Đánh giá xuất, nhập khẩu Việt Nam - Ấn Độ qua các chỉ số thương mại

TS. Lê Thị Quỳnh Nhung - Học viện Ngân hàng

Nghiên cứu đánh giá thương mại Việt Nam với đối tác Ấn Độ qua chỉ số tương hỗ và chỉ số cường độ thương mại. Thông qua dữ liệu được thu thập trong giai đoạn 2015 – 2021, kết quả cho thấy, tính trung bình chỉ số tương hỗ là 0,91, do đó thương mại 2 nước khá cân bằng giữa xuất và nhập khẩu. Cường độ xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ thấp, tính trung bình là 0,76, cường độ nhập khẩu đạt mức trung bình với bình quân chỉ số là 1. Do vậy, cần thúc đẩy hơn nữa thương mại của 2 nước định hướng theo các mặt hàng dựa vào cán cân thương mại, thông qua ngân hàng đóng vai trò trung gian để giao dịch bằng nội tệ của 2 quốc gia.

Trong giai đoạn 2015-2021, thương mại Việt Nam tăng trưởng dương với mức tăng trung bình khoảng 13%.
Trong giai đoạn 2015-2021, thương mại Việt Nam tăng trưởng dương với mức tăng trung bình khoảng 13%.

Giới thiệu

Ấn Độ là quốc gia có diện tích lớn thứ bảy trên thế giới và dân số nằm trong nhóm 2 quốc gia dẫn đầu thế giới. Việt Nam - Ấn Độ đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2016, do đó, mở ra nhiều cơ hội phát triển quan hệ toàn diện ổn định trên lĩnh vực chính trị, quốc phòng, tạo tiền đề phát triển và khai thác tiềm năng hợp tác kinh tế.

Mục tiêu trở thành nền kinh tế 5 nghìn tỷ USD vào năm 2024 của Ấn Độ và mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2025 của Việt Nam sẽ mở ra những chân trời mới cho quan hệ giữa 2 nước. Do đó, đánh giá cán cân thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ có vai trò quan trọng về mặt lý luận, nhằm mục tiêu đánh giá cơ cấu thị trường và áp dụng vào thực tiễn nhằm thúc đẩy thương mại. Nghiên cứu này làm sáng tỏ các chỉ số về thương mại của Việt Nam - Ấn Độ và khuyến nghị để thúc đẩy thương mại giữa 2 quốc gia.

Tổng quan về thương mại Việt Nam - Ấn Độ

Trong giai đoạn 2015-2021, thương mại Việt Nam tăng trưởng dương với mức tăng trung bình khoảng 13% khi xét về xuất hoặc nhập khẩu, so với tổng xuất khẩu thể giới, Việt Nam chiếm 1,3% xét về giá trị nhập khẩu và chiếm 1,4% xét về xuất khẩu. Cán cân thương mại với Ấn Độ biến động giữa xuất siêu và nhập siêu song không ngừng tăng lên khi xét về giá trị.

Thương mại song phương giữa Việt Nam - Ấn Độ bị gián đoạn nặng nề năm 2020, đây là năm đầu tiên dịch bệnh phát triển thành đại dịch COVID-19. Năm 2021, nhập khẩu của Việt Nam tăng vọt nên nhập siêu 0,7 tỷ USD. Nhìn chung trong giai đoạn 2015 – 2021, xét về thương mại của Việt Nam, giao thương với Ấn Độ chiếm cơ cấu 1,8% đối với xuất khẩu và chiếm 2% đối với nhập khẩu (Hình 1).

Hình 1: Xuất nhập khẩu Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 2015 – 2021 (Tỷ USD). 

