Đảng và Nhà nước tôn trọng và bảo đảm thực thi quyền tự do ngôn luận
Khung pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin của công dân là cơ bản đầy đủ, đồng bộ, hoàn toàn tương thích với luật quốc tế về quyền con người. Trong đó, quy định rõ quyền, nghĩa vụ và việc hạn chế quyền này của công dân trong trường hợp cụ thể, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Ở Việt Nam, “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” đã được quy định trong Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam (2013) và được cụ thể hóa trong nhiều luật, nghị định như: Luật Báo chí (2016), Luật Tiếp cận thông tin (2016), Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/07/2013 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng… Các quy định trên được thực thi nghiêm túc, tạo không khí dân chủ trong xã hội.
Khung khổ pháp lý trên đã góp phần thể chế hóa quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta tôn trọng và bảo đảm thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí; tiếp cận thông tin báo chí...
Cụ thể, quyền tiếp cận thông tin của công dân được quy định rộng rãi hơn; đó không chỉ là một quyền thụ động do cơ quan nhà nước công khai thông tin theo nhận thức của mình, mà còn là quyền chủ động, được đòi hỏi các cơ quan, tổ chức nhà nước đáp ứng. Trên không gian mạng, Nhà nước cũng đã có những quy định về quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin. Theo đó, công dân có quyền được sử dụng các dịch vụ trên internet, trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật và có nghĩa vụ tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin; phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội...
Tuy nhiên, cũng như các quyền khác của con người, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin phải do pháp luật quy định và trong khuôn khổ pháp luật; quy định rõ mối quan hệ giữa quyền với nghĩa vụ công dân; “không được xâm phạm lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Vì thế, việc hạn chế các quyền này “theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” là một tất yếu.
Pháp luật Việt Nam quy định, những hành vi đăng, phát thông tin xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... đều bị pháp luật xử lý. Gắn liền với quyền tiếp cận thông tin là những quy định về phân loại những thông tin mà người dân được tiếp cận và những thông tin cơ quan, tổ chức không được phép cung cấp. Như vậy, “quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”; “nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt” hoặc “một số hạn chế nhất định” theo quy định của pháp luật Việt Nam hoàn toàn tương thích, phù hợp với luật quốc tế về quyền con người.
Theo đánh giá của TS. Cao Đức Thái Nguyên Viện trưởng Viện Nhân quyền, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, hiện nay, quyền tự do ngôn luận, báo chí ở Việt Nam không những được bảo đảm tốt mà còn là nhân tố tích cực trong cuộc đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực trong xã hội. Nhiều vụ án tham nhũng lớn được báo chí phanh phui, đã góp phần quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng.
Nhằm thúc đẩy và triển khai hiệu quả quyền tự do ngôn luận, báo chí ở Việt Nam, trong nh thời gian qua, các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc tham gia tích cực việc giám sát, phản biện đối với chính sách của Nhà nước. Quyền phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới, tham gia phản biện, giám sát của cá nhân, tổ chức được Đảng, Nhà nước ta tôn trọng, khuyến khích.
Cũng giống các quốc gia trên thế giới và pháp luật của Nước Công hòa XHCN Việt Nam nói chung, pháp luật về quyền tự do ngôn luận nói riêng luôn luôn có mục tiêu bảo vệ chế độ xã hội. Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị ghi rõ: Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết; xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Quy định này đã mặc nhiên thừa nhận các dân tộc có quyền tự quyết lựa chọn chế độ chính trị; quyền và nghĩa vụ công dân đều do pháp luật của mỗi quốc gia quy định.
Pháp luật mỗi quốc gia cũng luôn mang tính chính trị, lịch sử và đặc thù về văn hóa. Ở nước ta, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được Hiến định tại Điều 4, Hiến pháp (2013) và được Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân ta, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ghi nhận. Đảng ta không chỉ là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội mà còn có chức năng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật.
Về thể chế chính trị của nước ta, Điều 2, Hiến pháp (2013) quy định: Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Nhìn chung, cả về cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn cho thấy, pháp luật Việt Nam đã tương thích với luật quốc tế về quyền con người; tôn trọng và bảo đảm quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin nói riêng. Quyền và nghĩa vụ công dân trong thực hiện quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin không chỉ thống nhất, mà còn là điều kiện, tiền đề cho nhau.
“Công dân muốn được hưởng đầy đủ các quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin thì phải có nghĩa vụ thực hiện các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ chế độ xã hội, Nhà nước, các quyền và lợi ích của người khác. Ngược lại, các quyền này có thể bị hạn chế hoặc tước bỏ nếu có hành vi vi phạm pháp luật”, TS.Cao Đức Thái nhấn mạnh.