Đánh giá kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp xăng dầu

Đặng Thị Bắc - Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Kiểm soát nội bộ là một công cụ quản lý không thể thiếu trong bất kỳ doanh nghiệp nào nhằm hạn chế các rủi ro, bảo vệ tài sản và thông tin của doanh nghiệp. Nghiên cứu này xem xét hoạt động kiểm soát nội bộ của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Kiểm soát nội bộ được đo lường bởi 5 thành phần gồm: Môi trường kiểm soát, Đánh giá rủi ro, Hoạt động kiểm soát, Thông tin và truyền thông, và Giám sát. Dữ liệu được thu thập thông qua khảo sát các bảng hỏi tới 220 người lao động đang làm việc tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Kết quả chỉ ra rằng, kiểm soát nội bộ (gồm 5 thành phần) được đánh giá khá cao. Dựa trên kết quả nghiên cứu, tác giả đưa ra một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện kiểm soát nội bộ của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam là tập đoàn kinh tế Nhà nước có vai trò chủ đạo trên thị trường xăng, dầu nội địa
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam là tập đoàn kinh tế Nhà nước có vai trò chủ đạo trên thị trường xăng, dầu nội địa

Giới thiệu

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam là tập đoàn kinh tế Nhà nước có vai trò chủ đạo trên thị trường xăng, dầu nội địa, với hệ thống cửa hàng xăng, dầu phủ khắp 63 tỉnh, thành, luôn bảo đảm đầy đủ và kịp thời các chủng loại xăng dầu cho an ninh quốc phòng và nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Thời gian qua, ảnh hưởng của việc kinh doanh xăng dầu đến môi trường rất lớn nhưng việc kiểm soát các vấn đề như lượng khí thải, ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường nước… vẫn còn nhiều bất cập. Việc bán các sản phẩm xăng dầu cho người tiêu dùng làm tăng lượng khí thải độc hại trong không khí, từ đó dẫn đến giảm chất lượng không khí, gây ra các bệnh về đường hô hấp cho người dân, tình trạng nóng lên của trái đất, biến đổi khí hậu… Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chưa công bố đầy đủ về những ảnh hưởng này đến toàn xã hội.

Kiểm soát nội bộ (KSNB) có vai trò quan trọng trong giảm thiểu rủi ro, qua đó giúp các DN đảm bảo sự tin cậy của các báo cáo tài chính cũng như tính tuân thủ luật pháp và các quy định của Nhà nước (Rönkkö và cộng sự, 2018). KSNB là các qui định và các thủ tục kiểm soát do DN xây dựng và áp dụng nhằm đảm bảo cho đơn vị tuân thủ pháp luật và các quy định, để ngăn chặn, phát hiện và sửa chữa gian lận, sai sót, phòng ngừa rủi ro, đảm bảo an toàn tài sản, thông tin và hiệu quả hoạt động trong DN. Tại Việt Nam, KSNB đã hình thành, phát triển và đạt được một số thành tựu nhất định. Tuy nhiên, KSNB của các DN nói chung và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nói riêng còn những khiếm khuyết, chưa phát huy hết vai trò của một phân hệ quản lý DN.

Bài viết này nghiên cứu chuyên sâu về KSNB và đánh giá thực trạng KSNB của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất những khuyến nghị giúp Tập đoàn củng cố và hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của KSNB, từ đó, tối thiểu hoá rủi ro cho DN và giúp Tập đoàn phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

Tổng quan nghiên cứu

Hiện nay, có nhiều cách tiếp cận khác nhau về KSNB, đặc biệt từ khi báo cáo COSO được phát hành năm 1992. Theo đó, KSNB bao gồm 5 yếu tố: (i) Môi trường kiểm soát, (ii) Đánh giá rủi ro, (iii) Hoạt động kiểm soát, (iv) Thông tin và Truyền thông, và (v) Giám sát (Asiligwa và Rennox, 2017).

Tại Việt Nam, đã có nhiều công trình nghiên cứu về KSNB ở các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau: Hồ Tuấn Vũ (2016), Nguyễn Tuấn và Đường Nguyễn Hưng (2018) nghiên cứu về KSNB trong lĩnh vực ngân hàng; Phạm Thị Bích Thu (2017) nghiên cứu về KSNB của DN bia- rượu - nước giải khát; Nguyễn Thị Kim Anh và Nguyễn Thị Phương Hoa (2018) nghiên cứu về KSNB trong các DN thuộc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam; Hoàng Nguyệt Quyên (2022) nghiên cứu về KSNB của các DN giao thông đường bộ; Trần Trung Tuấn và Trần Thị Song Lam (2021) nghiên cứu về KSNB trong các DN dệt may... Các tác giả đều dựa trên báo cáo KSNB của COSO (1992, 2013) và có cùng quan điểm, theo đó, KSNB gồm 5 thành phần: Môi trường kiểm soát, Đánh giá rủi ro, Hoạt động kiểm soát, Thông tin và truyền thông, và Giám sát.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu định tính

