Đấu giá nợ, tài sản bảo đảm: Phương thức xây dựng thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp
Đấu giá nợ, tài sản bảo đảm là một trong những cách thức để chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản từ chủ thể này sang chủ thể khác, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế nói chung, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa nói riêng phát triển một cách đa dạng. Đẩy mạnh hoạt động này là phương thức xây dựng thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp tại Việt Nam...
Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam năng lực tài chính còn hạn chế và hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa trên nguồn vốn vay ngân hàng. Một số doanh nghiệp có năng lực tài chính ở mức khá vẫn sử dụng nguồn vốn ngân hàng như là đòn bẩy tài chính để phát triển kinh doanh. Từ đó có thể khẳng định, tín dụng ngân hàng trong giai đoạn hiện nay đã và đang là một kênh cung cấp vốn quan trọng cho nền kinh tế và cho doanh nghiệp.
Với vai trò là trung gian tài chính, hoạt động của các ngân hàng luôn đứng trước nguy cơ rủi ro mà chủ yếu là nguy cơ mất vốn; giải pháp cứu cánh hiện nay cho các ngân hàng là bắt buộc người vay phải có tài sản bảo đảm nếu muốn sử dụng vốn vay. Vì vậy, để hạn chế rủi ro, bên cạnh những giải pháp khác thì xử lý tài sản bảo đảm tiền vay là một biện pháp cần thiết để các ngân hàng thu hồi vốn hiệu quả.
Nền kinh tế Việt Nam hiện nay, nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại, trước thực trạng này định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm về xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng được Chính phủ đặc biệt quan tâm trong giai đoạn vừa qua.
Thông qua việc từng bước xây dựng, hoàn thiện và ban hành các văn bản liên quan đến hoạt động mua bán nợ tại Việt Nam như: Nghị định số 69/2016/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu là những dấu mốc quan trọng đối với hoạt động xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD trong thời gian qua.
Hiện nay, thị trường mua bán nợ Việt Nam có sự tham gia của gần 40 doanh nghiệp hoạt động. Mặc dù vậy, hoạt động mua bán nợ tại Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu ở thị trường sơ cấp, các khoản nợ xấu của TCTD được trực tiếp bán cho các tổ chức mua bán, xử lý nợ do Chính phủ thành lập (Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam - DATC, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng - VAMC), hoặc tổ chức mua bán nợ để thu hồi vốn. Trong khi đó, số giao dịch mua bán nợ giữa các nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp còn tương đối hạn chế. Nguyên nhân một phần là do chưa có sàn giao dịch nợ xấu chuyên nghiệp tại Việt Nam hiện nay để các TCTD, nhà đầu tư tiếp cận, trao đổi thông tin và thực hiện giao dịch các khoản nợ xấu.
Không chỉ áp dụng phương thức mua bán nợ thông qua thỏa thuận trực tiếp với các TCTD, DATC đã và đang từng bước hoàn thiện cơ chế để tham gia đấu giá nợ/tài sản bảo đảm của các TCTD để tiếp tục thể hiện vai trò tạo lập thị trường, đồng thời là trung gian kết nối giữa các nhà đầu tư tham gia xử lý nợ xấu, qua đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ Việt Nam chuyên nghiệp hơn
Để thúc đẩy công tác xử lý nợ xấu, các TCTD tại Việt Nam hiện nay đã và đang từng bước phát triển hoạt động bán nợ xấu/tài sản bảo đảm thông qua phương thức đấu giá, chào giá cạnh tranh ngoài phương thức mua bán nợ theo thỏa thuận trực tiếp thông thường trên thị trường hiện nay. Việc áp dụng phương thức đấu giá, chào giá cạnh tranh các khoản nợ xấu/tài sản bảo đảm không những giúp TCTD dễ dàng trao đổi thông tin, tiếp cận với các nhà đầu tư tiềm năng mà còn hạn chế những rủi ro gặp phải trong quá trình xử lý nợ xấu, từ đó hỗ trợ tạo lập thị trường mua bán nợ mang tính công khai, minh bạch và ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Khuôn khổ pháp lý hỗ trợ cho hoạt động đấu giá, chào giá cạnh tranh liên quan đến mua bán nợ của các TCTD tại Việt Nam hiện nay tương đối đầy đủ như: Luật Đấu giá tài sản 2016, Thông tư số 09/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động mua bán nợ của các TCTD, Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD… Theo thông tin chính thức được đăng tải trên website của các TCTD hiện nay, đã có hàng loạt TCTD công khai thông tin các khoản nợ xấu/tài sản bảo đảm cần bán thông qua đấu giá bao gồm cả các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân như: BIDV, Vietcombank, Techcombank, Sacombank…
Trải qua quá trình hơn 15 năm thành lập, DATC với những kinh nghiệm hoạt động của một định chế xử lý nợ do Chính phủ thành lập, hoạt động mua bán nợ theo cơ chế thị trường hàng đầu tại Việt Nam cũng đang từng bước thay đổi để phù hợp với tình hình thị trường xử lý nợ hiện nay.
Không chỉ áp dụng phương thức mua bán nợ thông qua thỏa thuận trực tiếp với các TCTD, DATC đã và đang từng bước hoàn thiện cơ chế để tham gia đấu giá nợ/tài sản bảo đảm của các TCTD để tiếp tục thể hiện vai trò tạo lập thị trường, đồng thời là trung gian kết nối giữa các nhà đầu tư tham gia xử lý nợ xấu, qua đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ Việt Nam chuyên nghiệp hơn, dần tiệm cận với các quốc gia có thị trường mua bán nợ phát triển trong khu vực như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan…