DATC và một số vướng mắc đặt ra
Được biết đến là đơn vị đi đầu trên thị trường mua bán nợ Việt Nam, nhưng để khẳng định được vị thế, vai trò của mình, trong những năm qua, bên cạnh sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã phải đối mặt, vượt qua rất nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách.
DATC tiền thân là Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp được thành lập theo Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 05/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Kể từ khi ra đời, DATC đã tạo dựng được nhiều dấu ấn tích cực trong hoạt động xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp trong đó có hoạt động như: mua và xử lý nợ, thoái vốn, bán đấu giá tài sản, các khoản nợ tại các doanh nghiệp...
Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động DATC cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức nhất định, trong đó phải nói đến khó khăn, thách thức về hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách, cụ thể như sau:
Thứ nhất, do hoạt động của DATC có nhiều đặc thù, khác biệt so với cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nói chung (quy định tại các văn bản có tính pháp lý cao hơn như Nghị định của Chính phủ), liên quan đến nhiều văn bản pháp luật cấp cao hơn (luật, pháp lệnh, nghị định...), ở nhiều lĩnh vực khác nhau (dân sự, tư pháp, đầu tư, đất đai, xây dựng, chứng khoán...). Do đó, việc hướng dẫn cơ chế hoạt động bằng các văn bản như Thông tư, Quyết định của Bộ Tài chính còn hạn chế do liên quan đến vấn đề thẩm quyền quy định.
Ngoài ra, hoạt động của DATC đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chủ thể khác nhau, bao gồm cả doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức do đó cần có văn bản cao hơn để nâng cao địa vị pháp lý của DATC, tăng cường tính tuân thủ của các chủ thể trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kinh doanh, đặc biệt là trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Thứ hai, cơ chế hoạt động của DATC đã phát sinh bất cập, chưa phù hợp và chưa điều chỉnh kịp thời so với những thay đổi của thị trường và những quy định mới được sửa đổi, bổ sung thời gian qua, dẫn đến hạn chế trong thực hiện vai trò, nhiệm vụ được giao của DATC.
Cụ thể: (i) Hạn chế về đối tượng mua, bán nợ; phương thức xử lý nợ (liên quan đến hạn chế đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước); (ii) Hạn chế về hỗ trợ vốn và bảo lãnh vay vốn đối với DN được tái cơ cấu; (iii) Thiếu các cơ chế chủ động trong xử lý nợ như: điều chỉnh lãi suất linh hoạt đối với khoản nợ của DN tái cơ cấu; thời hạn thoái vốn tại DN tái cơ cấu; (iv) Chế độ trích lập dự phòng nợ mua, dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với các khoản vốn góp của DATC (dưới hình thức chuyển nợ thành vốn góp) tại các DN tái cơ cấu chưa phù hợp; (v) Vướng mắc về cơ chế, trình tự, thủ tục xử lý nợ xấu của DN tại Ngân hàng phát triển Việt Nam và Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam... dẫn đến gây khó khăn cho hoạt động của DATC, làm giảm hiệu quả hoạt động mua bán xử lý nợ, từ đó ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của DATC cũng như quá trình phục hồi doanh nghiệp.
Thứ ba, một số cơ chế chung liên quan đến hoạt động mua bán xử lý nợ làm hạn chế tiến độ, hiệu quả của việc xử lý nợ của DATC như quyền thu giữ tài sản, quyền nhận tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất…
Để tạo điều kiện cho DATC phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế của mình và giải quyết những vướng mắc trên, vừa qua Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ về việc xây dựng Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC.
Với mong muốn DATC trở thành công cụ của Chính phủ trong việc xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp theo chức năng nhiệm vụ được quy định thì việc hoàn thiện các quy định về chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC là rất quan trọng với mục đích hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý cho sự hình thành và phát triển của thị trường mua bán, xử lý nợ, tài sản.
Đồng thời, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của DATC, góp phần giải quyết nợ xấu, nợ tồn đọng trong nền kinh tế, phục vụ cho định hướng của Chính phủ trong tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngoài ra, khi Nghị định được ban hành sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với DATC trong việc nâng cao năng lực, hành lang pháp lý cho DATC triển khai một cách có hiệu quả, tránh rủi ro về mặt pháp lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao.