Đấu tranh hòa bình, bằng pháp luật là thực tế


(Tài chính) Trong thế giới hiện đại, việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng nghĩa với nó là việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình bằng pháp luật là một thực tế. Đó là cách làm văn minh, thế giới chỉ thừa nhận điều đó thôi.

Hai tháng sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, phóng viên đã có trao đổi với ThS. Hoàng Việt, giảng viên Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, thành viên Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông để tìm hiểu thêm về vấn đề đang được mọi người dân Việt Nam quan tâm.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về dư luận quốc tế những ngày qua?

 Đấu tranh hòa bình, bằng pháp luật là thực tế - Ảnh 1
ThS. Hoàng Việt,
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
ThS. Hoàng Việt: Tôi nghĩ, mưu đồ của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đã hiện rõ. Việt Nam, mặc dù bị xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền nhưng đã hết sức kiềm chế, đấu tranh bằng biện pháp hoà bình trên thực địa, bằng chính trị, ngoại giao, bằng thông tin và tuyên truyền để yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, đưa giàn khoan và các phương tiện khác ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Trong khi đó, trên thực địa, Trung Quốc sử dụng các tàu lớn, trong đó có cả tàu quân sự để uy hiếp, tấn công các tàu kiểm ngư và tàu cảnh sát biển của Việt Nam. Trên nhiều diễn đàn quốc tế, họ lại vu cáo các tàu thực thi pháp luật Việt Nam đã đâm tàu của họ hàng nghìn lần nhưng không đưa ra được bằng chứng cụ thể.

Chính các phóng viên quốc tế, những người được chúng ta mời ra khu vực mà Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép để tìm hiểu, thông tin của họ đã chứng minh cho cả thế giới biết đâu mới là sự thực. Hiện với sự phản ứng gay gắt, sự lên án của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đang mở một cuộc chiến truyền thông theo cách của họ, để hòng che đậy những hành động ngang ngược này.

Với những sự thật mà cả thế giới đã nhìn thấy, Trung Quốc khó có thể làm thay đổi được nhận thức của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, truyền thông trong nước cần nhanh chóng hơn nữa, chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin kịp thời ra thế giới, để cho nhân dân thế giới, trong đó có cả nhân dân Trung Quốc hiểu rõ hơn nữa vấn đề.

Mới đây, Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử” tổ chức tại Đà Nẵng ngày 20/6 thu hút nhiều học giả từ nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Nga, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Philippines, Hàn Quốc... trong đó có nhiều học giả khảo cứu sâu về lịch sử, pháp lý đối với chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Theo các học giả, với hơn 100 thư tịch có ghi chép về quá trình khám phá, chiếm hữu xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo này được xuất bản bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Italy, Hà Lan cùng với hơn 140 bản đồ được các nhà địa lý, các nhà hàng hải, các nhà bản đồ học ở các nước phương Tây vẽ và xuất bản trong các thế kỷ XVI-XIX thì đây là những bằng chứng lịch sử, pháp lý rất mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo này.

Trong khi đó, cũng qua chính những thư tịch và bản đồ này thì lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến cực Nam đảo Hải Nam (nằm ở phía bắc vĩ tuyến 18 độ Bắc), hoàn toàn không bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam (nằm ở phía nam vĩ tuyến 17 độ Bắc) mà Trung Quốc mới đặt tên là Nam Sa từ năm 1931 và hiện đang đỏi hỏi chủ quyền một cách phi lý và phi pháp.

Tại hội thảo, hầu hết các học giả đều có chung nhận định, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là xâm phạm tới quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được quy định rõ trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn vi phạm Tuyên bố chung về quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN cùng ký kết năm 2002.

Cũng cần nói thêm rằng, gần đây, ngay chính những học giả có uy tín người Trung Quốc như Lý Lệnh Hoa, Lý Tiểu Tinh... cũng đã có những bài viết phản bác quan điểm của chính quyền Trung Quốc và nhận được nhiều quan tâm của người dân Trung Quốc.

Hiện Trung Quốc đã cho lưu hành công hàm tại Liên Hợp Quốc trong đó có viện dẫn Công thư mà dư luận gần đây vẫn gọi đó là Công hàm của nguyên Thủ Tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai năm 1958. Ông có thể phân tích giá trị pháp lý của văn kiện này?

