Đằng sau vụ Mỹ yêu cầu bắt Giám đốc tài chính Huawei: Cuộc đua nắm giữ tương lai
Mỹ đã yêu cầu Canada bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính Tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc Mạnh Vãn Chu (Wanzhou Meng) với lý do tập đoàn này vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Tuy nhiên, đó có vẻ không phải mục đích thực sự của Washington.
Theo Bộ Tư pháp Canada, bà Mạnh Vãn Chu đã bị cảnh sát Canada bắt giữ tại thành phố Vancouver hôm 1/12 khi đang quá cảnh tại sân bay. Bà đang đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Canada khẳng định việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu không có bất kỳ sự can thiệp hay động cơ chính trị nào và đây là hoạt động độc lập của hệ thống tư pháp. Trong phản ứng đầu tiên, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ vụ bắt giữ, yêu cầu trả tự do cho quan chức Huawei, đồng thời Mỹ và Canada phải giải thích rõ vụ việc.
Nỗi lo an ninh quốc gia
Là tập đoàn cung cấp thiết bị mạng viễn thông lớn nhất và nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) lớn thứ hai thế giới (sau Samsung), Huawei được biết đến là đối thủ đã soán ngôi á quân của tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ Apple trên thị trường smartphone. Theo thống kê doanh thu trong quý II/2018, Huawei đã lần đầu tiên vượt qua Apple khi xuất xưởng tới 54,2 triệu chiếc smartphone, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Apple chỉ tung ra 41,3 triệu chiếc.
Tuy nhiên, không chỉ là cuộc chiến thương mại, từ lâu, chủ đề Huawei ở Mỹ luôn mang yếu tố an ninh và chính trị. Trong nhiều năm qua, các chuyên gia an ninh quốc gia và công nghiệp Mỹ nhiều lần đề cập tới những rủi ro an ninh xuất phát từ các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông sản xuất tại Trung Quốc.
Năm 2007 và 2010, Chính phủ Mỹ cản bước chân Huawei tiến sâu vào thị trường nước này khi lần lượt từ chối cho phép Huawei tham gia đấu thấu dự án đầu tư mạng lưới viễn thông 3G và nâng cấp mạng lưới mạng không dây cho hãng viễn thông Sprint. Cũng với lý do này, lãnh đạo tình báo Mỹ tháng 2 vừa qua đã thúc giục người dân nước này không sử dụng điện thoại của Huawei hoặc ZTE - tập đoàn thiết bị viễn thông khác của Trung Quốc.
Đó cũng là lý do Australia và New Zealand trong năm nay quyết định cấm Huawei tham gia xây dựng mạng không dây 5G của họ. Nỗi lo về Huawei và ZTE giờ đây còn lan đến Nhật Bản sau khi truyền thông nước này hôm 7/12 đưa tin Tokyo chuẩn bị cấm các cơ quan chính phủ mua sản phẩm viễn thông của hai công ty này.
Thực tế, Huawei đã nằm dưới sự theo dõi của giới chức Mỹ từ hơn 10 năm trước. Năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố báo cáo về Huawei và ZTE, theo đó kết luận 2 công ty này sẽ mở đường để các cơ quan tình báo, quân sự Trung Quốc tiếp cận mạng viễn thông Mỹ. Ngoài ra, báo cáo cảnh báo Trung Quốc có thể đưa phần cứng hoặc phần mềm độc hại vào các linh kiện, hệ thống viễn thông sản xuất tại nước này, nếu đến tay khách hàng Mỹ, những chương trình độc hại này sẽ cho phép Bắc Kinh vô hiệu hóa hoặc phá hoại hệ thống an ninh quan trọng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc chiến tranh.
Cạnh tranh ngôi vị
Không chỉ vậy, Huawei còn là công ty công nghệ phát triển hàng đầu trong những lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây, đặc biệt là phát triển mạng di động thế hệ thứ 5 (5G). Theo ông Paul Triolo, Giám đốc Chính sách công nghệ toàn cầu tại Công ty tư vấn Eurasia Group, Huawei là công ty duy nhất trên thế giới hiện nay có khả năng sản xuất mọi yếu tố của một mạng 5G, như thiết bị phủ sóng vô tuyến, trung tâm dữ liệu, ăng ten và điện thoại di động.
Chủ tịch Tập Cận Bình từng nói muốn Trung Quốc thống trị thị trường 5G toàn cầu. Và Huawei chính là con đường để Trung Quốc giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, trở thành một trung tâm sáng tạo có bản quyền riêng. Trung Quốc đã rót hàng trăm tỷ USD vào kế hoạch “Made in China 2025”, nhằm biến nước này dẫn đầu toàn cầu trong công nghệ cao.
Ông James Andrew Lewis, Giám đốc Chương trình Chính sách Công nghệ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, nhận định: “Cơ sở của an ninh và quyền lực nay đã khác. Khả năng sáng tạo và sử dụng công nghệ mới là nguồn lực sức mạnh kinh tế và an ninh quân sự”. Một bài bình luận trên tờ China Daily ngày 6/12 nhấn mạnh: “Mỹ đang tìm cách làm bất kỳ điều gì có thể để kiềm chế sự phát triển của Huawei trên thế giới, đơn giản là vì nó đang là người dẫn đường cho các công ty công nghệ của Trung Quốc”.
Hiện rất khó xác định Huawei có làm việc cho Bắc Kinh hay không. Dù vậy, thực tế là ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei - cha của bà Mạnh Vãn Chu) từng là một kỹ sư của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trước khi lập công ty Huawei năm 1987.
Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận rằng, Huawei được xem là một mắt xích chủ chốt trong kế hoạch “Made in China 2025” với mục tiêu biến Trung Quốc thành một siêu cường công nghệ. Thông qua kế hoạch này, Huawei hưởng lợi từ các hợp đồng lớn của nhà nước Trung Quốc, được Chính phủ Trung Quốc ủng hộ và tài trợ trực tiếp để giúp Bắc Kinh hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật số kết nối châu Á, châu Phi và châu Âu nhằm phục vụ sáng kiến “Vành đai và con đường”.
Nhìn từ góc độ này, vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei vượt xa khỏi một cuộc chiến thương mại hay những lo ngại an ninh thông thường, mà đó là biểu hiện của sự cạnh tranh khốc liệt giữa hai siêu cường ở ngôi vị bá chủ. Trong tương lai - cuộc chiến đó chính ở lĩnh vực công nghệ.