Dấu ấn hạ tầng giao thông năm 2021

Theo Trọng Hiếu/nhadautu.vn

Năm 2021, nhiều công trình giao thông lớn đã hoàn thiện hoặc bước vào giai đoạn nước rút, mở ra kỳ vọng mới về sự phát triển năng động của đất nước.

Trải qua một năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của đất nước vẫn đạt được tiến độ khả quan. Bên cạnh những công trình đã hoàn thiện thì cũng có không ít công trình lớn đã thành hình, chuẩn bị về đích, mang đến diện mạo mới cho các vùng miền của đất nước. Dưới đây là 6 dự án giao thông đáng chú ý trong năm 2021.

1. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Đã thông tuyến hồi tháng 1/2021 và đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Tuyến cao tốc dài 51 km kết nối với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, Tiền Giang), đi qua 5 huyện của Tiền Giang và nối tiếp với cầu Mỹ Thuận 2 đang thi công. Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch giúp giảm tải cho quốc lộ 1A, kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP. Hồ Chí Minh.

 Dấu ấn hạ tầng giao thông năm 2021  - Ảnh 1

Dự án có tổng vốn ban đầu hơn 14.000 tỷ đồng theo hình thức BOT. Sau nhiều lần thay đổi chủ đầu tư và cơ quan quản lý, dự án được giao cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư điều chỉnh còn hơn 12.000 tỷ đồng.

2. Cầu Cửa Hội

Dài hơn 5,2 km bắc qua sông Lam, nối tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Phần cầu chính dài hơn 1,7 km, rộng 18,5 m, gồm 3 nhịp với 2 tháp dây văng hình búp sen. Cầu có nhịp Extradosed 153 m, dài nhất cả nước hiện nay.

 Dấu ấn hạ tầng giao thông năm 2021  - Ảnh 2

Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 950 tỷ đồng. Sau 2 năm thi công, cầu đã được thông xe vào ngày 14/3. Công trình hoàn thành góp phần liên kết, thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Nghệ An với Hà Tĩnh; kết nối cảng Cửa Lò, cảng biển Vissai, cảng DKC và các khu du lịch Cửa Lò (Nghệ An), Xuân Thành (Hà Tĩnh).

3. Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn (Nam Định - Ninh Bình)

Khởi công tháng 12/2019, đến nay đã hoàn thành hơn 95% và dự kiến thông xe kỹ thuật vào cuối năm nay với tổng chiều dài tuyến chính 15,2 km; đường gom 22 km; 7 cầu và 3 hầm chui dân sinh. Tổng mức đầu tư dự án 1.162 tỷ đồng, điểm đầu tuyến tại Cao Bồ (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) đến điểm cuối tại xã Mai Sơn (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình).

 Dấu ấn hạ tầng giao thông năm 2021  - Ảnh 3

Sau khi thông tuyến, các phương tiện giao thông sẽ đi từ quốc lộ 1A vào nút giao Mai Sơn (huyện Yên Mô, Ninh Bình), sau đó đi trên tuyến Mai Sơn - Cao Bồ. Đến cuối tuyến, xe sẽ vào cao tốc Cao Bồ - Cầu Giẽ (đi Hà Nội) hoặc rẽ vào đường quốc lộ 10 đi các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh.

4. Cầu Cửa Lục 1

Khởi công từ tháng 4/2020 với tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh Quảng Ninh, đưa vào sử dụng trong tháng 12/2021. Cầu có 5 cặp mái vòm ống thép nhồi bê tông. Mặt cầu rộng 33,1 m gồm 6 làn xe 2 chiều, tốc độ thiết kế 60 km/h.

 Dấu ấn hạ tầng giao thông năm 2021  - Ảnh 4

Đây là công trình cầu 6 làn xe đầu tiên ở Quảng Ninh, nối 2 khu vực phía Bắc và Nam của TP Hạ Long qua vịnh Cửa Lục. Cầu đáp ứng nhu cầu kết nối nhanh, phục vụ người dân các phường, xã trung tâm của huyện Hoành Bồ trước đây với trung tâm TP Hạ Long (huyện Hoành Bồ sáp nhập vào Hạ Long vào tháng 1/2020); đồng thời giúp kết nối các tuyến sản phẩm du lịch mới, như Lâm Viên rừng tại khu bảo tồn quốc gia Đồng Sơn - Kỳ Thượng với vịnh Hạ Long…

5. Cầu Móng Sến

Là hạng mục công trình cấp đặc biệt thuộc dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa, khởi công ngày 3/1, hợp long ngày 29/9 với tổng vốn đầu tư hơn 450 tỷ đồng. Công trình được xây dựng bằng bê tông cốt thép, dài 612 m với 5 nhịp liên tục, bề mặt rộng 14 m, 4 làn xe. Cầu có 5 trụ và 2 mố, trụ đầu cầu Móng Sến cao 83 m, là trụ cầu cạn cao nhất Việt Nam.

 Dấu ấn hạ tầng giao thông năm 2021  - Ảnh 5

Cầu nối từ khu vực chân dốc lên đỉnh dốc ba tầng - một trong những đoạn đường khó đi, quanh co, nguy hiểm nhất trong cung đường từ thành phố Lào Cai lên thị xã Sa Pa. Cầu Móng Sến sắp được hoàn thành sẽ giúp rút ngắn khoảng cách so với đường cũ khoảng 2,5 km.

6. Nút giao đường Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Có tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng, khánh thành hồi tháng 1/2021.Công trình dài gần 1,5 km, chiều rộng mặt đường 33-51 m, gồm 4 tầng xe chạy, một tầng đường bộ, một tầng cầu Vành đai 3 và tầng kết nối lên xuống từ Vành đai 3.

 Dấu ấn hạ tầng giao thông năm 2021  - Ảnh 6

Nút giao giúp rút ngắn hành trình của ô tô đi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đồng bộ mạng lưới giao thông khu vực, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của tuyến đường Vành đai 3, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường Cổ Linh, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội.