Đàm phán hạt nhân Iran: Đích đến còn xa
(Tài chính) Tuần qua, các nhà ngoại giao Mỹ và Iran, từ cấp chuyên viên đến cấp Bộ trưởng liên tục có các cuộc thảo luận riêng tại khách sạn Beau-Rivage Palace, Thụy Sỹ, bên lề vòng thương lượng giữa Iran và P5+1. Mặc dù đặt mục tiêu sớm hoàn thành vòng đàm phán sơ bộ trong tháng 3, song với những trở ngại trên bàn đàm phán, đích đến còn xa.
Sở dĩ hai bên hối hả đàm phán như vậy vì đều hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trong tháng 3, chấm dứt 18 tháng thương lượng căng thẳng giữa Iran và P5+1 hướng tới một thỏa thuận cuối cùng, dự kiến được ký trước ngày 1/7 tới, thời hạn thỏa thuận hạt nhân tạm thời hết hiệu lực.
Trong các cuộc gặp riêng, những bất đồng về mặt kỹ thuật của vấn đề hạt nhân dường như đã được giải quyết cho dù còn một yêu cầu của Iran được duy trì một cơ sở hạt nhân ngầm dưới lòng đất, chứa hàng trăm máy ly tâm để làm giàu urani.
Chính vì thế, các cuộc thương lượng tới đây giữa Iran và P5+1 sẽ tập trung thảo luận việc hạn chế tối đa khả năng làm giàu urani của Iran, để xóa đi những lo ngại về nguy cơ Iran có thể sử dụng urani đã làm giàu để chế tạo bom nguyên tử. Ngoài ra, các bên cũng sẽ thảo luận việc thay đổi phương thức hoạt động của một số cơ sở hạt nhân hiện tại như Arak và cơ sở ngầm Fordow.
Về phần mình, Iran yêu cầu phải thảo luận ngay thời hạn và cách thức hủy bỏ những biện pháp trừng phạt của LHQ, Mỹ và Liên minh châu Âu, áp dụng trong suốt những năm qua, đang là nguyên nhân bóp nghẹt nền kinh tế Iran. Trên bàn đàm phán, Iran không chấp nhận quan điểm của chính quyền Mỹ rằng sẽ dỡ bỏ trừng phạt một cách “từ từ”, và rằng Tổng thống Obama chỉ có thể hủy bỏ một phần các lệnh trừng phạt, phần còn lại phải do Quốc hội lưỡng viện Mỹ quyết định.
Sở dĩ Iran kiên quyết phản đối đề xuất trên bởi chỉ cách đây ít ngày, 47 thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Mỹ đã công bố bức thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo Iran, trong đó cảnh báo về nguy cơ chết yểu của mọi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với chính quyền Obama nếu nó không được đa số nghị sỹ Quốc hội thông qua.
Nhóm nghị sỹ trên còn dọa rằng, Tổng thống Obama sẽ sớm rời Nhà Trắng vào năm 2017 trong khi “phần lớn trong số họ” sẽ vẫn tại vị, và có thể tiếp tuc giữ vị trí nghị sỹ hàng thập niên nữa. Vì vậy, một thỏa thuận hạt nhân dù được ký với chính quyền Obama, cũng sớm bị coi là vô giá trị.
Không chỉ các thượng nghị sỹ kể trên phản đối một thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran, nhiều quốc gia khác như Israel, các nước Ảrập vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ và các nhân vật có tư tưởng cấp tiến ở Iran, các nhóm có thế lực khác nhau ở Mỹ... đều không muốn chứng kiến một văn bản như thế ra đời.
Tại Mỹ, những người thuộc đảng Cộng hòa và nhóm có thế lực Do Thái chống Tổng thống Obama đã công khai ủng hộ lập trường của Thủ tướng Israel Benjamin Netayahu, người luôn coi Iran là mối đe dọa mang tính sống còn đối với đất nước Israel.
Nhóm có thế lực trong ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ lại không muốn một thỏa thuận hạt nhân như vậy có thể làm hạ nhiệt cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông, điều có thể khiến Mỹ mất đi các hợp đồng buôn bán vũ khí béo bở với khu vực này, đặc biệt là các nước Ảrập vùng Vịnh láng giềng của Iran.
Trong khi đó, các nước vùng Vịnh lâu nay vẫn dựa vào Mỹ, coi Mỹ là bên bảo trợ trước Iran, lo ngại sẽ có sự thay đổi vai trò sen đầm khu vực nếu Mỹ và Iran đạt được một thỏa thuận hạt nhân. Khi đó, rất có thể Mỹ sẽ trở thành nhân vật trung gian hòa giải chứ không còn là đồng minh của họ nữa.
Thổ Nhĩ Kỳ càng không muốn sự ra đời của một thỏa thuận như thế, vì như vậy chẳng khác nào hợp pháp hóa một cách không chính thức hành động can thiệp của Iran vào các nước khu vực, trong đó có Iraq và Syria. Thổ Nhĩ Kỳ không muốn sự lớn mạnh của Iran bởi như vậy Ankara sẽ mất dần vị trí cửa ngõ kinh tế giữa phương Tây và phương Đông cũng như vị thế của một quốc gia đang nổi lên ở Trung Đông.
Tại Iran, cũng có không ít thế lực phản đối một thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1. Lực lượng Vệ binh Cách mạng cộng hòa, một đội quân thế lực ở Iran không muốn mất đi những đặc quyền đặc lợi từ nhiều năm nay, trong khi những phần tử cứng rắn nhất kiên quyết phản đối chính sách hòa giải với phương Tây của Tổng thống Hassan Rouhani, coi đó là một chính sách mềm yếu, thể hiện sự lép vế của Iran trước phương Tây.
Về lý thuyết, nếu các bên đạt được thỏa thuận trước ngày 31/1, nhóm P5+1 và Iran sẽ tiến tới ký thỏa thuận cuối cùng trước ngày 30/6 tới bao gồm những điều khoản bảo đảm tính chất dân sự trong chương trình hạt nhân của Iran, và đương nhiên, cùng với đó sẽ là lịch trình các bước hủy lệnh trừng phạt quốc tế chống Iran.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, tiến trình này sẽ phải chịu rất nhiều sức ép. Cho dù các bên liên quan đều đang rất lạc quan, song không nên quá kỳ vọng vào một thỏa thuận cuối cùng. Trong trường hợp các bên cán đích, thì điều đầu tiên thế giới chứng kiến là sự bùng nổ kinh tế ở Iran, với những nguồn vốn đầu tư lớn đặc biệt trong lĩnh vực dầu lửa. Cùng với đó là vai trò mới của Mỹ ở khu vực trọng yếu này của thế giới.