Vượt trở ngại đầu năm
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam cần chuẩn bị sẵn phương án đối phó với những biến động xảy ra.
Ông Phạm Hải Long, Giám đốc CTCP Thực phẩm Nông sản Xuất khẩu Sài Gòn (Agrex) cho biết, DN đang phải nỗ lực rất nhiều để đạt được con số mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 35 triệu USD, 30% so với năm 2018. Mặc dù, hiện nay nhiều thị trường xuất khẩu tại một số nước EU, Mỹ, Nhật Bản đang rất tốt, sức cầu tăng cao, tuy nhiên các DN xuất khẩu vẫn gặp phải một số khó khăn không nhỏ. Đơn cử như đối với thị trường EU, kể từ khi hàng hóa của DN xuất khẩu thủy sản bị gắn "thẻ vàng", các hoạt động chứng nhận, kiểm định chất lượng hàng hóa của DN ngành này gặp rất nhiều trở ngại.
"Nếu như trước kia hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU chỉ phải đáp ứng 2-3 bộ hồ sơ, thì nay đã tăng lên đến 4 - 5 bộ mới có đủ điều kiện để "thông hành" vào thị trường khó tính này. Chính vì vậy, các DN xuất khẩu chế biến của Việt Nam càng phải kỹ lưỡng, tăng cường truy xuất nguồn gốc xuất xứ từ khâu nguyên liệu đầu vào để đáp ứng được yêu cầu của bạn hàng, nếu không muốn mất thị trường" - ông Long nhấn mạnh.
Đó là đối với thị trường xuất khẩu, còn trong nước nhiều DN sản xuất kinh doanh lại phải đối mặt với việc thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo giữa các bộ ngành, thiếu hụt nguồn lao động... Chúng ta từng chứng kiến nhiều DN sản xuất ngành nhựa, ngành thép bị ngưng trệ hoạt động sản xuất do thiếu nguồn nguyên liệu, ùn ứ tại cảng bởi vướng phải những quy định về nhập khẩu phế liệu, trong khi các ngành này hiện vẫn đang phải phụ thuộc 70% – 80% nguyên liệu phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài.
Chưa hết, Phó tổng giám đốc một DN chế biến nông sản có nhà máy tại Quận 4, TP. Hồ Chí Minh cho biết, vào thời điểm hiện tại, DN đang chịu sự thiếu hụt đến 30% lực lượng lao động. Sau thời gian nghỉ Tết, chỉ có khoảng 600 công nhân quay lại DN làm việc. Vì vậy nhà máy đang có nhu cầu tuyển mới gần 200 lao động phổ thông vào các dây chuyền sản xuất, chế biến. Cái khó đối với những DN này là sau khi tuyển mới lại phải mất thêm thời gian đào tạo, nâng cao tay nghề để có thể đáp ứng yêu cầu làm việc, tốn rất nhiều thời gian và chi phí.
Sở dĩ nhiều DN sản xuất sau Tết thường gặp phải tình trạng thiếu hụt nhân công quay lại làm việc được cho là do hiện nay, phần lớn tại các tỉnh thành đều mở rất nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, thu hút lao động làm việc ngay tại địa phương. Chính vì vậy, nhiều nhà máy tại các thành phố lớn như TP. HCM rất dễ rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân công, nếu không có chính sách ưu đãi lương thưởng thật hấp dẫn.
Để giải quyết bài toán này, không ít DN sản xuất kinh doanh đã phải nhanh chóng tiến hành cơ cấu lại các bộ phận, dây chuyền sản xuất, tăng cường tự động hóa, sử dụng máy móc thay thế dần nhân công ở những khâu có thể. Cùng với đó, thậm chí nhiều DN phải lên kế hoạch tự chủ nguồn nguyên liệu bằng cách đầu tư trang trại, khu trồng trọt, chăn nuôi; hoặc ký kết bao tiêu lâu dài với người nông dân để chủ động từng bước nguyên liệu đầu vào.
Theo dự báo của Ngân hàng UOB, Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh trong năm 2019, kinh tế sẽ tăng 6,7%, giảm nhẹ so với mức 7,1% của năm 2018. Hoạt động đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng vẫn là những động lực tăng trưởng quan trọng.
Hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ được thúc đẩy bởi việc tiếp nối mở rộng của các DN đa quốc gia trong các ngành có nhu cầu cao về nhân lực, và trong lĩnh vực xuất khẩu, sản xuất và chế biến. Tuy nhiên điều kiện thời tiết không thuận lợi có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng của sản xuất nông nghiệp và khai thác khoáng sản.
Đối với hoạt động xuất-nhập khẩu, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài cũng có thể tác động lớn đến Việt Nam. Hoạt động xuất khẩu có thể sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực, nếu 2 cường quốc này cắt giảm nguồn cầu cho các sản phẩm nhập khẩu như sắt thép, máy móc thiết bị, điện thoại. Sự đổ bộ của hàng giá rẻ từ Trung Quốc cũng gây ảnh hưởng cho các ngành công nghiệp, sản xuất trong nước...
Chính vì vậy, các chuyên gia kinh tế cảnh báo, DN sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam cần chuẩn bị sẵn phương án đối phó với những biến động xảy ra.