DATC: Tái cơ cấu để nâng tầm

DATC

(Tài chính) Việc mất nhiều thời gian chờ phê duyệt phương án mua nợ hay thiếu vốn phục hồi sản xuất sau tái cơ cấu không còn là nỗi lo của các doanh nghiệp khách nợ sau khi dự thảo Đề án tái cơ cấu Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) được phê duyệt. Nhiều ý kiến đang đặt câu hỏi, một đơn vị chuyên đi tái cơ cấu cho các doanh nghiệp (DN) khác, vậy bản thân DATC tái cơ cấu thế nào?

Sẽ tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng

Để đảm bảo quyền hạn kinh doanh của đơn vị chính đảm đương nhiệm vụ xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp, dự thảo Đề án tái cơ cấu DATC nêu rõ: DATC sẽ được quyết định giá mua, giá bán nợ, cơ cấu kỳ hạn trả nợ, xóa nợ, điều chỉnh lãi suất theo phương án tái cơ cấu doanh nghiệp. Đồng thời, đơn vị này được chủ động quyết định phương thức và thời gian thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp tái cơ cấu. Được tham gia tái cơ cấu các tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sau khi mua nợ theo chỉ định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, DATC có quyền yêu cầu các DNNN đã sắp xếp, chuyển đổi chủ sở hữu thuộc đối tượng chuyển giao nợ và tài sản loại trừ khi xác định giá trị doanh nghiệp, kèm theo các tài liệu liên quan.

Một điểm đáng chú ý của dự thảo Đề án là DATC được sử dụng vốn và quỹ hợp pháp của Tổng công ty để kinh doanh và hỗ trợ các DN đang được tái cơ cấu theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn vốn.
Theo dự thảo Đề án, số nợ xấu hiện tại khoảng 252.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ tăng lên hàng năm. Trong đó, nợ xấu của các Tập đoàn, Tổng công ty chiếm khoảng 35-40% tổng nợ xấu. Một trong số đó là nợ xấu mà bản thân các tổ chức tín dụng không thể xử lý được và DATC sẽ tham gia theo chỉ định của cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, DATC sẽ thực hiện việc mua, bán và xử lý nợ theo phương thức thỏa thuận. Như vậy, có thể thấy một số lượng nợ không hề nhỏ và đòi hỏi DATC phải được nâng cấp để đảm đương được công việc khó khăn này.

Với giá mua bình quân khoảng 30 - 35% giá trị khoản nợ như DATC đã thực hiện thời gian qua, số vốn cần để xử lý số nợ xấu của các Tập đoàn, Tổng công ty tại các tổ chức tín dụng vào khoảng 100.000 tỷ đồng.

Việc thực hiện xử lý nợ xấu cho các Tập đoàn, Tổng công ty bao gồm phương thức mua bán nợ, tái cơ cấu nợ thông qua phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế, vay vốn ODA, cho vay lại các Tập đoàn, Tổng công ty. Tất nhiên, trong một số trường hợp, đòi hỏi các khách nợ phải có nguồn vốn đối ứng theo quy định, như Vinashin, Vinalines...

Để đáp ứng yêu cầu công việc trong giai đoạn 2013 - 2015, dự thảo Đề án xác định nhu cầu vốn luân chuyển để hoạt động của Tổng công ty xử lý nợ Việt Nam là 30.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ là 10.000 tỷ đồng (vốn điều lệ hiện tại là 2.481 tỷ đồng) sẽ được bổ sung từ nguồn tiền thu từ cổ phần hóa DNNN theo Nghị quyết 02/NQ-CP.

