Dấu ấn về sự đồng hành Hải quan- Doanh nghiệp

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Quan hệ đối tác Hải quan - doanh nghiệp là xu hướng phát triển tất yếu của một cơ quan Hải quan hiện đại. Đây cũng là nội dung quan trọng trong hoạt động của cơ quan Hải quan các nước được Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) khuyến nghị chú trọng thực hiện. Đối với Hải quan Việt Nam, quan hệ đối tác chính là tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong suốt quá trình tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hay đồng hành trong từng thời điểm, giai đoạn doanh nghiệp gặp vướng mắc, khó khăn.

Dấu ấn về sự đồng hành Hải quan- Doanh nghiệp
Cán bộ ngành Hải quan giám định thiết bị doanh nghiệp. Nguồn: internet
Đồng hành giải quyết “sự cố tháng 5”

Những ngày tháng 5, khi triệu triệu con tim của đồng bào cả nước hướng về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thì một số phần tử quá khích đã lợi dụng tình hình phá hoại tài sản một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Hà Tĩnh. Sự việc này đã kịp thời được lực lượng chức năng ngăn chặn. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất. Trong đó có sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của Tổng cục Hải quan.

Có mặt ở Hải quan Hà Tĩnh sau “sự cố tháng 5”, phóng viên Báo Hải quan ghi nhận được hình ảnh những đêm không ngủ của cán bộ, công chức Hải quan ở đây để hỗ trợ cho Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, chủ đầu tư dự án Formosa với số vốn gần 10 tỉ USD tại khu kinh tế Vũng Áng - một trong những doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Vũng Áng (Cục Hải quan Hà Tĩnh) Nguyễn Bá Trung tâm sự: Khi vụ việc xảy ra ngày 14-5, đơn vị đã báo cáo lãnh đạo Cục, đồng thời trực tiếp liên hệ với Formosa để nắm tình hình. Ngày 19-5, có 4 tàu Trung Quốc vào cảng Vũng Áng chuyển lao động về nước, tôi đã trực tiếp về báo cáo lãnh đạo Cục tăng cường thêm 8 cán bộ, công chức cho Chi cục trực làm thủ tục 24/24h phục vụ việc đưa lao động của Trung Quốc có nhu cầu về nước. Trong vòng từ 11h đến 17h, đơn vị đã hoàn thành làm thủ tục cho 4 tàu với khoảng 3.500 công nhân Trung Quốc về nước. Ngoài ra, trong thời điểm sự việc xảy ra, có 11 tàu hàng của Formosa bị ách tắc, vì cảng Vũng Áng chỉ có 2 cầu cảng, mỗi lần chỉ tiếp nhận được 1-2 tàu. Với hàng hóa thiết bị trên tàu, thường nhanh nhất phải mất 3 ngày mới bốc xong 1 tàu, thậm chí có tàu phải bốc dỡ hàng tuần, nhưng với quyết tâm cao độ, làm việc luân phiên 24/24h của các lực lượng chức năng, chưa đầy một tháng, 11 tàu đã được giải phóng...

Tại Hải quan Bình Dương và Đồng Nai, lực lượng Hải quan cũng gần như không có ngày nghỉ. Từ cuối tháng 5, các chi cục thuộc Cục Hải quan Bình Dương đã bố trí CBCC đảm bảo làm việc kể cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật để phục vụ các DN làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa. Đảm bảo vị trí công tác, làm việc đúng giờ, không để tồn đọng công việc trong ngày; chủ động phối hợp với các Chi cục Hải quan cửa khẩu quyết tâm không để vì thủ tục hải quan mà DN không xuất khẩu được hàng hóa đúng thời hạn giao hàng và không có nguyên phụ liệu nhập khẩu để đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu văn bản pháp quy và các hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Hải quan có liên quan đến cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan để vận dụng tạo thuận lợi tốt nhất cho các doanh nghiệp bị thiệt hại trong thời gian qua. Trung tâm Dữ liệu và Công nghệ thông tin thường xuyên nắm tình hình và cử cán bộ tin học hỗ trợ các chi cục, phối hợp với các công ty cung cấp phần mềm để hỗ trợ kịp thời các DN khai báo thủ tục hải quan điện tử.

