Ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam:

Đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế

Lê Hà

Bên cạnh phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT), thời gian tới, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam sẽ kịp thời có giải pháp tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa người tham gia và hưởng BHYT theo luật định.

Chi khám chữa bệnh BHYT tăng gần 20% so với năm 2022

BHXH Việt Nam cho biết, thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành BHXH luôn chủ động, tích cực phối hợp cùng ngành Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về BHYT; kịp thời có giải pháp tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa người tham gia và hưởng BHYT theo luật định.

Theo thống kê, hiện nay có trên 93,3 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 93,35% dân số (vượt 0,15% so với Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ), là chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.

Năm 2023, toàn quốc có 174,8 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT, tăng trên 23,4 triệu lượt so với năm 2022. Số chi khám chữa bệnh BHYT khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2022.

Trong năm 2023, toàn ngành BHXH đã ký hợp đồng với hơn 12.851 cơ sở khám chữa bệnh BHYT (2.600 cơ sở khám chữa bệnh BHYT ký trực tiếp). Tất cả các cơ sở này đã kết nối với Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam với tỷ lệ liên thông dữ liệu trong ngày đạt 94,5%.

Có thể khẳng định, quyền lợi của người tham gia BHYT cơ bản được đảm bảo theo quy định. Người bệnh không phải chờ đợi lâu, tình trạng nằm ghép chỉ còn xảy ra tại một vài bệnh viện tuyến trung ương; việc thiếu thuốc, vật tư y tế từng bước được khắc phục.

Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh liên quan các sai phạm trong công tác giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Đồng thời, hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc của địa phương; xử lý tình trạng làm giả hồ sơ để trục lợi BHYT.

Nhằm cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh BHYT, năm qua, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã triển khai rất tốt Đề án 06 của Chính phủ. Hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai quy trình đăng ký khám chữa bệnh BHYT bằng ứng dụng VNeID, VssID và thẻ căn cước công dân gắn chip.

Kết quả, 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT (12.851 cơ sở) trên toàn quốc đã triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip, với hơn 55 triệu lượt người sử dụng để làm thủ tục khám chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, quản lý và sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT.

Đảm bảo Quỹ BHYT phát triển bền vững

Năm nay, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Y tế xây dựng Luật BHYT (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật. Luật này sẽ được Bộ Y tế hoàn thiện, trình ban hành trong năm 2024.

Cùng với đó, BHXH Việt Nam cũng đang phối hợp với Bộ Y tế tham mưu xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người dân.

Về vấn đề này, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh: Cân đối Quỹ BHYT không chỉ là trách nhiệm của riêng BHXH Việt Nam, mà là nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Hai bên cần phối hợp chặt chẽ đảm bảo sự phát triển bền vững của Quỹ BHYT, vì quyền lợi của người tham gia.

Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian tới, hai cơ quan sẽ tiếp tục phối hợp rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT, nhằm khắc phục bất cập trong tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, nhất là về phát triển người tham gia BHYT. Đồng thời, tìm ra phương án tối ưu để hướng tới mục tiêu lâu dài trong chăm sóc sức khỏe, đảm bảo lợi ích của người tham gia BHYT.

Ở khía cạnh xây dựng Luật BHYT (sửa đổi), ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, xây dựng Luật BHYT sửa đổi cần quy định rõ mọi đối tượng đều phải tham gia BHYT liên tục, đẩy đủ, nhất là với nhóm người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, người lao động ở khu vực phi chính thức, hộ gia đình (hiện nhóm này còn khoảng 7% chưa tham gia BHYT).

Đồng thời, quy định mở rộng gói quyền lợi BHYT phù hợp với khả năng đóng BHYT; rà soát, điều chỉnh gói quyền lợi BHYT; làm rõ tiêu chí và kết quả đánh giá tính chi phí hiệu quả của thuốc, vật tư y tế, dịch vụ y tế.

Nhằm giảm chi tiền túi từ bệnh nhân BHYT, tại dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) cần tính đủ các cấu phần chi phí của giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT; yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế, không để bệnh nhân phải tự mua; không được thu thêm chi phí của người bệnh.