Hệ thống TABMIS: Công cụ quản lý ngân sách nhà nước hữu hiệu
Sau 5 năm triển khai và vận hành chính thức trên toàn quốc (từ năm 2012) đến nay, Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) ngày càng khẳng định được vai trò của kế toán ngân sách nhà nước và tầm quan trọng của công tác tham mưu đối với các cấp lãnh đạo trong quản lý ngân sách nhà nước.
Những lợi ích từ triển khai hệ thống TABMIS
Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) là cấu phần một của Dự án cải cách quản lý tài chính công do Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. TABMIS đã được triển khai và vận hành chính thức tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước (KBNN) và các cơ quan tài chính từ Trung ương đến các quận, huyện từ cuối năm 2012. Đến nay, sau 5 năm triển khai và vận hành trên toàn quốc, TABMIS đã làm thay đổi cơ bản các hoạt động nghiệp vụ ngân sách nhà nước (NSNN), KBNN và các ứng dụng công nghệ thông tin có liên quan theo hướng cải cách, tập trung, hiện đại.
Đặc biệt, TABMIS đã mang lại những lợi ích thiết thực cho các cơ quan, đơn vị quản lý NSNN các cấp trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình. Cụ thể, TABMIS đã giúp hỗ trợ lập các báo cáo tài chính về dự toán, thu, chi NSNN; Báo cáo quản trị theo nhiều tiêu thức phục vụ cho yêu cầu quản lý, điều hành NSNN trên cơ sở kết hợp các phân đoạn của tổ hợp tài khoản kế toán và sử dụng công cụ lập báo cáo tài chính. Ngoài ra, TABMIS cũng cung cấp thông tin nhanh, chính xác về tình hình thực hiện NSNN ở mọi thời điểm; Đảm bảo sự đồng bộ về dữ liệu thu, chi NSNN giữa KBNN và các cơ quan tài chính, thuế, hải quan.
Đối với KBNN, với nhiệm vụ thực hiện kế toán NSNN, TABMIS góp phần hoàn thiện công tác kế toán NSNN, các quỹ và tài sản của Nhà nước được giao quản lý, các khoản viện trợ, vay nợ, trả nợ của Chính phủ và chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật; Báo cáo tình hình thực hiện thu, chi NSNN cho cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan nhà nước có liên quan theo quy định của pháp luật; Tổng hợp, lập quyết toán NSNN hàng năm trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ theo quy định của pháp luật.
Đối với cơ quan tài chính các cấp (Trung ương, tỉnh, huyện), công tác phân bổ dự toán NSNN được thực hiện trên TABMIS, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý phân bổ NSNN từ khâu nhập dự toán cấp 0 (do Quốc hội, HĐND quyết định), phân bổ cho các đơn vị dự toán cấp 1, cấp trung gian, đơn vị sử dụng NSNN. Bên cạnh đó, cơ quan tài chính có thể trực tiếp khai thác các báo cáo về dự toán, thu, chi NSNN từ hệ thống (thay cho việc chỉ nhận báo cáo từ KBNN như trước đây).
Đối với các bộ, sở tham gia trực tiếp TABMIS (37 bộ, ngành; 3 sở của Hà Nội) công tác phân bổ dự toán NSNN được thực hiện trên TABMIS, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý phân bổ NSNN cho các đơn vị trực thuộc.
Trong quá trình triển khai TABMIS, Bộ Tài chính, KBNN đã nghiên cứu, rà soát các văn bản pháp lý về quản lý NSNN, kế toán NSNN quy định tại Luật NSNN năm 2002 và các văn bản hướng dẫn, Luật Kế toán 2003 và các văn bản hướng dẫn, chế độ kế toán nhà nước áp dụng cho TABMIS… để tổng hợp vào nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản pháp lý này, góp phần đẩy mạnh cải cách cơ chế quản lý NSNN; Hoàn thiện chế độ kế toán nhà nước áp dụng cho TABMIS. Đồng thời, nhằm đồng bộ và góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ khác, Bộ Tài chính, KBNN đã xây dựng, chỉnh sửa và hoàn thiện nhiều chương trình ứng dụng khác có giao diện với TABMIS như:
- Chương trình quản lý thu, nộp thuế giữa cơ quan Thuế - KBNN - Hải quan - Tài chính theo Dự án hiện đại hóa thu, nộp NSNN (TCS), tạo thuận lợi cho người nộp thuế (NNT) và hỗ trợ công tác kế toán thu ngân sách nhanh chóng, chính xác; Cung cấp thông tin thu NSNN kịp thời, chính xác; Thống nhất dữ liệu số thu về thuế và các khoản thu khác của từng NNT giữa cơ quan thuế, KBNN, hải quan và tài chính; Hỗ trợ việc theo dõi tình trạng thu, nộp tiền thuế và các khoản thu khác đảm bảo xác định nợ thuế nhanh chóng, chính xác.
- Kho dữ liệu TABMIS: Là kho dữ liệu độc lập và được vận hành song song với môi trường sản xuất TABMIS. Dữ liệu trên Kho dữ liệu TABMIS được đồng bộ từ TABMIS sử dụng để khai thác báo cáo cho các đơn vị vận hành TABMIS, để giảm tải và nâng cao hiệu năng cho TABMIS.
- Kho dữ liệu tài chính ngân sách quốc gia: Là kho dữ liệu thu chi NSNN do Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) quản lý, trong đó chứa dữ liệu từ TABMIS, hỗ trợ công tác lập báo cáo theo các thông tin khác nhau, tại nhiều thời điểm khác nhau phục vụ quản lý và điều hành tài chính ngân sách.
- Dịch vụ công KBNN: Trong năm 2016, KBNN đã triển khai thí điểm 03 dịch vụ công tại 5 văn phòng KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc Ttrung ương (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ): Đăng ký mở và sử dụng tài khoản tại KBNN; Khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với KBNN; Giao diện thông tin yêu cầu thanh toán qua mạng và chương trình kê khai yêu cầu thanh toán.
Việc triển khai dịch vụ công góp phần cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí xã hội; Tạo điều kiện thuận lợi và giảm thời gian đi lại của đơn vị giao dịch khi giao nhận hồ sơ, chứng từ với Kho bạc, dần thay thế phương thức giao nhận hồ sơ tài liệu giấy theo truyền thống bằng giao dịch điện tử giữa khách hàng và KBNN; bước đầu tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử.
Dự kiến đến quý III/2017, KBNN sẽ triển khai rộng rãi 3 dịch vụ công này trên toàn quốc.
- Trong năm 2016, KBNN đã tích hợp ứng dụng thanh toán điện tử liên kho bạc vào hệ thống TABMIS, rút gọn quy trình thanh toán, đối chiếu nội bộ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công tác thanh toán nội bộ trong hệ thống, đảm bảo an toàn tiền, tài sản nhà nước trong công tác thanh toán.
Tóm lại, việc triển khai thành công hệ thống TABMIS đã giúp đẩy mạnh cải cách cơ chế quản lý NSNN; hoàn thiện chế độ kế toán nhà nước áp dụng cho TABMIS; cung cấp thông tin kịp thời phục vụ công tác quản lý.
Một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện
Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống TABMIS, thời gian tới cần tiếp tục triển khai một số nội dung sau:
Thứ nhất, về cơ chế, chính sách: Ngành Kho bạc Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, xác định những thay đổi của Luật Kế toán và Luật NSNN năm 2015 tác động ra sao đến chế độ kế toán nhà nước áp dụng cho TABMIS; Đánh giá thực trạng chế độ kế toán nhà nước áp dụng cho TABMIS (ưu điểm, hạn chế). Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp hoàn thiện chế độ kế toán nhà nước áp dụng cho TABMIS, đảm bảo phù hợp với Luật Kế toán và Luật NSNN năm 2015; đồng thời, hoàn thiện các nội dung có liên quan khi triển khai áp dụng chế độ kế toán nhà nước như: Về chứng từ kế toán (chứng từ thu, chi, vay nợ, khác); Tổ hợp tài khoản kế toán; phương pháp kế toán các nghiệp vụ chủ yếu (kế toán vay và trả nợ vay của NSNN; kế toán dự toán, ghi thu, ghi chi vốn vay ODA…); Sổ, báo cáo kế toán…
Thứ hai, về chương trình ứng dụng: Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình ứng dụng trên TABMIS, nâng cao hiệu năng hệ thống… nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người sử dụng trong công tác thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho TABMIS. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình, nâng cao hiệu năng đối với các chương trình ứng dụng khác có giao diện với TABMIS như TCS, kho dữ liệu, thanh toán, dịch vụ công, đầu tư… góp phần hỗ trợ công tác kế toán thu ngân sách nhanh chóng, chính xác; thống nhất dữ liệu giữa cơ quan thuế, KBNN, hải quan và tài chính; cải cách thủ tục hành chính; cung cấp thông tin kịp thời phục vụ công tác quản lý.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật NSNN năm 2015;
2. Luật Kế toán năm 2015;
3. Thông tư 08/2013/TT-BTC ngày 10/1/2013 hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho TABMIS.