DATC: Thành công từ nỗ lực vượt khó

PV.

(Tài chính) Năm 2014 khép lại, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã khắc ghi nhiều kết quả tăng trưởng vượt trội trong hoạt động, khẳng định vai trò quan trọng trong xử lý nợ xấu tái cơ cấu doanh nghiệp. Tiếp theo những thành công, bước sang năm 2015, tập thể cán bộ, nhân viên đã đặt ra nhiều quyết tâm lớn để chinh phục những mục tiêu cao hơn…

Thay mặt lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu trao tặng Bằng khen
cho các cá nhân có thành tích xuất sắc
Thay mặt lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu trao tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc

Thành công vượt trội

Trong bối cảnh, kinh tế còn nhiều khó khăn, thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang bước vào kỳ nước rút của giai đoạn 2011-2015, câu chuyện xử lý nợ xấu lại càng nóng hơn. Và vai trò của DATC trong quá trình góp sức đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN cũng đã được đề cập đến khá nhiều trong năm qua. Điều này vừa là áp lực nhưng cũng là niềm tự hào của một DN khi vai trò, vị thế của mình đã được khẳng định.

Với tinh thần quyết tâm hoàn thành vượt mức các mục tiêu kế hoạch đặt ra trong năm 2014, tập thể cán bộ, nhân viên DATC đã khẳng định sức mạnh vượt khó, thắng lợi trên hầu hết các mặt trận. Niềm tự hào này đã được DATC chia vui cùng đông đảo đối tác và lãnh đạo Bộ Tài chính.

Theo đó, năm 2014, DATC đã thực hiện hỗ trợ xử lý nợ và tài sản tồn đọng là 36 DN; tổng doanh số mua nợ và tài sản là 825,47 tỷ đồng, đạt 103% so với kế hoạch và vượt 52,6% so với năm 2013; tổng doanh thu đạt được là 1.032,36 tỷ đồng, đạt 121% so với kế hoạch, vượt 90,6% so với năm 2013; lợi nhuận đạt được là 135 tỷ đồng, đạt 117% so với kế hoạch, tăng gấp 2,54 lần so với năm 2013; nộp ngân sách nhà nước 50 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị DN khi cổ phần hoá DNNN cũng đã được DATC tập trung thực hiện nhận bàn giao tại các DN thuộc các bộ, ngành, tập đoàn - tổng công ty nhà nước; các DN chuyển đổi có tài sản và nợ loại trừ thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Qua đó, tổng số DN được DATC tiếp nhận trong năm 2014 là 24, với giá trị nợ và tài sản loại trừ là 220,54 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2013; xử lý tài sản tại 38 DN với giá trị thu hồi là 23.698 triệu đồng, đạt 132% kế hoạch, vượt 56,7% so với thực hiện năm 2013. Trong đó, thu từ xử lý tài sản là 10.684 triệu đồng, thu hồi nợ 2.416 triệu đồng và thu nợ do DN xử lý trước bàn giao là 10.598 triệu đồng.

Như vậy, với kết quả đạt được trong hoạt động tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ khi chuyển đổi sở hữu DNNN năm qua đã không chỉ góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, chuyển đổi sở hữu công ty nhà nước mà còn đưa số lũy kế thực hiện trong lĩnh vực từ năm 2004-2014 tăng mạnh. Tổng số DN đã tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ là 2.468 DN với tổng giá trị nợ và tài sản bàn giao, tiếp nhận là 3.643,22 tỷ đồng. Kết quả đó đã góp phần hỗ trợ tích cực vào công tác triển khai đề án sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN của các bộ, ngành, địa phương đạt hiệu quả và đúng tiến độ.

Cùng với việc đẩy nhanh công tác tiếp nhận tại các DN, DATC đã tập trung xử lý tài sản, thực hiện nhiều giải pháp thu hồi nợ nộp NSNN. Luỹ kế đến cuối năm 2014, tổng số nộp NSNN từ các hoạt động trên là 558 tỷ đồng. Trong đó, xử lý tài sản loại trừ 440,38 tỷ đồng, thu hồi nợ 20,62 tỷ đồng, thu nợ DN xử lý trước bàn giao là 96,58 tỷ đồng.

Trong hoạt động mua, bán nợ và tài sản, năm 2014 DATC đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả để mang về doanh thu 734.112 triệu đồng, đạt 115% kế hoạch, tăng gấp 2,43 lần so với năm 2013. Đây thực sự là bước đột phá, mở đường cho các hoạt động của DATC trong những năm tiếp theo.

Tái cơ cấu DN và quản lý vốn góp tại các DN khác, một trong những lĩnh vực vốn là thế mạnh của DATC trong nhiều năm qua cũng đã được tận dụng và phát huy mạnh mẽ trong năm 2014. Tính đến cuối năm 2014, tổng giá trị đầu tư góp vốn vào các DN khác của DATC đạt 1.070,83 tỷ đồng; trong đó,  đầu tư thông qua xử lý nợ, tái cơ cấu tài chính, chuyển nợ thành vốn góp có vốn cổ phần tại 87 DN, với giá trị vốn góp là 790,33 tỷ đồng; đầu tư trực tiếp tại 12 DN với giá trị 280,5 tỷ đồng.

Từ kết quả thực hiện các hoạt động tái cơ cấu DN, góp vốn cổ phần và thoái vốn để tái đầu tư vào các DN khác, DATC đã góp phần tích cực vào việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, cải thiện thanh khoản và nâng cao chất lượng của các tổ chức tín dụng; cải thiện tài chính các DN, tăng thêm hàng hoá cho thị trường chứng khoán từ việc thoái vốn và tạo thêm việc làm cho người lao động, ổn định đời sống, sản xuất của nông dân theo chương trình mục tiêu của Nhà nước.

Tiếp tục khẳng định vị thế

Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2015, DATC đã đề ra mục tiêu tổng quát: Tiếp tục giữ vững sự ổn định, bền vững, tăng trưởng nhanh trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của công ty; chủ động nghiên cứu thực hiện các phương thức mới trong mua bán, tiếp nhận nợ, tái cơ cấu DN, quản lý vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư; khẳng định vai trò là công cụ quan trọng của Nhà nước trong xử lý nợ xấu, tái cơ cấu DN và phát triển thị trường mua bán nợ có tổ chức.

Trong hoạt động kinh doanh, DATC đặt quyết tâm đạt: Tổng doanh thu đạt được trong năm 2015 là 1.500 tỷ đồng, tăng 45,4% so với năm 2014; tổng giá trị góp vốn đầu tư là126 tỷ đồng, tăng 57,5% so với năm 2014; tổng số nộp NSNN là 54 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2014; tổng lợi nhuận trước thuế là 150 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2014.

Để hoàn thành tốt các mục tiêu trên, bên cạnh tinh thần nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo, vượt khó của tập thể cán bộ, nhân viên, năm 2015 DATC tiếp tục nhanh chóng hoàn thiện, củng cố tổ chức bộ máy, thể chế và đội ngũ hội đồng thành viên của công ty, nâng cao vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, có kế hoạch, lộ trình cụ thể, để từng bước thực hiện quá trình tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt, thực hiện phân loại từng DN trong tổng số các DN mà DATC đã thực hiện mua bán nợ. Qua đó, thống kê cụ thể được số DN có lãi tốt, DN lỗ, bao nhiêu DN còn có tranh chấp về pháp lý… Từ đó, có các biện pháp xử lý cụ thể với từng DN nhằm đảm bảo công tác mua bán nợ được thực hiện có hiệu quả, bảo toàn và phát triển nguồn vốn được giao.