Mới đây, trên Website của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã viện dẫn Công thư 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như một "bằng chứng" về việc Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, điều này đã được các nhà nghiên cứu pháp lý của Việt Nam và thế giới làm sáng tỏ, khẳng định không có việc Việt Nam tuyên bố từ bỏ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Chúng ta đã biết, sau hội nghị La Haye về Luật Biển năm 1930, các nước không thống nhất được vấn đề chiều rộng lãnh hải. Đến năm 1958, Hội nghị quốc tế về Luật Biển lần thứ nhất tại Geneve đã thông qua được 4 Công ước quốc tế về Luật Biển, đó là Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp, Công ước về thềm lục địa, Công ước về nghề cá và bảo tồn tài nguyên sinh vật và Công ước về hải phận quốc tế. Tuy nhiên, những nội dung quan trọng như chiều rộng lãnh hải, quyền đi qua eo biển quốc tế... lại chưa được giải quyết.

Khi đó, mỗi quốc gia đưa ra một yêu sách khác nhau, Mỹ với ưu thế về hàng hải yêu cầu lãnh hải chỉ 3 hải lý, một số nước Nam Mỹ đề xuất 200 hải lý, một số nước khác đề nghị 4,5 hải lý. Trong bối cảnh đó, tuyên bố của ông Chu Ân Lai về lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải lý và vận động quốc tế, trong đó có Việt Nam ủng hộ cho tuyên bố 12 hải lý đó.

Công thư của nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng là nhằm ủng hộ Trung Quốc về vấn đề lãnh hải thôi, tuy nhiên hiện Trung Quốc đang cố tình quên bối cảnh ra đời bức Công thư đấy.

Về nội dung của Công thư, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng dựa vào tuyên bố của ông Chu Ân Lai, tán thành quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc chứ không nói tới chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tôi khẳng định, Công thư mà nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi ông Chu Ân Lai chỉ có giá trị ủng hộ tuyên bố chiều rộng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Không có giá trị pháp lý về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Việc chính quyền Trung Quốc giải thích rằng Công thư này ngầm công nhận chủ quyền của họ đối với Hoàng Sa và Trường Sa là sai vì những gì có liên quan tới chủ quyền của quốc gia, theo thông lệ, tập quán quốc tế, nó phải được tuyên bố rõ ràng, công khai và minh bạch, chứ không thể được suy diễn.

Mặt khác, theo hệ thống pháp luật Việt Nam, Thủ tướng không phải là người có quyền quyết định những vấn đề có liên quan đến quyền chủ quyền và lãnh thổ, mà vẫn đề này thuộc về cơ quan quyền lực cao nhất, đó là Quốc hội Việt Nam. Và nếu Trung Quốc tự tin rằng chúng ta thừa nhận hoàn toàn chủ quyền của Trung Quốc, tại sao không cùng đưa vấn đề ra tại một toàn án quốc tế để giải quyết một cách minh bạch.

Ý ông muốn nói tới việc giải quyết vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông bằng công pháp quốc tế?

Trung Quốc luôn luôn từ chối quốc tế hóa các tranh chấp giữa họ với các nước về vấn đề Biển Đông và từ chối giải quyết những tranh chấp này bằng công pháp quốc tế, nhưng với Công hàm của Trung Quốc trước Liên Hợp Quốc vừa qua cho thấy bản thân Trung Quốc đã quốc tế hóa rồi.

Tại hội thảo ở Đà Nẵng vừa qua, GS. Jerome Cohen, Chủ tịch Viện Luật pháp Hoa Kỳ-Châu Á, ĐH Luật New York, cho biết, ông khó hiểu bởi một mặt thì Trung Quốc cứ nói tuân thủ biện pháp giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Điều 33 trong Hiến chương của Liên Hợp Quốc cho rằng các cuộc tranh chấp kéo dài có thể đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế, trước hết, phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng những tổ chức hoặc những hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác, nhưng khi Philippines mời Trung Quốc ra tòa thì Trung Quốc lại từ chối. Vậy không biết Trung Quốc tuân thủ cái gì?

Tôi cho rằng, cách giải quyết vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông là cần phải đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế, chỉ có luật pháp mới là cách giải quyết công bằng nhất.

Tuy sẽ gặp nhiều khó khăn, phức tạp do không có sự hợp tác từ phía Trung Quốc nhưng việc này rất quan trọng, nó thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, nó còn có tác động lớn đến sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam và đặc biệt là nó cho thấy tính chính nghĩa của Việt Nam.

Trên thế giới, các vụ việc tương tự được giải quyết như  thế nào thưa ông?