Đối với số vốn hoạt động còn thiếu trong quá trình mua và xử lý nợ nhất là xử lý các khoản nợ lớn của các Tập đoàn, Tổng công ty dự thảo Đề án đề xuất, sẽ được bổ sung từ lợi nhuận sau thuế; thuế thu nhập doanh nghiệp để lại của DATC và thông qua vay ưu đãi có hoàn trả từ các quỹ ngoài ngân sách hoặc phát hành trái phiếu DATC, công cụ nợ đặc biệt. Công cụ nợ đặc biệt là một giấy chứng nhận nghĩa vụ của DATC phải thanh toán một phần tiền thu được từ xử lý nợ và tài sản của chủ nợ bán cho DATC theo tỷ lệ phân chia theo thỏa thuận. Loại công cụ đặc biệt này được tự do mua bán, thế chấp, cầm cố và đảm bảo cho các nghĩa vụ dân sự... Việc thực hiện công cụ nợ đặc biệt phải được bổ sung quy định tại Nghị định về xử lý nợ.

Bên cạnh đó, để hạn chế rủi ro cho DATC, dự thảo Đề án kiến nghị không đặt nặng vấn đề phát hành trái phiếu hoặc vay từ các tổ chức tín dụng để mua nợ. Vì việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ngoài đáp ứng các tiêu chí chặt chẽ của tổ chức phát hành thì phải đảm bảo mức lãi suất hợp lý cho trái chủ, hoặc vay thương mại phải đáp ứng được mức lãi suất của tổ chức tín dụng. Trong khi đó, những khoản nợ DATC xử lý đều là nợ xấu, thời gian xử lý dài, giá trị thu hồi thấp... Lợi nhuận từ hoạt động này không chắc chắn nên nếu phải gánh thêm chi phí trả lãi trái phiếu, trả lãi vay rất dễ dẫn đến rủi ro, nguy cơ mất vốn.
 
Nâng tầm cả mẹ lẫn con
Bên cạnh bổ sung nguồn vốn, dự thảo Đề án tái cơ cấu DATC còn đề xuất, tái cơ cấu tổ chức đơn vị này theo hướng: Từ năm 2013 - 2014 tiếp tục duy trì mô hình hiện nay và nâng cấp thành Tổng công ty Xử lý nợ Việt Nam. Từ năm 2015, DATC sẽ nghiên cứu trình Bộ Tài chính phê duyệt phương án thành lập Công ty TNHH MTV, CTCP trên cơ sở chuyển đổi các Chi nhánh, Trung tâm nhằm tăng cường năng lực, huy động thêm nguồn vốn hỗ trợ cho xử lý nợ, tái cơ cấu DN.
Mục tiêu chuyển đổi các Trung tâm, Chi nhánh thành Công ty TNHH MTV nhằm tạo quyền chủ động, tối đa hóa lợi nhuận cho các DN trong hoạt động xử lý nợ theo định hướng của DATC. Các công ty này sẽ hoạt động theo ngành nghề kinh doanh chính của DATC là mua nợ theo thỏa thuận, xử lý, tái cơ cấu doanh nghiệp có quy mô nhỏ, giá trị theo từng phương án từ 50 tỷ đồng trở xuống và trong khu vực theo địa bàn hoạt động.

Ngoài ra, các công ty con còn tham gia một phần vào việc thực hiện xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp theo sự phân công của DATC trong các phương án lớn, phạm vi rộng. Đồng thời, các đơn vị thành viên còn tham gia hỗ trợ công ty mẹ tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp khi chuyển đổi sở hữu các DNNN trực thuộc tỉnh, thành phố..., xử lý, khai thác các khoản nợ và tài sản đã mua, đã tiếp nhận theo quy định. Các công ty TNHH phải chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn được DATC cấp.
Trên cơ sở đó, mối quan hệ giữa DATC và Công ty TNHH MTV sẽ là DATC thực hiện quản lý phần vốn đầu tư tại các Công ty TNHH MTV theo quy định của pháp luật và điều lệ của DATC. DATC sẽ hỗ trợ và giám sát quy trình xây dựng chiến lược kinh doanh ở các Công ty TNHH MTV trực thuộc. Hội đồng quản trị DATC là chủ sở hữu số vốn đã đầu tư vào các công ty này và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu quy định tại Điều 64, 65 Luật doanh nghiệp như quyết định nội dung Điều lệ, quyết định chiến lược và kế hoạch kinh doanh hàng năm, Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý công ty như HĐQT, Ban Giám đốc, Kế toán trưởng; Quyết định các dự án đầu tư...