Đảm bảo tiến độ, nhu cầu giải ngân và kịp thời nhập vào hệ thống TABMIS

PV.

Đây là một trong những đề xuất của Bộ Tài chính tại Hội nghị trực tuyến sơ kết và thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020 vừa được tổ chức sáng 25/6/2020. Thống kê sơ bộ cho thấy, tính đến hết ngày 24/6/2020, tỷ lệ nhập dự toán trên TABMIS chi tiết theo dự án so với kế hoạch vốn được giao của các cơ quan đạt 85,2%.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo số liệu trên hệ thống TABMIS, tính đến hết ngày 24/6/2020, tỷ lệ nhập dự toán trên TABMIS chi tiết theo dự án so với kế hoạch vốn được giao của các cơ quan đạt 85,2% (48.286 tỷ đồng), trong đó các Bộ, ngành đạt tỷ lệ 82,5% (15.030 tỷ đồng) và các địa phương đạt tỷ lệ 86,4% (33.256 tỷ đồng).

Số liệu cụ thể vừa được Bộ Tài chính công bố tại Hội nghị trực tuyến sơ kết và thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020 vừa được tổ chức sáng 25/6/2020 cho thấy, có 7/12 Bộ đã nhập và phân bổ 100% dự toán vốn vay nước ngoài trên TABMIS; 4/12 Bộ đã nhập và phân bổ trên 70% dự toán; riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhập dưới 50% dự toán (do dự kiến hủy khoảng 50% dự toán).

Tính đến hết ngày 24/6/2020, tỷ lệ nhập dự toán trên TABMIS chi tiết theo dự án so với kế hoạch vốn được giao của các cơ quan đạt 85,2% (48.286 tỷ đồng), trong đó các Bộ, ngành đạt tỷ lệ 82,5% (15.030 tỷ đồng) và các địa phương đạt tỷ lệ 86,4% (33.256 tỷ đồng).

Đối với các địa phương, đến nay đã có 59/62 địa phương đã nhập và phân bổ TABMIS trên 50% dự toán vay nước ngoài; 2/62 địa phương còn lại nhập và phân bổ dự toán đạt tỷ lệ dưới 50% so với dự toán được giao là Hà Nam (17,7%), Đăk Nông (42,2%); riêng Hải Dương, theo thông tin trên hệ thống TABMIS chưa nhập và phân bổ dự toán (dự toán được giao là 115,2 tỷ đồng).

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tình hình nhập và phân bổ dự toán vốn vay nước ngoài trên hệ thống TABMIS đến nay đã có nhiều cải thiện so với cuối quý I/2020, đặc biệt sau khi có các văn bản đôn đốc từ Bộ Tài chính, và sau khi có các giải pháp rà soát, chỉ đạo sát sao từ các cơ quan chủ quản.

Tuy nhiên, vẫn xuất hiện tình trạng như: Một số đơn vị đề nghị trả lại kế hoạch vốn, cụ thể Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hủy 1.808 tỷ đồng/3.638 tỷ đồng dự toán của Bộ để chuyển cho các Bộ, địa phương khác, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam đề nghị hủy số tiền 300 tỷ đồng/400 tỷ đồng dự kiến bố trí cho Dự án Đại học Khoa học công nghệ Hà Nội do Dự án không thể giải ngân theo kế hoạch. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao sai dự toán như giao cho Bộ Giao dục và Đào tạo và 16 tỉnh tham gia Dự án Chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2 vay Ngân hàng Phát triển châu Á từ nguồn chi theo cơ chế tài chính trong nước sang ghi thu ghi chi nên đến nay vẫn chưa thể giải ngân.

Về số vốn còn lại chưa phân bổ, theo lý giải của các cơ quan chủ quản, chủ yếu do các nguyên nhân: đến cuối năm 2019, nhiều dự án mới được giao kế hoạch trung hạn 2016-2020 nên một số hạng mục phải chuyển sang giai đoạn 2021-2025 để thực hiện; hoặc không còn nhu cầu sử dụng vốn, đề nghị chuyển cho các Bộ, ngành, địa phương khác.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị các cơ quan chủ quản khẩn trương rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống TABMIS để có cơ sở giải ngân.

Đồng thời, cần lưu ý tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành hoặc các dự án sắp hết thời hạn giải ngân. Trường hợp nhận thấy không đủ khả năng giải ngân, đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có tính sẵn sàng hơn.