Trên thế giới, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển đảo cũng có nhiều, trong đó, nhiều cuộc tranh chấp được các quốc gia liên quan lựa chọn hình thức giải quyết hòa bình, đưa vấn đề ra tòa án quốc tế, chứ không dùng vũ lực.

Một ví dụ, hai nước Singapore và Malaysia có tranh chấp 3 hòn đảo, đảo Pedra Branca (cách gọi của Singapore, còn Malaysia thì gọi là Pulau Batu Puteh hay còn gọi là đảo Đá Trắng), đảo Middle Rocks và đảo South Ledge. Do không thể giải quyết tranh chấp qua trao đổi và đàm phán giữa hai Chính phủ nên hai bên đã nhất trí đưa tranh chấp ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).

Năm 2008, ICJ đã ra phán quyết, trong đó các thẩm phán bỏ phiếu đồng ý rằng chủ quyền đảo Pedra Branca thuộc về Singapore. Các thẩm phán cũng nhất trí trao chủ quyền đảo Middle Rocks cho Malaysia và đảo South Ledge nằm trong vùng lãnh hải chồng lấn nên nó sẽ thuộc về quốc gia có vùng lãnh hải bao trùm đảo này.

Điều đáng chú ý là sau khi ICJ đã ra phán quyết, cả hai bên đều hài lòng, vui vẻ chấp thuận và quan hệ giữa hai nước vẫn được tốt đẹp.

Trở lại vấn đề quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, mặc dù Trung Quốc đang là bên kiểm soát, nhưng Trung Quốc kiểm soát thông qua những hành động quân sự (năm 1974 tại Hoàng Sa và năm 1988 tại Trường Sa).

Trong Nghị quyết 2625 ngày 24/10/1970 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc quy định rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu từ một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự chiếm hữu lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.

Nghị quyết cũng quy định: “Các quốc gia có nghĩa vụ không đe dọa hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế  hiện có của một quốc gia khác hay như một biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả  những tranh chấp về đất đai và những vấn  đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”.

Nguyên tắc này ra đời trước khi các trận hải chiến chiếm đảo và bãi đá tại Hoàng Sa và Trường Sa diễn ra. Do đó, Trung Quốc bằng hành vi sử dụng vũ lực, không thể xác lập chủ quyền phi pháp của mình trên 2 quần đảo này theo luật pháp quốc tế.

Quan điểm của ông về cách giải quyết vấn đề chủ quyền trên Biển Đông?

Tại hội thảo tại Đà Nẵng, các học giả tham dự đều cho rằng, việc tiếp tục đưa thêm các giàn khoan mới ra Biển Đông là nhằm gia tăng áp lực lên quyết tâm của Việt Nam, đồng thời cho thấy rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc không có một cơ sở pháp lý nào cả và Trung Quốc chỉ còn cách dùng sức mạnh để áp đặt, để thế giới phải công nhận điều đó trên thực tế.

Học giả Daniel Schaeffer, một viên tướng đã nghỉ hưu, người Pháp, cho rằng cách xử lý của Việt Nam thời gian qua khá hợp lý. Tuy nhiên, nếu vấn đề kéo dài mà chỉ làm như thế thì rõ ràng là không đủ, Việt Nam cần phải có những đánh giá đầy đủ về ý đồ tiếp theo của Trung Quốc để có chiến lược lâu dài, trên nhiều mặt trận. Chiến lược này cũng nên công khai với cả cộng đồng quốc tế, nếu Việt Nam công khai tất cả mọi việc thì khi Trung Quốc muốn gây sức ép lên Việt Nam cũng sẽ rất khó khăn bởi sẽ bị dư luận quốc tế phản đối.

Tôi nghĩ, Trung Quốc đang sử dụng mọi thứ để có lợi cho họ, từ truyền thông, tâm lý, sử dụng biện pháp thô bạo trên thực địa và đến cả việc mua chuộc các học giả. Vì vậy cần phải thực hiện mọi giải pháp hòa bình để chống lại tham vọng của Trung Quốc.

Bên cạnh với đấu tranh ngoại giao, tranh thủ dư luận và trên thực địa một cách khôn khéo, tránh mắc bẫy của Trung Quốc, chúng ta cần triển khai đấu tranh bằng biện pháp pháp lý.

Trong thế giới hiện đại, việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng nghĩa với nó là việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình bằng pháp luật là một thực tế. Đó là cách làm văn minh, thế giới chỉ thừa nhận điều đó thôi, việc đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế thì lãnh đạo cao cấp của Chính phủ cũng đã nói tới, điều này hoàn toàn phù hợp và nên làm.

Xin cảm ơn ông!