Dấu ấn chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế
Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và để ứng phó với dịch bệnh COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, trong thời gian qua, ngành Thuế đã tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế.
Triển khai thành công hóa đơn điện tử giai đoạn 1
Báo cáo tổng kết của Tổng cục Thuế cho thấy, kết quả thu ngân sách năm 2021 do ngành Thuế quản lý vượt dự toán khoảng 20%, có 60/63 địa phương hoàn thành dự toán thu nội địa...
Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, sự phối hợp chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng sự nỗ lực của toàn ngành Thuế trong triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ và 25 nhóm giải pháp ngay từ đầu năm. Trong đó, ngành Thuế đã tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế.
Theo đó, với việc tiếp tục đẩy mạnh điện tử hóa trong quản lý thuế ở tất cả các khâu, tại 63/63 tỉnh, thành phố, tỷ lệ doanh nghiệp (DN) khai thuế điện tử đã đạt 99,93% số DN đang hoạt động; DN đăng ký nộp thuế điện tử với cơ quan thuế đạt 99,3%; hoàn thuế điện tử đạt 97,6% và tích hợp 182 dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Qua đó, người nộp thuế (NNT) có thể thực hiện nghĩa vụ thuế vào NSNN trên môi trường điện tử mà không phải đến giao dịch trực tiếp với cơ quan thuế. Điều này đặc biệt hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Đặc biệt, ngành Thuế đã triển khai thành công giai đoạn 1 hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo Luật Quản lý thuế. Việc triển khai HĐĐT được Lãnh đạo Chính phủ và Bộ Tài chính rất quan tâm và chỉ đạo sát sao: từ việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật về hóa đơn, chứng từ, đến việc xây dựng quy trình, ban hành chuẩn dữ liệu, chuẩn bị hệ thống công nghệ thông tin, tổ chức triển khai tập huấn ...
Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương để triển khai HĐĐT giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố (TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Bình Định) chiếm 60% DN và 70% lượng hóa đơn cả nước.
Ngày 21/11/2021, trực tiếp đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tham dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến, cùng với các đồng chí Chủ tịch UBND 6 tỉnh, thành phố bấm nút kích hoạt triển khai Hệ thống HĐĐT giai đoạn 1.
Sau đúng 1 tháng triển khai, đã có 263.182 người nộp thuế đăng ký sử dụng HĐĐT chiếm 71,2% tổng số NNT của 6 địa phương đáp ứng sử dụng HĐĐT, đạt mục tiêu trước 10 ngày so với kế hoạch đề ra. Tính đến hết ngày 31/12/2021, số NNT đăng ký sử dụng HĐĐT đã đạt trên 90% tổng số người nộp thuế đủ điều kiện áp dụng HĐĐT.
Thành công trong triển khai HĐĐT giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố, tạo đà để ngành Thuế triển khai giai đoạn 2 tại các địa phương còn lại, quyết tâm hoàn thành mục tiêu đến ngày 01/7/2022, 100% số DN trên cả nước áp dụng HĐĐT.
Việc triển khai thành công HĐĐT không những góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, DN, thay đổi phương thức quản lý của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng mà còn thúc đẩy mạnh chuyển đổi số trong các DN, các cơ quan quản lý nhà nước, và nền kinh tế.
Nhiệm vụ, giải pháp năm 2022
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo Tổng cục Thuế tổ chức triển khai kịp thời, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Theo đó, trên cơ sở Chiến lược được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành Thuế cần đẩy mạnh xây dựng kế hoạch để triển khai thành công chiến lược cải cách hệ thống Thuế, trọng tâm là thực hiện quản lý thuế trên nền tảng thuế điện tử và 3 trụ cột cơ bản, đó là: Hoàn chỉnh thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại và hội nhập; Nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; Công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp kinh tế số.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tập trung triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về thuế trên nền tảng tích hợp và dữ liệu lớn để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI, phân tích dữ liệu lớn phục vụ quản lý tuân thủ và quản lý rủi ro, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.
Tổng cục Thuế cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc liên thông triển khai đăng ký thuế cho hộ kinh doanh. Đồng thời, trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm thành công tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh và Cục Thuế tỉnh Bình Định, mở rộng triển khai ứng dụng quản lý hộ kinh doanh bằng bản đồ số, giúp công khai thông tin hộ kinh doanh để đối chiếu và giám sát chéo việc thực hiện nghĩa vụ thuế, tạo sự minh bạch trong công tác quản lý hộ kinh doanh trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, kết nối với Bộ Công an trong việc sử dụng mã số định danh công dân làm mã số thuế; Tiếp tục kết nối với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc quản lý nghĩa vụ tài chính về đất đai...
Ngành Thuế cũng sẽ tăng cường quản lý thuế đối với thương mại điện tử thông qua việc tập trung: tuyên truyền, hỗ trợ NNT; rà soát, thu thập thông tin về dữ liệu dòng tiền giao dịch… để hướng dẫn NNT khai, nộp thuế vào NSNN; tăng cường kiểm tra, chống thất thu ngân sách...
Công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử trong năm 2021 đã bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Theo đó, số thuế thu được năm 2021 từ các tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook và từ cá nhân Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (như sản xuất nội dung số, ứng dụng công nghệ thông tin ...) đạt trên 1.500 tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và đang triển khai, phối hợp trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại và kinh doanh trên nền tảng số.