Dân số lão hóa: Nỗi lo mới của kinh tế toàn cầu
(Tài chính) Theo các nhà phân tích, xã hội đang bị già hóa với dự đoán thành phần người hết tuổi lao động sẽ tăng gấp bốn vào năm 2020. Lực lượng lao động cũng như tiết kiệm gia đình ít đi sẽ là gánh nặng lớn đối với nền kinh tế toàn cầu.
Moody’s cho biết: “Ngoại trừ một số nước châu Phi, hầu hết các nước sẽ đối mặt với sự suy giảm mạnh của lực lượng lao động. Cụ thể hơn, dân số trong độ tuổi lao động tại 16 quốc gia sẽ giảm 10% từ nay cho đến năm 2030”. Điều đó có nghĩa tiết kiệm hộ gia đình sụt giảm, dẫn đến đầu tư sụt giảm.
Quá trình lão hóa nhanh đến chóng mặt này được cho là sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 0,4 điểm phần trăm trong giai đoạn 2014-2019 và 0,9 điểm phần trăm trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.
Vấn đề này không chỉ xảy ra với các nước phát triển mà thậm chí còn diễn ra nhanh mạnh hơn ở các quốc gia đang phát triển. HSBC nhận định tình trạng này sẽ khiến các nước châu Á phải đau đầu. Tại Nhật Bản, sản lượng tiêu thụ tã bỉm cho người già cao gấp ba lần sản phẩm cho trẻ sơ sinh. Các quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore và Đài Loan cũng đang bắt kịp tốc độ đó, và thậm chí còn vượt xa hơn. Trong khi đó, hệ thống phúc lợi xã hội chưa có nhiều thời gian để hoàn thiện như ở các nước phương Tây.
HSBC ước tính tốc độ tăng trưởng của khu vực châu Á sẽ giảm 0,6 điểm phần trăm/năm từ nay đến năm 2030 do dân số già đi. Không những thế, khu vực này còn vướng phải một đặc điểm nhân khẩu học nữa, đó là tỷ lệ sinh ngày càng giảm dần và sự tham gia vào lực lượng lao động của phụ nữ ở mức thấp.