Đảm bảo ổn định thị trường hàng hóa
Ngày 28/2, Tổ Điều hành thị trường trong nước đã họp phiên thường kỳ tháng 2/2019. Theo các thành viên của Tổ điều hành, trong 2 tháng đầu năm, hoạt động điều hành tốt đã giúp thị trường hàng hóa duy trì ổn định.
Theo Tổ điều hành, nhìn chung, hầu hết hàng hóa thiết yếu trên thị trường trong tháng 2/2019 có biến động tăng giảm đan xen, tác động đến giá cả hàng hóa ở thị trường trong nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ước đạt 390.821 tỷ đồng, giảm 3,56% so với tháng 1 và giảm nhiều ở các nhóm hàng.
Lý giải về điều này, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, việc giảm quy mô tổng mức bán lẻ tháng 2 là do hoạt động mua sắm của người dân trong nửa cuối tháng 1 tăng khá mạnh và chỉ kéo dài đến 5 ngày đầu tháng 2. Nửa cuối tháng 2, nhu cầu hàng hóa giảm cùng với thời kỳ ước tính của tháng 2 chỉ có 28 ngày nên tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm so với tháng 1.
Tính chung tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm đạt 796.064 tỷ đồng, tăng 11,93% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, với những nỗ lực lớn trong công tác điều hành, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2019 chỉ tăng 0,8% so với tháng 1/2019, trong đó CPI của 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tháng 2/2019 tăng so với tháng trước, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo bà Đồng Ánh Ngọc - Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), trong thời gian tới, nhiều mặt hàng, nhóm hàng như nông sản, năng lượng vẫn đang trong xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ. Một số mặt hàng Nhà nước quản lý dự báo sẽ được điều chỉnh tăng, sẽ tác động đến mặt bằng giá hàng hóa khác trên thị trường. Để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao ở mức khoảng 4% và mục tiêu Chính phủ đưa ra là dưới 4%, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2019 cần được thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương nhằm nghiêm túc triển khai các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá.
Để góp phần ổn định thị trường hàng hóa, đảm bảo an sinh xã hội, Tổ Điều hành thị trường trong nước kiến nghị, trong thời gian tới cần sự phối hợp tốt trong công tác điều hành của các bộ, ngành, cũng như công tác truyền thông để đảm bảo không có hiện tượng tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến việc kiểm soát lạm phát.
Các bộ, ngành địa phương tiếp tục cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả hàng hóa do Nhà nước quản lý; Phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận với công tác điều hành của nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.