Tháo gỡ bế tắc cho hoạt động mua bán nợ

PV.

Sau hơn 14 năm xây dựng và phát triển, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) – tiền thân là Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp đã hoàn thành sứ mệnh. Trong bối cảnh hiện nay, trước yêu cầu thực tiễn và để phát huy vai trò, vị thế trên thị trường mua bán nợ cần có sự đổi mới cơ chế hoạt động cho DATC.

DATC đã mua và xử lý 4.915 tỷ đồng nợ phải trả tại các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước cho Vinalines
DATC đã mua và xử lý 4.915 tỷ đồng nợ phải trả tại các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước cho Vinalines

Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động, từ năm 2004 đến nay, DATC đã tích cực tham gia, xử lý khoảng 32.000 tỷ đồng nợ trong nước và quốc tế, thông qua việc phát hành trái phiếu, hối phiếu cơ cấu lại nợ. Đặc biệt, đối với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, DATC đã mua và xử lý 4.915 tỷ đồng nợ phải trả tại các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, DATC đã tiếp nhận và chuyển đổi sở hữu của gần 2.700 doanh nghiệp, với tổng giá trị các khoản nợ và tài sản đã tiếp nhận vào khoảng 4.425,9 tỷ đồng. Đồng thời, DATC đã tái cơ cấu cho 173 công ty, qua đó giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực về tài chính và từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động và ngân sách cho Nhà nước.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động của DATC đã bắt đầu xuất hiện nhiều tồn tại, bế tắc, cần phải gỡ. Các quy định của Luật, chính sách, văn bản liên tục được điều chỉnh, bổ sung khiến cho các hoạt động liên quan đến mua bán nợ và thoái vốn… bị lạc hậu so với thực tế. Trong khi, lĩnh vực mua bán nợ đặc thù, khối lượng cũng như trị giá của các doanh nghiệp nằm trong diện phải xử lý nợ, tái cơ cấu ngày càng tăng.

Điển hình như, đến nay chưa có cơ chế mang tính đột phá phù hợp với đặc thù hoạt động trong hoạt động mua bán nợ, văn bản pháp lý cao nhất là Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thành lập DATC và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính;

Mặt khác, sau khi mua lại nợ xấu thì quyền chủ nợ của DATC cũng tương tự như quyền của các chủ nợ trước đó, do vậy việc xử lý thu hồi nợ của DATC cũng gặp khó khăn như các chủ nợ cũ.

Hiện nay, nguồn lực tài chính của DATC vẫn còn hạn chế so với nhu cầu xử lý nợ (vốn điều lệ ban đầu 2.000 tỷ đồng và đã được nâng lên 6.000 tỷ đồng trong năm 2016), trong khi thời gian tới, DATC sẽ tập trung xử lý nợ, tái cơ cấu các DN có quy mô nợ lớn hơn, cùng với đó là nhu cầu xử lý nợ trên thị trường mua bán nợ Việt  Nam cũng rất lớn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước ngày 12/6/2017 tại kỳ họp Quốc hội khóa XII, nợ xấu phát sinh hằng năm vào khoảng 1,3-1,5% trên tổng dư nợ cho vay và với mục tiêu tăng trưởng dư nợ cho vay bình quân 16% năm dự kiến, nợ xấu phát sinh trong 5 năm (2017-2022) vào khoảng 350.000 tỷ đồng.

Như vậy, với mục tiêu duy trì nợ xấu dưới ngưỡng 3% thì tổng số nợ xấu phải xử lý trong 5 năm tới là khoảng 640.000 tỷ đồng, tức bình quân mỗi năm là 130.000 tỷ đồng.

Trước thực tiễn trên, sự thay đổi dần về phạm vi hỗ trợ của DATC cùng với nhu cầu xử lý nợ xấu ngày càng nhiều và cấp bách, đòi hỏi phải có những thay đổi theo hướng nâng cao năng lực pháp lý đủ mạnh dưới hình thức văn bản cao hơn là Nghị định để DATC có thể hoạt động hiệu quả và tránh rủi ro về mặt pháp lý.

Việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC nhằm hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý cho sự hình thành và phát triển của thị trường mua bán, xử lý nợ, tài sản.

Mặt khác, Nghị định cũng sẽ giúp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của DATC, góp phần giải quyết nợ xấu, nợ tồn đọng trong nền kinh tế, phục vụ cho định hướng của Chính phủ trong tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu hệ thống NHTM và DNNN, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.