DATC và những “khoảng trống” pháp lý cần lấp đầy
Từ khi thành lập đến nay, về cơ bản Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các nhiệm vụ mới. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động, đã phát sinh bất cập trong cơ chế chính sách chưa được điều chỉnh kịp thời, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của DATC.
Khoảng trống pháp lý
Từ khi thành lập đến nay, văn bản pháp lý cao nhất về cơ chế hoạt động của DATC mới dừng ở mức Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg về việc thành lập DATC) và một số văn bản khác là Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Tiền đề của xây dựng cơ chế chính sách cho DATC thấp trong khi hoạt động của DATC liên quan đến nhiều văn bản pháp luật cấp cao và ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: dân sự, tư pháp, đầu tư, đất đai, xây dựng, chứng khoán... Do vậy, việc hướng dẫn cơ chế hoạt động như Thông tư, Quyết định của Bộ Tài chính còn hạn chế do liên quan đến vấn đề thẩm quyền quy định.
Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động của DATC đã phát sinh bất cập chưa được điều chỉnh kịp thời. Điển hình như các quy định về: Đối tượng mua, bán nợ; phương thức xử lý nợ (liên quan đến hạn chế đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước); Hỗ trợ vốn và bảo lãnh vay vốn đối với doanh nghiệp (DN) được tái cơ cấu.
Mặt khác, vẫn thiếu các cơ chế để tạo thế chủ động trong xử lý nợ như: điều chỉnh lãi suất linh hoạt đối với khoản nợ của DN tái cơ cấu; thời hạn thoái vốn tại DN tái cơ cấu; Chế độ trích lập dự phòng nợ mua, dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với các khoản vốn góp của DATC (dưới hình thức chuyển nợ thành vốn góp) tại các DN tái cơ cấu chưa phù hợp; Cơ chế, trình tự, thủ tục xử lý nợ xấu của DN tại Ngân hàng phát triển Việt Nam và Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam...
Tất cả các yếu tố đó đã gây khó khăn cho hoạt động, làm giảm hiệu quả hoạt động mua bán xử lý nợ, từ đó ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của DATC cũng như quá trình phục hồi doanh nghiệp.
Bất cập trong mua bán, xử lý nợ
Liên quan đến hoạt động mua bán xử lý nợ của DATC cũng còn tồn tại nhiều bất cập, điển hình như các quy định về quyền thu giữ tài sản, quyền nhận tài sản.
Bộ Luật Dân sự 2015 đã bỏ quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Điều này gây khó khăn rất lớn đến quyền xử lý tài sản bảo đảm của DATC.
Bởi, DATC không thể chủ động thu giữ nếu các chủ tài sản không đồng thuận, cố tình chống đối, thậm chí tạo ra các tranh chấp khác liên quan đến tài sản bảo đảm để khởi kiện ra tòa nhằm kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm. DATC sẽ phải chờ bản án của Tòa án, tạo tâm lý chây ỳ trả nợ của bên có nghĩa vụ, tạo áp lực lên cho các cơ quan xét xử.
Theo đó, việc xử lý tài sản bảo đảm của DATC sẽ bị kéo dài thời gian, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả xử lý nợ xấu của DATC. Trong khi đó, quyền thu giữ tài sản bảo đảm đã được thực hiện từ hơn 10 năm qua theo quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm (Điều 63).
Bên cạnh đó, trong quá trình DATC xử lý nợ đã mua, khách hàng vay đồng ý bổ sung thêm tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nhưng theo các quy định tại Điều 174, 175, 176 Luật Đất đai 2013, DATC không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất.
Tương tự, khi DATC bán lại khoản nợ xấu đã mua cho bên mua nợ là các cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thì các cá nhân, tổ chức này cũng không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai.
Do vậy, DATC sẽ khó có thể bán những khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho cá nhân, tổ chức không phải là Tổ chức tín dụng.
Hiện tại, Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có bổ sung điểm c vào khoản 2 và bổ sung khoản 3 vào Điều 81 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định tổ chức được phép mua bán nợ được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp, bên nhận bảo lãnh đã giao kết trong hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh bao gồm cả tài sản là quyền sử dụng đất đã thế chấp, quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, quy định này chỉ giải quyết được 1 phần vướng mắc của DATC bởi các đối tượng khác không phải tổ chức mua bán nợ vẫn gặp vướng mắc do vướng quy định tại Điều 174, 175, 176 Luật Đất đai.
Có thể nói, tồn tại trên đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động mua bán và xử lý nợ của DATC nói riêng và việc phát triển thị trường mua bán nợ Việt Nam nói chung.
Để phát huy hơn nữa vai trò của DATC cũng như thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển, theo các chuyên gia cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, giải quyết những tồn tại đang đặt ra.