025, hoàn tất việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối DNNN, thông qua các hình thức như: duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, bán, giải thế, phá sản, thoái vốn và cố phần hóa DNNN. Đảm bảo nguồn thu từ tái cơ cấu DN nộp ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 ít nhất 248.000 tỷ đồng.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, Đề án xác định giải pháp đầu tiên là rà soát, xác định số lượng và phạm vi ngành, lĩnh vực thiết yếu, quan trọng cần có DNNN để xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm cơ cấu lại DNNN, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, bán, giải thể, phá sản, thoái vốn và cổ phần hóa DNNN; xác định rõ các DN mà nhà nước cần nắm giữ theo đúng tiêu chí phân loại DNNN.

Đồng thời, lựa chọn xác định thời điểm để cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước tại DN, bảo đảm công khai, minh bạch hiệu quả, khả thi, theo lộ trình phù hợp, không để thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Cùng với đó là thực hiện nghiêm quy định về đăng ký lưu ký, đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thí điểm lựa chọn một số DN sau cổ phần hóa có đủ điều kiện, có quy mô hợp lý thực hiện đãng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán khu vực và thế giới. Thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo Đề án được duyệt để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; thoái vốn danh mục đầu tư theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025.