Dang tay đón “ngoại lực” để tái cơ cấu ngân hàng yếu kém
(Tài chính) Theo Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiệm vụ đặt ra trong năm 2013 là xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém nhất và trong năm đã xử lý được 9 ngân hàng thương mại (NHTM), song vẫn cần những chính sách đúng để ổn định hệ thống và phát triển bền vững. Vậy tái cơ cấu ngân hàng còn cần những gì và giải pháp nào cho việc ổn định hệ thống? Về vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với chuyên gia kinh tế, tiến sĩ tài chính Nguyễn Đức Hưởng.
TS. Nguyễn Đức Hưởng
TS. Nguyễn Đức Hưởng: Tôi nghĩ thời điểm này nên “trải thảm đỏ” đón nhà đầu tư ngoại, đặc biệt đối với lĩnh vực nhạy cảm là ngân hàng. Nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại trong thời điểm này mang lại cơ hội cho cả ngân hàng nội và nhà đầu tư ngoại.
Ngược lại với thời điểm một người bán vạn người mua trước đây, khi thị trường sôi động, những mã cổ phiếu “mang họ” ngân hàng gây cơn sốt cho các nhà đầu tư, thời điểm này đầy người bán, cạn người mua.
Tuy nhiên, không có nghĩa là ngân hàng nội không được khối ngoại để ý, bởi Việt Nam vẫn luôn được coi là “đích nhắm” của nhiều nhà đầu tư ngoại. Với ngân hàng yếu kém, nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại tạo cơ hội cho họ kêu gọi ngoại lực để tái cơ cấu. Phía ngân hàng ngoại sẽ được lợi về mặt pháp lý, bởi họ tận dụng được mạng lưới đã có của các ngân hàng yếu kém, thay vì phải gây dựng từ đầu.
Mua bán, sáp nhập là giải pháp quan trọng để tái cơ cấu hoạt động của hệ thống NHTM ở Việt Nam. Nhưng tái cơ cấu chỉ có hiệu quả khi hậu mua bán, sáp nhập tạo ra một sắc diện mới cho chủ thể cũ. Đa số ngân hàng được tái cơ cấu vừa qua đã có sắc diện mới, chủ trương tái cơ cấu các tổ chức tín dụng bước đầu có hiệu quả khi tổ chức mạnh mua tổ chức yếu. Song phải thừa nhận một thực tế, tái cơ cấu mới chỉ dừng lại ở “bình mới rượu cũ”, chưa có sự thay đổi cả về chất lẫn lượng, cũng như phương thức hoạt động.
Mấy năm qua, hệ thống ngân hàng đã trải qua nhiều sóng gió và dù có thừa nhận hay không thì lĩnh vực ngân hàng không còn “hot” trong mắt giới đầu tư. Theo ông, ngay cả khi trần nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại, liệu các ngân hàng nội có được nhà đầu tư ngoại để mắt tới, và nên “nới” đến mức nào?
Phân tích cơ hội đầu tư ở Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài nhận định còn nhiều tiềm năng phát triển. Khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gần như bị đẩy lùi, tôi nghĩ Việt Nam sẽ là một trong những nước hồi phục đầu tiên, bởi những lý do không phải quốc gia nào cũng có. Đó là Việt Nam vẫn còn tình trạng đô la hóa, vàng hóa cao, lượng tiền lớn nằm ngoài luồng kiểm soát chứng tỏ tài sản trong dân nhiều, tạo thuận lợi cho những nhà đầu tư bắt đáy thị trường hiệu quả.
Về mức nên “nới”, theo tôi, nên chia thành các nhóm. Nhóm 1 gồm 10 NHTM cổ phần mạnh nhất: bán 35% cổ phần. Nhóm 2 gồm 5 thành viên tiếp theo trong nhóm 15 NHTM cổ phần mạnh nhất: bán 49%. Số còn lại bán 100%. Riêng Agribank chỉ nên bán 10%. Sở dĩ 10 thành viên mạnh nhất chỉ bán 35% mà không phải là 36% vì phía Việt Nam giữ 65% để có lợi thế về quyền phủ quyết khi bỏ phiếu theo quy định của Việt Nam.
Nhưng nếu nhà đầu tư nước ngoài tham gia đến 35%, họ không mua chứng khoán đơn thuần mà sẽ tham gia quản trị, điều hành, chuẩn mực quốc tế tại ngân hàng đó sẽ có điều kiện nâng cao hơn. 10 NHTM cổ phần mạnh nhất cùng với Agribank chiếm hơn 70% thị phần, nên định hướng xã hội chủ nghĩa trong cơ chế thị trường vẫn được xác lập. Sau 5 năm nữa ở Việt Nam chỉ nên tồn tại 15 NHTM cổ phần, vì khi đó, các ngân hàng mạnh sẽ mua ngân hàng yếu kém còn lại nếu nhà đầu tư nước ngoài không mua hết. Họ sẽ là những thành viên thực sự mạnh, cùng với các ngân hàng nước ngoài góp phần quan trọng vực dậy nền tài chính nước ta.
Lý do các ngân hàng còn lại bị xếp vào nhóm khó khăn cần tái cơ cấu nên bán đến 100% vì nếu không mở hết cỡ thời điểm này, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không quay lại. Theo họ, với nguồn vốn lớn đầu tư vào Việt Nam, họ sẽ phải được chủ động điều hành, quản lý vốn để có thể sinh lời. Vốn ngoại vào Việt Nam có thể bị chia sẻ nếu các nước lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar tạo được môi trường hấp dẫn hơn.
Năm 2014, hệ thống ngân hàng cần những chính sách gì để có thể hoạt động bền vững?
Năm 2014 cần tiếp tục tái cơ cấu lần hai với một số ngân hàng đã từng… thực hiện những năm trước và những NHTM thuộc diện này từ năm 2012 chưa tái cơ cấu được. Tuy nhiên, lực mua trong nước đã hết, do đó, nếu không cơ cấu kịp chắc chắn sẽ có những ngân hàng cùng chung số phận với không ít doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, tạo gánh nặng cho nền kinh tế.
Vì vậy, nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại được coi là giải pháp cần thiết trong thời điểm hiện nay khi mà khối ngoại là những nhà đầu tư chuyên nghiệp không muốn nguồn vốn “rất quốc tế” của mình bị phó mặc cho người điều hành và quản lý Việt Nam, bởi giới hạn sở hữu hiện là tối đa 20% với mỗi nhà đầu tư và 30% tổng thể.
Nhiều người lo ngại nếu nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại có thể sẽ gặp rủi ro về khả năng bị thao túng, nhưng thực tế, chúng ta vẫn giữ được các giới hạn cần thiết, đặc biệt là khối NHTM nhà nước với thị phần chi phối. Cái cần tính toán ở đây là giá trị nhận về sẽ lớn hơn, vì đó là giải pháp tái cơ cấu nhanh, hiệu quả nhất, đồng thời thu hút được nhà đầu tư nước ngoài thay vì để chảy sang nước khác…
Nếu mở theo hướng đó, vừa giữ được các chốt chặn và lợi thế, vừa tạo điều kiện cho nguồn lực ngoại, để không còn xảy ra tình trạng vay mượn, vá víu, thúc đẩy sự lớn mạnh của hệ thống, qua đó, hệ thống sẽ phục vụ nền kinh tế tốt hơn, khách hàng sẽ được hưởng lợi.