Nguồn: Tính toán của tác giả dựa vào dữ liệu Tổng cục Hải quan

Nguồn: Tính toán của tác giả dựa vào dữ liệu Tổng cục Hải quan

Xét về thương mại, thế mạnh các ngành xuất khẩu Việt Nam phải kể đến là nhóm hàng nông, thủy sản; hàng dệt, may; gỗ và các sản phẩm gỗ. Ngoài ra, còn có các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử; điện thoại và các loại linh kiện, tuy nhiên phần đa các sản phẩm này xuất từ các công ty đầu tư nước ngoài. Còn nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm tới trên 30% tổng giá trị nhập khẩu. Tiếp theo là nhu cầu về nhập khẩu vải, chất dẻo và nguyên liệu, thức ăn gia súc và nguyên liệu…

Cơ cấu các nhóm hàng xuất, nhập khẩu của Việt Nam và Ấn Độ chủ yếu là nhóm hàng chế biến, chế tạo, sau đó là vật liệu xây dựng và nông, thủy sản.

Hiện nay, Ấn Độ đang mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, theo Bộ Kinh tế Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (2022), hiệp định thương mại tự do (FTA) của Ấn Độ với Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất có hiệu lực ngày 01/5/2022 cùng hàng loạt các hiệp định khác mà Ấn Độ đang tham gia đàm phán sẽ tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang Ấn Độ, do đó, sức ép về chất lượng, mẫu mã là rất lớn. Việc tìm hiểu các đặc điểm, tập quán kinh doanh của người Ấn Độ sẽ mang lại lợi ích, giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Phương pháp nghiên cứu

Để đánh giá mức độ có đi có lại trong toàn bộ cán cân thương mại, nghiên cứu của Wadhva và cộng sự (1985) đã đề xuất một chỉ số đo lường tính tương hỗ thương mại. Công thức tính chỉ số như sau:

Đánh giá xuất, nhập khẩu Việt Nam - Ấn Độ qua các chỉ số thương mại - Ảnh 1

Trong đó:

θ = Chỉ số đối ứng (chỉ số tương hỗ) thương mại (trade reciprocity index); ekt là xuất khẩu của quốc gia k sang quốc gia t và etk là xuất khẩu của quốc gia t sang quốc gia k.

n = tổng số quốc gia tham gia trong bối cảnh song phương hoặc nhóm trong khu vực.

Chỉ số tương hỗ luôn nằm trong khoảng từ 0 đến 1. Nếu chỉ số θ = 1, điều đó có nghĩa là các cặp quốc gia có thương mại đối ứng hoàn hảo. Ngược lại, nếu chỉ số bằng 0 có nghĩa là không có thương mại lẫn nhau, một quốc gia chỉ xuất khẩu hoặc nhập khẩu từ đối tác thương mại kia, điều này khiến họ hoàn toàn phụ thuộc vào bên kia và do đó chỉ số trở nên tối thiểu. Bano (2014) đã đơn giản công thức trên với n = 2 và giả thuyết các quốc gia không thể xuất khẩu cho chính họ (e11 = e22 = 0), phương trình có dạng như sau:

 

Đánh giá xuất, nhập khẩu Việt Nam - Ấn Độ qua các chỉ số thương mại - Ảnh 2

 

Ngoài chỉ số trên, chỉ số cường độ thương mại (The intensity of trade) lần đầu tiên được áp dụng bởi Brown (1947) và sau đó được phát triển bởi Kojima (1964). Chỉ số này nhằm đánh giá mức độ thương mại lẫn nhau giữa các quốc gia trong một khối thương mại (chẳng hạn mối quan hệ song phương) so với tổng khối lượng thương mại của họ trong thương mại thế giới. Chỉ số cường độ thương mại được chia thành 2 chỉ số: chỉ số cường độ xuất khẩu và chỉ số cường độ nhập khẩu. Chỉ số này có dạng phương trình như sau:

Đánh giá xuất, nhập khẩu Việt Nam - Ấn Độ qua các chỉ số thương mại - Ảnh 3

Trong đó:

ExpIkt = Chỉ số cường độ xuất khẩu từ quốc gia k sang quốc gia t

EXPkt = Giá trị xuất khẩu của quốc gia k vào quốc gia t

EXPk = Tổng giá trị xuất khẩu của quốc gia k

IMPt = Giá trị nhập khẩu của quốc gia t

IMPk = Giá trị nhập khẩu của quốc gia k

IMPw = Tổng giá trị nhập khẩu của thế giới

Tương tự, chỉ số cường độ nhập khẩu là:

Trong đó:

ImpIkt = Chỉ số cường độ nhập khẩu vào quốc gia k từ quốc gia t.

IMPkt = Giá trị nhập khẩu của quốc gia k từ quốc gia t.

EXPt = Tổng giá trị xuất khẩu của quốc gia t

EXPw = Tổng giá trị xuất khẩu của thế giới

Nếu chỉ số trở cao hơn 1, nghĩa là quốc gia t là đối tác thương mại quan trọng hơn đối với quốc gia k so với các quốc gia khác, nói cách khác là có cường độ thương mại (tương ứng trong xuất khẩu, nhập khẩu) giữa 2 quốc gia hơn cao hơn và quan trọng trong thương mại thế giới. Ngược lại, nếu chỉ số nhỏ hơn 1 thì cường độ thương mại thấp.

Kết quả nghiên cứu

Dữ liệu về thương mại Việt Nam - Ấn Độ được lấy theo năm, trong giai đoạn từ 2015-2021. Nguồn dữ liệu được lấy từ Ngân hàng Thế giới và dữ liệu của Tổng cục Hải quan.

Thống kê mô tả các biến được thể hiện tại Bảng 1.

Bảng 1: Thống kê mô tả các biến

Biến

Ý nghĩa

Số quan sát

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất

ImpVI

Nhập khẩu từ Ấn Độ sang Việt Nam (tỷ USD)

7

4,18

1,46

2,66

7,00

ExpVI

Xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ (tỷ USD)

7

4,80

1,82

2,47

6,70

ImpWorld

Nhập khẩu của thế giới (tỷ USD)

7

17812,86

2079,22

15460

21560

ExpWorld

Xuất khẩu của thế giới (tỷ USD)

7

18145,71

2104,63

15800

22040

ImpIndia

Nhập khẩu của Ấn Độ (tỷ USD)

7

457,35

76,39

376,10

579,15

ExpIndia

Xuất khẩu của Ấn Độ (tỷ USD)

7

313,20

47,23

268,61

402,42

ImpVN

Nhập khẩu của Việt Nam (tỷ USD)

7

233,68

57,16

165,80

332,20

ExpVN

Xuất khẩu của Việt Nam (tỷ USD)

7

239,91

61,19

162,02

336,31

Nguồn: Tính toán của tác giả dựa vào dữ liệu Ngân hàng thế giới và Tổng cục Hải quan.

Kết quả chỉ số tương hỗ trong thương mại song phương của Việt Nam và Ấn Độ được thể hiện tại Hình 2.

Hình 2 cho thấy, chỉ số tương hỗ thương mại giữa 2 quốc gia rất cao trong giai đoạn 2015-2017, thấp nhất vào năm 2018 với giá trị 0,77 và tăng lên trong những năm gần đây. Tính trung bình giai đoạn 2015-2021, chỉ số tương hỗ là 0,91. Với dữ liệu sơ bộ năm 2022, chỉ số hỗ trợ thương mại giữa 2 nước đạt 0,94. Điều này cho thấy, thương mại giữa 2 nước trong giai đoạn nghiên cứu là xấp xỉ đạt mức cân bằng giữa xuất và nhập khẩu.

Hình 2: Chỉ số tương hỗ thương mại Việt Nam - Ấn Độ

Nguồn: Tính toán của tác giả dựa vào dữ liệu Tổng cục Hải quan
Nguồn: Tính toán của tác giả dựa vào dữ liệu Tổng cục Hải quan

Xét chỉ số cường độ thương mại, giá trị cường độ thương mại nhập khẩu và xuất khẩu trong giai đoạn 2015 – 2021 được thể hiện tại Bảng 2.

