DATC và những vướng mắc khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ

PV.

Trong những năm qua, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao trên hai vai trò, vừa là công cụ thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - chính trị do Chính phủ giao, vừa là tổ chức kinh tế hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, DATC vẫn gặp phải một số khó khăn về khung pháp lý quy định chức năng nhiệm vụ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hoàn thành nhiệm vụ chính trị

Nhiệm vụ chính của DATC trong giai đoạn vừa qua được thể hiện qua các hoạt động như: mua bán, xử lý nợ và tài sản tồn đọng; tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ; tái cơ cấu doanh nghiệp qua xử lý nợ và tài sản tồn đọng.

Kể từ khi thành lập đến nay, DATC đã tham gia xử lý (trực tiếp và gián tiếp) các khoản nợ và tài sản tồn đọng với giá trị sổ sách khoảng 85.000 tỷ đồng, trong đó: Mua bán, xử lý nợ và tài sản (bao gồm cả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao và thực hiện theo cơ chế thị trường) khoảng 80.000 tỷ đồng; tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ khoảng 5.000 tỷ đồng.

DATC đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao trên hai vai trò, vừa là công cụ thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - chính trị do Chính phủ giao, vừa là tổ chức kinh tế hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường.  

DATC từng bước khẳng định vị thế, vai trò là công cụ của Chính phủ trong thực hiện các nhiệm vụ mua và xử lý nợ theo chỉ định để hỗ trợ cơ cấu lại tài chính cho một số tập đoàn, tổng công ty, DNNN trong quá trình cổ phần hóa theo kế hoạch của Chính Phủ; tăng thu cho NSNN và đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, chuyển đổi sở hữu công ty nhà nước thông qua tiếp nhận để xử lý nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi sở hữu hay hoạt động xử lý nợ gắn với tái cơ cấu các doanh nghiệp âm vốn chủ sở hữu không đủ điều kiện cổ phần hóa.

Thông qua việc thực hiện các hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường, mặc dù hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực rủi ro, vừa kinh doanh vừa thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao nhưng DATC vẫn đảm bảo hiệu quả tài chính, kinh doanh liên tục có lãi, bảo toàn và phát triển vốn.

Lũy kế từ 2004 hết năm 2016, DATC đã tạo ra 2.108,9 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (lợi nhuận sau thuế là 1.667,1 tỷ đồng), nộp ngân sách 915 tỷ đồng, liên tục hoàn thành nhiệm vụ hàng năm.

Hoạt động mua và xử lý nợ xấu của DATC đã tạo ra các cơ hội phát triển một số ngành nghề cũng như các định chế tài chính trung gian (như định giá nợ, bán đấu giá nợ, sàn giao dịch nợ, công ty mua bán nợ, dịch vụ đòi nợ, công ty dịch vụ tư vấn tài chính thuộc các thành phần kinh tế khác); cung cấp hàng hóa cho thị trường vốn Việt Nam thông qua việc phát hành trái phiếu, hối phiếu và hoạt động chuyển nợ góp vốn cổ phần và thoái vốn của DATC tại các doanh nghiệp.

Vướng mắc về khung pháp lý

Hoạt động của DATC thuộc ngành kinh doanh mới với nhiều tính chất đặc thù và chưa có tiền lệ ở Việt Nam, được điều chỉnh trực tiếp bởi:

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 05/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập DATC).

Các văn bản của Bộ Tài chính đều ở dạng Quyết định và Thông tư (Quyết định số 199/2003/QĐ-BTC ngày 05/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành điều lệ tạm thời về tổ chức và hoạt động của DATC; Quyết định số 50/2007/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung quyết định số 199/2003/QĐ-BTC;

Quyết định số 1683/2004/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ban hành Quy chế tài chính tạm thời của DATC và Quyết định số 2157/2007/QĐ-BTC sửa đổi, bổ sung quyết định số 1683/2004/QĐ-BTC; Quyết định số 1494/2010/QĐ-BTC của Bộ Tài chính phê duyệt đề án chuyển đổi DATC thành công ty TNHH MTV do nhà nước là chủ sở hữu; Thông tư số 79/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của DATC;

Quyết định số 2857/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ngày 9/11/2012 ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam; Thông tư số 135/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (thay thế Thông tư số 79/2011/TT-BTC), Thông tư số 134/2016/TT-BTC ngày 08/09/2016 về ban hành Quy chế quản lý tài chính của DATC; Thông tư số 57/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn bàn giao, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (thay thế Thông tư số 38/2006/TT-BTC).

Như vậy, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp, chức năng, nhiệm vụ của DATC trong thời gian qua (ngoài Quyết định của Thủ tướng Chính phủ), còn lại đều ở cấp Quyết định, Thông tư của Bộ Tài chính. Theo đó, giá trị pháp lý của các văn bản này là chưa cao, chưa tương xứng với vai trò, nhiệm vụ cũng như hiệu quả hoạt động của DATC.

Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới điều chỉnh liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và DATC nói riêng liên quan đến hoạt động mua bán nợ và thoái vốn (như Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014 và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014; và một số Nghị định, Nghị quyết, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ).

Tuy nhiên, những văn bản này có những quy định chưa phù hợp với đặc thù hoạt động của DATC bao gồm: Mua nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp và thoái vốn kèm nợ cho các nhà đầu tư có sự quan tâm nhất định đến doanh nghiệp; Mua, xử lý nợ gắn với việc hình thành các loại tài sản khác nhau (do mua tài sản tồn đọng, do tiếp nhận để cấn trừ nợ, do hoán đổi nợ lấy tài sản…) cần phải tiếp nhận và khai thác có hiệu quả; Các bất cập về chế tài của lĩnh vực tín dụng ngân hàng (như xóa nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, cho vay hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu…), về chế tài hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thông thường (đầu tư góp vốn, chuyển nợ thành vốn góp, quản lý doanh nghiệp sau tái cơ cấu…).

Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, cần thiết phải nâng các quy định tại các Thông tư của Bộ Tài chính thành Nghị định tạo cơ sở pháp lý có giá trị cao quy định những đặc thù riêng cho DATC giúp DATC thực hiện các nhiệm vụ cũng chức năng hoạt động được tốt hơn, thuận lợi hơn, ngang tầm với Tổng công ty quản lý tài sản của các tổ chưc tín dụng (VAMC).