Tại Cục Hải quan Đồng Nai, ngay sau khi xảy ra sự cố, đơn vị đã có văn bản thông báo đến các doanh nghiệp trên địa bàn về việc triển khai các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu; thực hiện dịch văn bản hướng dẫn ra tiếng Hoa để hỗ trợ doanh nghiệp…

Tại Cục Hải quan TP.HCM, việc xúc tiến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiệt hại cũng đã được khẩn trương thực hiện, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng giải phóng các lô hàng đang phải để lại cảng do thời gian một số đối tượng quấy phá doanh nghiệp đã không thể đưa hàng về sản xuất.

Đồng hành triển khai VNACCS/VCIS

Ngày 1-4-2014, Tổng cục Hải quan chính thức triển khai Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS. Đây là Hệ thống mới, hiện đại, đòi hỏi doanh nghiệp phải được đào tạo, tập huấn một cách cẩn trọng. Tổng cục Hải quan đã tập trung nguồn lực tổ chức hàng trăm lớp tập huấn ở 34 Cục Hải quan địa phương trong cả nước và ở nhiều chi cục, thu hút hàng nghìn lượt DN XNK tham gia. Đặc biệt, quá trình chuyển đổi dữ liệu ở các đơn vị Hải quan địa phương lên Tổng cục, để không ảnh hưởng, gián đoạn hoạt động XNK của DN, công việc này được thực hiện vào ngày nghỉ cuối tuần, sau giờ làm việc hành chính. Đội ngũ CBCC làm trong lĩnh vực CNTT của cơ quan Hải quan thường xuyên làm việc “thâu đêm suốt sáng”, rong ruổi theo những cung đường từ các Cục Hải quan địa phương về trụ sở Tổng cục Hải quan ở Hà Nội trong những ngày nghỉ để kịp hoàn thành việc truyền dữ liệu và đưa hệ thống vận hành bình thường vào ngày thứ Hai đầu tuần… Đó là khoảng thời gian đầy vất vả, khó đong đếm, diễn tả bằng câu chữ.

Dù đã có sự chuẩn bị kĩ càng và khá chu đáo ở cả phía cơ quan Hải quan và cộng đồng DN, nhưng thực tế triển khai VNACCS/VCIS vẫn phát sinh không ít vướng mắc, nhất là ở khâu giám sát hải quan dẫn đến tình trạng ách tắc hàng hóa cục bộ ở một vài cửa khẩu như khu vực cảng Hải Phòng trong những ngày đầu triển khai. Lãnh đạo Tổng cục Hải quan ngay lập tức chỉ đạo bằng mọi cách phải đảm bảo việc thông quan hàng hóa của DN. Những ngày đầu tháng Tư, có mặt ở khu vực cửa khẩu cảng Hải Phòng, chúng tôi ghi nhận không ít ngày các đơn vị Hải quan luôn sáng đèn đến chín, mười giờ đêm để giúp DN sớm giải phóng hàng hóa.

Hiện nay, Hệ thống VNACCS/VCIS đã vận hành khá ổn định, những vướng mắc không còn nhiều và đang được Tổng cục Hải quan tiếp tục khẩn trương xử lí. Nhưng có lẽ trong tâm khảm của không ít DN và CBCC Hải quan không thể nào quên những thời khắc nhiều khó khăn khi bắt tay vào thực hiện thủ tục trên một Hệ thống hiện đại như VNACCS/VCIS, nhưng cũng là thời điểm chứng kiến sự đồng hành, gắn bó mật thiết giữa cơ quan Hải quan và DN trong chung tay tháo gỡ khó khăn. Và như tâm sự của đại diện một DN dệt may ở Hà Nội, trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính ngày 7-8-2014: Khi DN bắt đầu thực hiện VNACCS/VCIS từ giữa tháng 4, lúc đầu gặp nhiều khó khăn và bất kì thời điểm nào dù đêm hôm hay ngày nghỉ DN vẫn trực tiếp gọi điện thoại đến cơ quan Hải quan từ Tổng cục Hải quan xuống các Chi cục để đề nghị hỗ trợ và luôn được đáp ứng. Điều đó làm cho DN hài lòng, đồng thời hiểu, cảm thông, chia sẻ thêm với những khó khăn, vất vả của CBCC Hải quan khi triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS.