DATC cần được bình đẳng với VAMC
Đối tượng hướng tới của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đều là các khoản nợ xấu và việc xử lý nợ xấu cần thiết phải giải quyết cả từ phía chủ nợ và khách nợ. Do vậy, cần có môi trường pháp lý bình đẳng hơn giữa hai tổ chức này.
Đó là một trong những nội dung được Bộ Tài chính nêu rõ tại Tờ trình Chính phủ về việc xây dựng Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC.
VAMC là doanh nghiệp thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 18/5/2013, cũng với định hướng xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.
Quan điểm phát triển của Đảng, Nhà nước coi DATC và VAMC là 2 tổ chức cần thiết, song hành trong định hình mô hình xử lý nợ của nền kinh tế. Trong đó, VAMC xử lý nợ từ góc độ xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng - với tư cách là các chủ nợ, góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng.
Còn DATC không chỉ tham gia xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, mà còn thực hiện các hoạt động xử lý tài chính, hỗ trợ tái cơ cấu đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và cá nhân (với tư cách là khách nợ) sau khi mua nợ; tham gia xử lý nợ theo chỉ đạo của Chính phủ.
Hoạt động mua bán nợ xấu của DATC không chỉ với mục đích xử lý nợ xấu của thị trường tín dụng mà còn hướng tới hỗ trợ khách nợ xử lý dứt điểm những khó khăn về tài chính, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp khách nợ phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Tuy cùng có chức năng xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng song cơ chế hoạt động của VAMC có nhiều thuận lợi, được bổ sung nhiều quy định đặc thù để hỗ trợ VAMC hoạt động có hiệu quả. Cụ thể:
Mặc dù, hoạt động trong cùng lĩnh vực xử lý nợ xấu nhưng cơ chế mua nợ của DATC là thỏa thuận, các tổ chức tín dụng xem xét bán nợ cho DATC. Đối với VAMC, trong cơ chế hoạt động của VAMC quy định các tổ chức tín dụng có trách nhiệm bán nợ xấu cho VAMC.
Hơn nữa, VAMC là đối tượng điều chỉnh và được hỗ trợ thông qua một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, có giá trị pháp lý cao (Nghị quyết của Quốc hội, Luật tổ chức tín dụng, Nghị định, Thông tư, Thông tư liên tịch...) và liên tục được sửa đổi hoàn thiện. Trong khi đó, hoạt động của DATC mới được điều chỉnh tại các Thông tư của Bộ Tài chính và các quy định của pháp luật nói chung.
Hiện nay, VAMC đang được trao các cơ chế đặc thù cần thiết cho một tổ chức xử lý nợ quốc gia như: (i) Mô hình hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; (ii) Không coi các hoạt động liên quan đến mua bán, xử lý nợ là hoạt động đầu tư ngoài ngành; (iii) Được sử dụng công cụ đặc biệt để xử lý nợ (phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ từ các Tổ chức tín dụng); (iv) Được hưởng chính sách ưu đãi về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp; (v) Các doanh nghiệp khách nợ VAMC tái cơ cấu được xem xét cấp tín dụng; (vi) Trở thành bên nhận bảo đảm và được thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm dựa trên hợp đồng mua bán nợ xấu mà không phải ký lại hợp đồng bảo đảm với bên bảo đảm…
Sau một thời gian hoạt động, hiện VAMC đang bổ sung thêm hoạt động như một doanh nghiệp mua bán xử lý nợ vì mục tiêu lợi nhuận để tăng hiệu quả hoạt động.
Trên thực tế, đối tượng hướng tới của VAMC và DATC đều là các khoản nợ xấu và việc xử lý nợ xấu cần thiết phải giải quyết cả từ phía chủ nợ (tổ chức tín dụng) và khách nợ (doanh nghiệp đi vay) nên việc DATC là chủ thể xử lý nợ bị giảm hiệu quả hoạt động cũng sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả của mô hình xử lý nợ nền kinh tế mà Chính phủ mong muốn, trong đó có thể bao gồm cả hiệu quả của VAMC.
Như vậy, để tạo môi trường pháp lý bình đẳng giữa các tổ chức có chức năng xử lý nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp trong nền kinh tế, tạo điều kiện phát huy vai trò của DATC đối với hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp, xử lý nợ xấu trong nền kinh tế thì cần thiết xây dựng môi trường pháp lý đặc thù, thuận lợi hơn cho DATC và tương đồng với VAMC