Đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng

Theo A.N/dangcongsan.vn

Bộ Công Thương đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lưu thông bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19, ngoại trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định.​

Hàng hóa ở các siêu thị vẫn đủ để  phục vụ nhu cầu của khách hàng.  (Ảnh: Đức Duy)
Hàng hóa ở các siêu thị vẫn đủ để phục vụ nhu cầu của khách hàng. (Ảnh: Đức Duy)

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa

Xác định dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều khó khăn cho công tác cung ứng và lưu thông hàng hóa, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước. Đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước.

Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, tiếp tục theo dõi sát diễn biến của giá dầu thế giới do tác động của dịch bệnh để tham mưu điều hành giá mặt hàng xăng dầu phù hợp với diễn biến của giá thành phẩm xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế - xã hội trong nước (bảo đảm tính thị trường), giảm thiểu sự tác động đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, tiếp tục tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, hạn chế tối đa việc tồn ứ hàng hóa nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng trong khâu lưu thông. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương các địa phương để theo dõi sát diễn biến thị trường, có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị hướng xử lý các bất ổn của thị trường, đặc biệt là một số mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu và điều phối giữa các địa phương khi cần.

Đặc biệt, tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương. Chủ động phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương đối với hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số (trong điều kiện giãn cách xã hội). Hỗ trợ và đôn đốc các Hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, ngành hàng, tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước, để nhanh chóng đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đã vào vụ hoặc sắp thu hoạch ở các địa phương. Trước mắt, Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021 sẽ được tổ chức vào ngày 6/8/2021, giúp kết nối chuỗi cung ứng đang tạm thời gián đoạn do dịch bệnh.

Bộ Công Thương cũng chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn các địa phương khẩn trương thực hiện quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 9 tháng 2 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đếm năm 2030”. Đồng thời hướng dẫn các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia sàn, đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến; hỗ trợ vận chuyển; thanh toán trực tuyến; hỗ trợ và ưu tiên các thương nhân kinh doanh nông sản tham gia các Chương trình ngày mua sắm trực tuyến; Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia… Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông sản trên các kênh thương mại điện tử, hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêu thụ lượng nông sản lớn (đã, đang và sẽ vào vụ thu hoạch) ở các địa phương trên các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín.

Đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho người dân

Tại buổi làm việc với các đơn vị chức năng sáng 3/8, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã đặt ra ba nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm của Bộ Công Thương trong thời gian tới: Trước hết là nhiệm vụ cung ứng hàng hóa thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu của người dân trên cả nước, nhất là đối với những địa phương đang có dịch, đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; nhiệm vụ thứ hai là vừa thúc đẩy sản xuất công nghiệp, duy trì thực hiện “mục tiêu kép” vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh; nhiệm vụ thứ ba là duy trì mức tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu, đảm bảo mục tiêu cả năm, tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 4-5% so với năm 2020 và cán cân thương mại tiếp tục duy trì đà xuất siêu.

Trong 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước, đây tiếp tục là dấu hiệu lạc quan, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng. Thời gian tới, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu còn nhiều dư địa để tăng trưởng, khi các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, dự báo dịch bệnh có thể sẽ bùng phát mạnh hơn trong thời gian tới, do vậy Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải yêu cầu, bên cạnh việc đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, các đơn vị chức năng thuộc Bộ phải chú trọng thêm về nhiệm vụ giữ vững sản xuất công nghiệp, duy trì hoạt động xuất khẩu.  

Về việc cung ứng hàng hóa, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giao Vụ Thị trường trong nước làm đầu mối, mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động của Tổ công tác Tiền phương, không chỉ ở các tỉnh, thành phố phía Nam mà phải mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị, Vụ Thị trường trong nước phải xây dựng các kịch bản cung ứng hàng hóa tương đương với các cấp độ của dịch bệnh. Đồng thời nhấn mạnh, trong mọi tình huống, phải đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân cả nước, nhất là ở các địa phương có dịch và đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.