Bảng 2: Chỉ số cường độ thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ

Năm

Chỉ số cường độ nhập khẩu

Chỉ số cường độ xuất khẩu

2015

0.9483

0,5884

2016

0.9021

0,6214

2017

1.0468

0,6582

2018

0.9908

0,9660

2019

0.9907

0,9464

2020

1.0176

0,8187

2021

1.1364

0,6866

Nguồn: Tính toán của tác giả dựa vào dữ liệu Ngân hàng thế giới và Tổng cục Hải quan

Bảng 2 cho thấy, cường độ xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đều thấp hơn 1, do đó, so với các quốc gia khác trên thế giới, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Ấn Độ đạt cường độ thấp. Tính trung bình trong giai đoạn 2015-2021, cường độ xuất khẩu đạt 0,76, điều này cho thấy Việt Nam chưa chú trọng xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ. Theo tính toán của tác giả, để đạt cường độ xuất khẩu sang Ấn Độ mức 1 - bằng với tỷ lệ trung bình các nước khác xuất khẩu sang Ấn Độ, thì Việt Nam cần tăng xuất khẩu sang Ấn Độ lên 1,5 lần.

Trong khi đó, nhập khẩu đạt cường độ biến động nhỏ xung quanh giá trị đơn vị, đạt mức bình quân là 1, do đó so với các quốc gia khác, cường độ nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ đạt mức trung bình. Xét chung cả xuất, nhập khẩu, cường độ thương mại của Việt Nam với đối tác Ấn Độ, thì vai trò Ấn Độ là nhà cung cấp hàng hóa nhỉnh hơn vai trò như là nhà tiêu thụ hàng hóa, đồng thời thương mại 2 nước đạt mức thấp hoặc trung bình nên cần thúc đẩy hơn nữa thương mại giữa 2 quốc gia, đặc biệt là xuất khẩu sang Ấn Độ.

Xét về cán cân thương mại của Ấn Độ, một số mặt hàng nhập siêu và xuất siêu của Ấn Độ có thể khai thác để xuất khẩu hoặc nhập khẩu về Việt Nam thể hiện tại Bảng 3:

Bảng 3: Cán cân thương mại của Ấn Độ giai đoạn 2018 - 2023

Hàng hóa

Năm 2018-2019

Năm 2019-2020

Năm 2020-2021

Năm 2021-2022

Năm 2022-2023

Bột gỗ hoặc bằng vật liệu sợi cellulose khác; rác và phế liệu giấy

-2,62

-2,33

-1,96

-3,45

-4,01

Mỡ, dầu động thực vật và các sản phẩm chiết xuất của chúng;
chất béo ăn được; sáp động thực vật

-8,90

-8,70

-9,67

-17,81

-19,06

Trái cây và hạt ăn được; vỏ hoặc trái cây họ cam quýt hoặc dưa.

-2,01

-1,81

-1,81

-2,20

-2,88

Gỗ và các sản phẩm gỗ; than gỗ

-1,74

-1,57

-1,11

-1,29

-1,64

Chất thải từ ngành công nghiệp thực phẩm; thức ăn chăn nuôi
đã chế biến

1,27

0,45

1,35

0,34

1,71

Bông

7,05

4,21

5,81

10,05

3,96

Các phương tiện khác ngoài đường sắt hoặc xe điện, các bộ phận
và phụ kiện của chúng

11,94

11,47

9,02

13,42

14,02

Dược phẩm

12,67

13,95

16,83

15,95

17,24

Nguồn: Dữ liệu xuất nhập khẩu của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ

Các sản phẩm nhập siêu của Ấn Độ như: gỗ, bột gỗ, dầu mỡ động thực vật, trái cây… cũng là các sản phẩm mà Việt Nam hoàn toàn có thể khai thác để xuất khẩu sang Ấn Độ và nhập về các sản phẩm như: thức ăn chăn nuôi, bông, các phương tiện giao thông và phụ kiện hoặc dược phẩm.