Dựa vào kết quả của các nghiên cứu trước đây, nghiên cứu này được thực hiện để điều chỉnh thang đo của KSNB. Tác giả đã thực hiện phỏng vấn 05 trưởng hoặc phó trưởng phòng KSNB của các DN thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, đồng thời phỏng vấn 04 giảng viên có chuyên môn về kiểm toán, KSNB của các trường đại học như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Kết quả không có thang đo KSNB nào từ các nghiên cứu trước đây phải điều chỉnh, mà được giữ nguyên:

- Môi trường kiểm soát (MT) gồm 5 biến quan sát (thang đo) MT1, MT2, MT3, MT4 và MT5.

- Đánh giá rủi ro (RR) gồm 5 biến quan sát (thang đo) RR1, RR2, RR3, RR4 và RR5.

- Hoạt động kiểm soát (KS) gồm 5 biến quan sát (thang đo) KS1, KS2, KS3, KS4 và KS5.

- Thông tin và truyền thông (TT) gồm 6 biến quan sát (thang đo) TT1, TT2, TT3, TT4, TT5 và TT6.

- Giám sát (GS) gồm 4 biến quan sát (thang đo) GS1, GS2 GS3 và GS4.

Nghiên cứu định lượng

Mẫu nghiên cứu và phương pháp thu thập dữ liệu

Đối tượng khảo sát là các nhân viên làm việc tại phòng kế toán, bộ phận KSNB và trưởng, phó các phòng, ban khác trong các DN thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Mẫu được chọn theo phương pháp thuận tiện với 220 bảng câu hỏi hợp lệ thu được. Đáp viên trực tiếp điền trả lời vào bảng câu hỏi và đưa lại ngay cho người khảo sát hoặc trả lời trực tuyến. Thời gian thực hiện từ tháng 02/2024 - 4/2024.

Phương pháp xử lý dữ liệu

Trình tự tiến hành phân tích dữ liệu được thực hiện như sau: Dữ liệu được nhập vào file excel và làm sạch. Tác giả sử dụng phần mềm SPSS, xử lý thống kê mô tả mẫu; đánh giá độ tin cậy thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha: Cronbach’s Alpha lớn hơn hoặc bằng (≥) 0,6, hệ số tương quan biến - tổng lớn hơn hoặc bằng ( ≥ 0.3).

Kết quả nghiên cứu

Thống kê mô tả

Kết quả thống kê từ Bảng 1 cho biết, các đối tượng khảo sát đồng ý và đánh giá khá cao với biến phụ thuộc: KSNB. Cụ thể:

Bảng 1: Kết quả thống kê mô tả diễn giải

 

N

Minimum

Maximum

Mean

Std. Deviation

Môi trường kiểm soát (MT)

MT1

220

1

5

3,94

0,904

MT2

220

1

5

3,97

0,936

MT3

220

1

5

3,97

0,896

MT4

220

1

5

3,98

0,943

MT5

220

1

5

3,85

0,948

Valid N (listwise)

220

 

 

3,94

 

Đánh giá rủi ro (RR)

RR1

220

1

5

3,84

0,855

RR2

220

1

5

3,91

0,798

RR3

220

1

5

3,92

0,865

RR4

220

1

5

3,90

0,868

RR5

220

1

5

3,98

0,791

Valid N (listwise)

220

 

 

3,91

 

Hoạt động kiểm soát (KS)

KS1

220

1

5

3,97

0,857

KS2

220

1

5

3,92

0,845

KS3

220

1

5

4,01

0,891

KS4

220

1

5

3,92

0,840

KS5

220

1

5

4,01

0,830

Valid N (listwise)

220

 

 

3,97

 

Thông tin và truyền thông (TT)

TT1

220

2

5

4,03

0,788

TT2

220

2

5

3,96

0,778

TT3

220

2

5

4,00

0,762

TT4

220

2

5

3,96

0,843

TT5

220

2

5

4,04

0,776

TT6

220

2

5

4,10

0,779

Valid N (listwise)

220

 

 

4,01

 

KSNB: Giám sát (GS)

GS1

220

1

5

3,97

0,878

GS2

220

1

5

4,03

0,888

GS3

220

1

5

3,95

0,861

GS4

220

1

5

4,06

0,884

Valid N (listwise)

220

 

 

4,00

 

Nguồn: Tác giả tổng hợp và phần mềm SPSS

 

- Môi trường kiểm soát (MT) gồm 5 thuộc tính thành phần, cả 5 thuộc tính đều được đánh giá mức trung bình từ 3,85 trở lên.

