Gắn trách nhiệm của bộ, ngành trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Khi nói về Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”, Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết, đề án mới sẽ gắn trách nhiệm của các bộ, ngành cụ thể và chặt chẽ hơn. Qua đó, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn…
Vào tháng 5/2021, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”; đồng thời tập trung xây dựng Nghị định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và chuyển nhượng vốn nhà nước. Liệu đề án này có thúc đẩy việc CPH doanh nghiệp nhà nước?
Theo số liệu của Bộ Tài chính, từ năm 2016 đến tháng 12/2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.116 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 37/180 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch).
Hiện nay, cả nước còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Các doanh nghiệp này sẽ phải tiếp tục triển khai cổ phần hóa theo kế hoạch, trong đó những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải cổ phần hóa như: Thành phố Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (4 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; Thành phố Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 6 doanh nghiệp (3 Tập đoàn, 3 Tổng công ty), Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 Tổng công ty.
Số liệu mới nhất cho thấy, 6 tháng đầu năm, đã thực hiện thoái vốn tại 12 doanh nghiệp, số doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 6 tháng còn lại năm 2021 là 89 doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chậm so với kế hoạch đề ra, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục và kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn còn kéo dài, chưa đảm bảo tính kịp thời, khả thi. Việc triển khai bán cổ phần của nhiều doanh nghiệp không đạt được kết quả theo kế hoạch đề ra, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước, thu từ hoạt động sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước.
Tình trạng chậm trễ đã khiến số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ dừng ở mức 286 tỷ đồng; mặc dù, số dự kiến thu từ cổ phần hóa, thoái vốn từ Quỹ nộp vào Ngân sách năm 2021 là 40.000 tỷ đồng theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Khi nói về Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”, Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, đề án mới sẽ gắn trách nhiệm của các bộ, ngành cụ thể và chặt chẽ hơn. Qua đó, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn…
Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các cơ chế chính sách quan trọng như: Quyết định về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Quyết định phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định phê duyệt Đề án cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 để các cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp có cơ sở thực hiện; rà soát, tổng kết và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13... nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.