Đảng bộ cơ quan Bộ Tài chính giai đoạn 1951 - 1954

Hải Phan

Giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, cùng với việc tập trung kiện toàn, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, Đảng bộ cơ quan Bộ Tài chính đã phát huy vai trò tiên phong trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, thể hiện qua việc ngành Tài chính kịp thời đổi mới chính sách quản lý, phân phối, tạo nguồn tích lũy, góp phần quan trọng vào chiến thắng cuối cùng của cuộc kháng chiến.

Cán bộ, đảng viên ngành Tài chính hòa trong đoàn quân chiếnthắng, tiến về tiếp quản Thủ đô, tháng 10/1954.
Cán bộ, đảng viên ngành Tài chính hòa trong đoàn quân chiếnthắng, tiến về tiếp quản Thủ đô, tháng 10/1954.

Củng cố tổ chức cơ sở Đảng  để phục vụ kháng chiến

Bước sang năm 1951, để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II vào đời sống, cấp ủy Chi bộ Tài chính đã phối hợp với lãnh đạo Bộ tập trung chấn chỉnh việc xây dựng và thi hành chính sách thu, chi nhằm thay đổi căn bản hoạt động quản lý tài chính nhà nước, tạo nên bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển nền tài chính quốc gia.

Phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, các đảng viên của Chi bộ đã nêu cao vai trò lãnh đạo trong mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị. Mối quan hệ giữa đảng viên và quần chúng không ngừng được củng cố bền chặt. Được sự giúp đỡ của chi bộ và các đảng viên, nhiều quần chúng, tiêu biểu là các trí thức, nhân sỹ ngoài Đảng đi theo kháng chiến đều nêu cao tinh thần yêu nước, vững tin với con đường lựa chọn vì độc lập dân tộc và sự nghiệp cách mạng do Chính phủ và Hồ Chủ tịch lãnh đạo. Với các đối tượng quần chúng khác, ý thức giác ngộ về giai cấp, về lý tưởng cách mạng của Đảng không ngừng được nâng lên, từ đó phát huy tinh thần cống hiến cao và nhiều người bày tỏ nguyện vọng phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Các cấp ủy cơ sở đã bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Chính phủ, từng bước bao quát các công việc chung của Bộ, đặc biệt là các lĩnh vực chuyên môn của công tác tài chính - ngân sách. Giai đoạn này, Chi bộ Tài chính thường xuyên mở các lớp chính trị ngắn hạn đan xen dài hạn để bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên.

Lực lượng đảng viên và quần chúng ở cơ quan và các Nha trực thuộc tích cực hăng hái tham gia học tập các lớp nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin, nghiên cứu tình hình chính trị - kinh tế - xã hội và những diễn biến, thuận lợi, khó khăn của kháng chiến. Từ đó, đã tạo nên một không khí phấn khởi và củng cố thêm niềm tin của quần chúng trong cơ quan đối với sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào sự tất thắng của cuộc kháng chiến, sẵn sàng gạt bỏ những lợi ích cá nhân, nỗ lực vì nhiệm vụ và sự nghiệp chung.

Công tác chỉnh huấn, phê bình  trước khi ra hoạt động công khai

Trước khi đưa các chi bộ cơ sở ra hoạt động công khai, một trong những nhiệm vụ nổi bật của thời kỳ cuối cuộc kháng chiến chống Pháp được Đảng ta chỉ đạo thực hiện là công tác chỉnh đốn Đảng. Đây là việc làm cần thiết để tăng cường tính tiên phong, gương mẫu của các đảng viên, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng.

Công tác chỉnh huấn, chỉnh Đảng được thực hiện nghiêm túc, chất lượng, có những cuộc kiểm thảo sâu sắc trong tổ chức Đảng và từng đồng chí đảng viên, nhất là đối với các đồng chí đảng viên giữ chức vụ Lãnh đạo Bộ, các Nha, Sở, các tổ chức khác thuộc Bộ.

Thông qua các cuộc kiểm thảo, quần chúng được mời tham dự và tham gia góp ý công khai đối với chi bộ Đảng và từng đồng chí đảng viên. Việc làm này giúp cho mỗi đảng viên thấy được những mặt mạnh, mặt yếu của bản thân, những việc đã làm được và chưa làm được, nhất là về vai trò lãnh đạo và tính tiên phong gương mẫu, từ đó có biện pháp sửa chữa, khắc phục những yếu kém, tồn tại. Chính từ các cuộc kiểm thảo nghiêm túc này đã có tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức về Đảng, về cách mạng của quần chúng trong cơ quan Bộ, từ đó quần chúng đã có ý thức học tập noi theo các đảng viên để phấn đấu vươn lên.