- Đánh giá rủi ro (RR) gồm 5 thuộc tính thành phần, cả 5 thuộc tính đều được đánh giá mức trung bình từ 3,84 trở lên.

- Hoạt động kiểm soát (KS) gồm 5 thuộc tính thành phần, cả 5 thuộc tính đều được đánh giá mức trung bình từ 3,92 trở lên.

- Thông tin và truyền thông (TT) gồm 6 thuộc tính thành phần, cả 6 thuộc tính đều được đánh giá mức trung bình từ 3,96 trở lên.

- Giám sát (GS) gồm 4 thuộc tính thành phần, cả 4 thuộc tính đều được đánh giá mức trung bình từ 3,95 trở lên.

Các đối tượng khảo sát đánh giá cao KSNB của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam bởi vì: KSNB thúc đẩy giám sát khách quan, hạn chế các quyết định chủ quan (Bargeron và cộng sự, 2010). Chất lượng KSNB tốt hơn đi kèm với chất lượng thông tin cao hơn, chất lượng KSNB cao hơn có thể giảm bớt các hạn chế tài chính bằng cách tăng chất lượng báo cáo tài chính và cải thiện tính minh bạch dẫn đến chi phí vốn thấp hơn và khả năng tiếp cận các nguồn tài chính tốt hơn (Gordon và Wilford, 2012).

Phân tích Cronbach’s Alpha

Kết quả cho thấy, các thuộc tính của biến KSNB có hệ số Cronbach’s Alpha lớn hơn 0,6; hệ số tương quan của tất cả các thuộc tính đều lớn hơn 0,3 nên tất cả các thuộc tính của biến KSNB đều có ý nghĩa thống kê (Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008; Hair và cộng sự, 2009; Hair và cộng sự, 2014).

KSNB có thể giảm sự không chắc chắn của đổi mới công nghệ bằng cách đánh giá, kiểm soát và ngăn chặn rủi ro (Wang, Zhang, và Chun, 2021). KSNB là một hệ thống quản lý nội bộ, cách thức và cơ chế trung gian để đạt được các mục tiêu quản trị, có thể làm giảm bớt hiệu quả vấn đề người đại diện và sự bất cân xứng thông tin ở cấp độ hoạt động của đầu tư nghiên cứu và phát triển của DN.

Thảo luận và hàm ý quản trị

Kinh doanh xăng dầu là một trong những lĩnh vực được đánh giá có nhiều đặc thù riêng biệt, ảnh hưởng đến nhiều mặt của nền kinh tế, xã hội với quy mô lớn. Việc các cửa hàng xăng dầu kinh doanh tại các khu dân cư gây nên ô nhiễm, tạo ra nhiều nguy hại cho sức khỏe của người dân xung quanh. Bên cạnh đó, ô nhiễm nguồn nước tại các kho, bồn chứa xăng dầu đặc biệt là khi vệ sinh các bồn chứa, lượng nước thải nếu không được xử lý triệt để sẽ làm cho hệ sinh thái trên nước ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Trong những năm gần đây, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã quan tâm đến việc công bố các báo cáo về vấn đề này, những nội dung nêu trên chưa được công bố minh bạch hoặc công bố chưa đầy đủ trên các báo cáo của Tập đoàn, công ty thành viên cũng như các cơ quan chức năng có liên quan.

Trong nghiên cứu này, KSNB được phản ánh bởi các biến quan sát sau: Môi trường kiểm soát, Đánh giá rủi ro, Hoạt động kiểm soát, Thông tin và truyền thông, và Giám sát; các biến quan sát được đánh giá với số điểm trung bình khảo sát khá cao, cho thấy mong muốn và kỳ vọng của KSNB. Dựa trên kết quả phân tích mức độ mạnh yếu của các biến phản ánh này cho thấy, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cần KSNB để góp phần hoàn thiện mục tiêu, chiến lược của DN, cụ thể:

- Môi trường kiểm soát: Đây là yếu tố nền tảng cho các thành phần khác trong KSNB và tạo ra môi trường chi phối ý thức kiểm soát của các thành viên trong Tập đoàn. Môi trường kiểm soát bao gồm môi trường bên trong và môi trường bên ngoài đều có tác động đến quá trình kiểm soát. Môi trường bên trong gồm 5 yếu tố là Đặc thù quản lý, Cơ cấu tổ chức, Chính sách nhân sự, Công tác kế hoạch và Ủy ban kiểm soát. Môi trường bên ngoài là các nhân tố không nằm trong kiểm soát của DN nhưng có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình kiểm soát như: Chính sách pháp luật, Đối thủ cạnh tranh, Chủ nợ, Khách hàng… Do đó, Tập đoàn nên ban hành các chính sách và tiêu chuẩn cho việc tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, đề bạt, khen thưởng và sa thải nhân viên phù hợp, rõ ràng, minh bạch. Kết quả đánh giá thành tích phải được trao đổi và phản hồi đến từng cá nhân cụ thể, chi tiết và soát xét định kỳ, thường xuyên hơn.

- Hoạt động kiểm soát: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nên thiết kế các chính sách và thủ tục kiểm soát đảm bảo cho các hoạt động kiểm soát trên cơ sở chọn lọc để phù hợp giảm thiểu rủi ro, đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng nên thiết lập các thủ tục, chính sách cần thiết để kiểm soát chất lượng và triển khai các công việc của các cán bộ công nhân viên và các phòng ban trong công ty. Ngoài ra, cũng nên thiết lập trách nhiệm đối với cán bộ quản lý, thực hiện kịp thời các hoạt động giám sát và khắc phục kịp thời các sai sót trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Đánh giá rủi ro: Ban Lãnh đạo nên khuyến khích nhân viên báo cáo sự việc xảy ra kịp thời, từ đó có căn cứ để ra các quyết định và đánh giá, ghi nhận rủi ro, xây dựng các quy trình rà soát rủi ro sau khi thực hiện các biện pháp giảm nhẹ để xác định rủi ro. Ngoài ra, Ban Lãnh đạo nên xem xét và phân tích những trường hợp, bộ phận có thể thực hiện gian lận. Ban Quản lý rủi ro xem xét và đưa ra các quyết định phù hợp khi các rủi ro có thể xảy ra.

- Thông tin và truyền thông: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nên tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản hồi từ các đối tượng bên ngoài như nhà cung cấp, khách hàng, cơ quan quản lý Nhà nước và từ nhân viên trong Tập đoàn. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nên thiết lập nhiều kênh thông tin khác nhau như: sử dụng “Hộp thư”; các đường dây nóng, các kênh thông tin đặc biệt… Đồng thời, nên lựa chọn cách thức truyền thông phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.

- Giám sát: Giám sát thường xuyên nên được thực hiện đồng thời trong các hoạt động hàng ngày của Tập đoàn, bao gồm các hoạt động giám sát, quản lý thường nhật và các hoạt động khác mà các nhân viên tiến hành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hàng ngày. Qua giám sát, các khiếm khuyết của KSNB nên được báo cáo tới các cấp lãnh đạo bộ phận/phòng ban và nếu có những vấn đề quan trọng hơn sẽ báo cáo Ban lãnh đạo, Tập đoàn.

Kết luận

Kinh doanh xăng dầu là một trong những lĩnh vực kinh doanh mặt hàng đặc thù, ảnh hưởng rất lớn đến nhiều khía cạnh trong đời sống (kinh tế, môi trường và xã hội). Kết quả nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những tài liệu tham khảo có ý nghĩa đối với các nhà quản trị DN trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, tại các DN kinh doanh xăng dầu thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, thông qua đó nhận thức được tầm ảnh hưởng, sự quan trọng đối với việc hoàn thiện KSNB trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tài liệu tham khảo:

  1. Hồ Tuấn Vũ (2016), Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hữu hiệu của hệ thống Kiểm soát nội bộ trong các ngân hàng thương mại Việt Nam. Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
  2. Hoàng Nguyệt Quyên (2022), Nghiên cứu các yếu tố của Kiểm soát nội bộ tác động tới hiệu quả kinh doanh tại các doanh nghiệp vận tải đường bộ Việt Nam. Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân;
  3. Nguyễn Thị Kim Anh, Nguyễn Thị Phương Hoa (2018), Tác động của Kiểm soát nội bộ đến hiệu quả của doanh nghiệp lâm nghiệp Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 254(2), 48-54;
  4. Nguyễn Tuấn và Đường Nguyễn Hưng (2018), Nghiên cứu tác động của Kiểm soát nội bộ đến mục tiêu kiểm soát của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 247, 52-62;
  5. Phạm Thị Bích Thu (2017), Tác động của môi trường kiểm soát đến hiệu quả Kiểm soát nội bộ tại các công ty bia – rượu nước giải khát Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 242(2), 67-80;
  6. Trần Trung Tuấn và Trần Thị Song Lam (2021), Tác động của quy mô doanh nghiệp đến Kiểm soát nội bộ tại các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 291), 97-86;
  7. Asiligwa, Rennox (2017), The effect of internal controls on the financial performance of Commercial Banks in Kenya. Journal of Economics and Finance, 8(3), 92-105;
  8. Byanguye, M. (2007), The effectiveness of internal control systems in achieving value for money in school facilities grant the case of Kamuli District Local Government. PhD Thesis, Makerere University, Uganda;
  9. COSO (2013), Internal Control – Integrated Framework, retrieved on April 20th, 2021, from <https://www.coso. org/Pages/default.aspx>.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2024