Kết luận và khuyến nghị

Nghiên cứu cho thấy, chỉ số tương hỗ cho thương mại giữa Việt Nam và Ấn độ đạt mức cao, trung bình là 0,91, xấp xỉ đạt mức cân bằng giữa xuất và nhập khẩu. Xét theo chỉ số cường độ thương mại, đối với Việt Nam, vai trò của Ấn Độ là nhà cung cấp hàng hóa trội hơn vai trò là nhà tiêu thụ hàng hóa.

Xét riêng về cường độ xuất khẩu, chỉ số cường độ xuất khẩu thấp hơn 1, do đó, tính trung bình trên thế giới, Việt Nam chưa chú trọng xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ. Đây là điểm mà Việt Nam cần chú ý để cải thiện, bởi Ấn Độ là quốc gia đông dân, đứng thứ hai trên thế giới, tiềm năng giao thương của Việt Nam còn rất lớn, để cường độ xuất khẩu sang Ấn Độ đạt mức trung bình, Việt Nam cần tăng xuất khẩu sang Ấn Độ lên 1,5 lần.

Bên cạnh đó, cường độ nhập khẩu giữa Việt Nam với đối tác Ấn Độ đạt mức trung bình, do đó thúc đẩy mạnh về xuất khẩu có thể kết hợp đồng thời với nhập khẩu. Để thuận lợi hơn cho giao thương 2 chiều giữa Việt Nam và Ấn độ, cần khuyến khích các ngân hàng làm trung gian giao thương bằng tiền tệ thông qua phát huy vai trò trung gian kết nối giữa các nhà nhập khẩu và xuất khẩu giữa 2 nước. Các giao dịch nên được quy đổi và chốt giá trị theo tiền tệ của cả 2 quốc gia và nhà nhập khẩu hay xuất khẩu có thể rút tiền về theo một trong 2 loại tiền tệ trên tùy theo nhu cầu.

Dựa vào nhu cầu thương mại được đánh giá từ cán cân thương mại của Ấn Độ và dựa theo tỷ lệ xuất, nhập khẩu phân theo danh mục hàng hóa của Việt Nam thì Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang Ấn Độ các mặt hàng như: gỗ, bột gỗ, dầu mỡ động thực vật, trái cây… đồng thời nhập về các sản phẩm như: thức ăn chăn nuôi, bông, các phương tiện giao thông và phụ kiện hoặc dược phẩm. Do đó, khuyến nghị Chính phủ khuyến khích các nhà đầu tư Việt Nam tìm hiểu và tiếp cận thị trường Ấn Độ sâu hơn về các mặt hàng trên.

Tài liệu tham khảo:

  1. Cẩm Anh (2022), Ấn Độ và Việt Nam: Thời điểm chín muồi cho hợp tác kinh tế khai mở, https://kinhtedothi.vn/an-do-va-viet-nam-thoi-diem-chin-muoi-cho-hop-tac-kinh-te-khai-mo.html;
  2. Bano. (2014), Trade relations between New Zealand and China: An empirical Analysis in the context of a free trade agreement, Review of Economics and Finance, 4, 75- 92;
  3. Bộ kinh tế Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (2022), UAE-India Comprehensive Economic Partnership Agreement, https://www.moec.gov.ae/en/cepa_india#:~:text=The%20UAE%2DIndia%20CEPA%20entered,80%20per%20cent%20of%20products;
  4. Brown, A. J. (1947), Applied Economics: Aspects of the World Economy in War and Peace: London, George Allen and Urwin;
  5. Kojima, K. (1964), The pattern of international trade among advanced countries, Hitotsuboshi Journal of Economics of Education Reviews, 5(1), 16 - 36.
  6. Wadhva, C. D. a. A., M. G. (1985), ASEAN-South Asia economic relations: Institute of Southeast Asian Studies.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2023