Công tác kiểm điểm, phê bình và tự phê bình của tổ chức Đảng và từng đồng chí đảng viên đã tự kiểm điểm sâu sắc và công khai ưu, khuyết điểm trước các tổ chức đoàn thể. Nội dung kiểm điểm bao gồm nhiều lĩnh vực, như: công tác chính quyền; sử dụng và đề bạt cán bộ; bồi dưỡng cán bộ; giáo dục cán bộ... Ở mỗi nội dung kiểm điểm, tổ chức Đảng và từng đảng viên đều có phân tích, đánh giá nghiêm túc, đầy đủ những mặt đã làm được, những mặt chưa làm được, đặc biệt là tự nhận ra những khuyết điểm tồn tại và tiếp thu ý kiến đóng góp của quần chúng một cách hết sức cầu thị, đồng thời đề ra biện pháp khắc phục, sửa chữa và phương hướng phấn đấu.

Đưa các tổ chức cơ sở Đảng cơ quan  Bộ Tài chính ra hoạt động công khai

Từ năm 1951 đến tháng 10/1953, số lượng đảng viên ở cơ quan Bộ Tài chính đã tăng lên 131 đồng chí, trong đó có 8 đảng viên nữ. Để phù hợp với tình hình mới và ngang tầm với nhiệm vụ chính trị được giao, được sự đồng ý của cấp uỷ cấp trên, từ năm 1952, Chi bộ cơ quan Bộ Tài chính được nâng cấp lên thành Đảng bộ cơ sở với 4 chi bộ trực thuộc, gồm: Chi bộ Văn phòng Bộ, Chi bộ Sở kho thóc, Chi bộ Sở Thuế - Vụ Ngân sách - Vụ Kế toán và Chi bộ Ban cung cấp 19.

Ngày 03/11/1953, trải qua những rèn luyện, thử thách, Đảng bộ cơ quan Bộ Tài chính chính thức ra hoạt động công khai.

Trước khi tổ chức ra hoạt động công khai, Đảng bộ chỉ đạo các chi uỷ cơ sở tổ chức họp, xây dựng kế hoạch rồi họp với Ban Chấp hành Công đoàn tham dự, nêu rõ mục đích, ý nghĩa của việc đưa các Chi bộ ra hoạt động công khai, đề nghị phổ biến xuống các phân đoàn nhằm mục đích chuẩn bị tư tưởng và giải thích để tránh những suy nghĩ sai lệch nếu có.

Lễ đưa các chi bộ cơ sở ra hoạt động công khai được chuẩn bị chu đáo, bao gồm cả phần triển lãm tranh, ảnh, họa báo về một số hoạt động của các nước anh em, bè bạn như Liên Xô, Trung Quốc. Ngay sau các phần lễ nghi trang trọng, có phần đọc tiểu sử của hai đồng chí Hoàng và Sơn là hai đảng viên được Chi bộ Văn phòng đưa ra biểu dương.

Tại hội nghị này, đại biểu chính quyền: Thứ trưởng Bộ Tài chính Trịnh Văn Bính (một trí thức, nhân sỹ yêu nước ngoài Đảng) đã phát biểu hoan nghênh và đề nghị tất cả nêu cao tinh thần trách nhiệm trong xây dựng tổ chức, từ đó thực hiện tốt nhiệm vụ tài chính – ngân sách của kháng chiến

Đại diện công đoàn cơ quan: Ông Vũ Ngọc Khuê (một trí thức, nhân sỹ yêu nước ngoài Đảng) phát biểu hoan nghênh và hứa sẽ tích cực thực hiện chủ trương của Chi bộ, vì nhiệm vụ tài chính và thắng lợi của cách mạng.

Trên thực tế, sau khi được nâng cấp lên Đảng bộ cơ sở, các chi bộ trực thuộc cơ quan Bộ Tài chính đã có những hoạt động mang tính chất bán công khai. Song song với việc củng cố kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng, các chi bộ cơ sở đã tập trung nâng cao vai trò tiên phong gương mẫu của người đảng viên, tập trung kiện toàn và tăng cường công tác lãnh đạo đối với các tổ chức quần chúng như công đoàn, thanh niên, phụ nữ.

Với việc chính thức ra hoạt động công khai, sự giác ngộ, nâng cao trình độ hiểu biết, nhận thức cách mạng trong cán bộ, đảng viên Đảng bộ cơ quan Bộ Tài chính ngày càng cao. Tinh thần không quản ngại gian khổ, hy sinh, tận hiến cho nhiệm vụ, cho sự nghiệp tài chính cách mạng, góp phần làm nên thành công chung của ngành Tài chính cũng như sự nghiệp kháng chiến được thể hiện trong tất cả các mặt công tác. Để rồi trong đoàn quân chiến thắng tiến về tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954, vinh dự có những đảng viên của Đảng bộ cơ quan Bộ Tài chính.