Ngành Thuế đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2022
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động năm thứ 3 liên tiếp với diễn biến phức tạp, khó lường cùng những biến chủng mới lây lan mạnh hơn, ngành Thuế đã xác định việc thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2022, đặc biệt nhiệm vụ thu ngân sách sẽ hết sức khó khăn. Tổng cục Thuế đã đề ra các nhóm nhiệm vụ, nhóm giải pháp nhằm phấn đấu thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị trong năm 2022.
Thách thức thực hiện dự toán năm 2022
Dự toán tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) giao cho cơ quan thuế năm 2022 là 1.174.900 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô là 28.200 tỷ đồng, thu nội địa là 1.146.700 tỷ. Tổng thu thuế phí nội địa là 915.000 tỷ đồng.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, năm 2022, theo dự báo, sẽ có một số nguồn thu lớn không những không còn dư địa tăng thu mà còn bị giảm. Bên cạnh đó, trong năm 2022 tiếp tục thực hiện các chính sách miễn giảm thuế theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 cũng sẽ làm giảm nguồn thu.
Để hoàn thành được dự toán thu Quốc hội giao, phấn đấu thực hiện thành công nhiệm vụ, Tổng cục Thuế đã đề ra 8 nhiệm vụ triển khai thực hiện ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2022, cụ thể:
Một là, toàn Ngành tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế, góp phần giúp người nộp thuế duy trì, phục hồi sản xuất kinh doanh, đồng thời tăng cường quản lý thu ngân sách ngay từ đầu năm để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2022 đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao tại Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về dự toán NSNN năm 2022 của Quốc hội.
Hai là, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2022, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế; Tiếp tục đẩy mạnh, triển khai thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.
Ba là, tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030; đồng thời, rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế theo yêu cầu tại Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bốn là, thực hiện tốt chương trình xây dựng thể chế, chính sách pháp luật về quản lý thuế và chính sách thuế; Kịp thời triển khai áp dụng các văn bản, chính sách pháp luật vào cuộc sống, đảm bảo minh bạch, công bằng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý thuế. Đồng thời, xây dựng, nâng cấp kịp thời các phần mềm ứng dụng CNTT tương ứng, đảm bảo việc triển khai các quy định mới được thông suốt, hiệu quả, thúc đẩy việc chuyển đổi số trong ngành Thuế.
Năm là, chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin để đảm bảo triển khai thành công hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước.
Sáu là, tổ chức thành công kỳ thi công chức của ngành Thuế năm 2021 để kịp thời bổ sung nguồn công chức trẻ có chất lượng tốt cho ngành Thuế, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao của ngành.
Bảy là, tiếp tục kiện toàn, tinh gọn bộ máy cơ quan thuế các cấp, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, thông suốt, đáp ứng tốt nhất yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành Thuế.
Tám là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ và thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí.
Triển khai các nhóm giải pháp trọng tâm
Trong năm 2022, để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ công tác thuế, cơ quan thuế tập trung triển khai thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm.
Trong đó, với nhóm giải pháp về thực hiện công tác thu ngân sách, toàn ngành Thuế tiếp tục bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính và cấp uỷ, UBND các cấp để chủ động triển khai chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2022. Tập trung các giải pháp liên quan đến thuế như: mở rộng cơ sở thuế; tăng cường chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, chống chuyển giá nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội giao; Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ lạm phát.
Cơ quan thuế các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu thu. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu. Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, kiến nghị với UBND chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách.
Tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử. Tăng cường cán bộ công chức cho công tác hoàn thuế để đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế GTGT cho người nộp thuế có thêm nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn phải kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật.
Toàn ngành Thuế sẽ tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử. Tăng cường cán bộ công chức cho công tác hoàn thuế để đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế GTGT cho người nộp thuế có thêm nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cơ quan thuế sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng về hóa đơn điện tử, bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, an ninh, an toàn, đáp ứng và phục vụ tốt nhất việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Đối với công tác thanh, kiểm tra, cơ quan thuế sẽ tập trung thanh kiểm tra đối với các DN có tăng trưởng, ít bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, các DN có rủi ro cao về thuế. Tăng cường giao dịch điện tử trong thanh tra, kiểm tra thuế thông qua việc triển khai và đẩy mạnh trao đổi thông tin, dữ liệu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra qua Cổng TTĐT Tổng cục Thuế. Phối hợp với chính quyền, cơ quan Công an và các cơ quan ban ngành triển khai thực hiện quy chế phối hợp để đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam.
Về công tác quản lý nợ thuế, cơ quan thuế tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền phạm chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN trên toàn quốc, đảm bảo xử lý tối đa số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không còn khả năng NSNN.
Tổng cục Thuế sẽ thực hiện rà soát tính toán giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2022 cho từng Cục Thuế. Các Cục Thuế thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ đến từng đơn vị, cá nhân, hàng tháng, quý kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện, đảm bảo đến cuối năm hoàn thành chỉ tiêu thu nợ đặt ra. Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thu
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính trong xây dựng pháp luật, thực thi công vụ, chi tiêu nội ngành. Xử lý nghiêm những công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người nộp thuế, những cán bộ vi phạm kỷ luật, kỷ cương của Ngành hoặc vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với những tập thể, cá nhân xuất sắc, những gương điển hình tiên tiến; Thực hiện phát động phong trào thi đua sâu rộng trong toàn Ngành, quyết tâm hoàn thành vượt mức nhiệm vụ công tác thuế năm 2022...