Đầu tư bán lẻ: Nội - ngoại đều than khó
Mảng thị trường tiêu dùng trong năm qua đã phát triển khá mạnh mẽ.
Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielson, Việt Nam là một trong những quốc gia có thị trường bán lẻ đạt tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực. Song theo các nhà đầu tư (NĐT) trong lĩnh vực này, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức đối với sự phát triển của ngành bán lẻ. Hơn thế nữa, khó khăn đang hiện hữu đối với cả NĐT trong nước và nước ngoài, trái với nhận định lâu nay là DN bán lẻ trong nước đang bị lép vế.
Ông Jason Yek - chuyên gia phân tích rủi ro khu vực châu Á của Fitch Solutions nhận định, bán lẻ sẽ là thỏi nam châm mới và chiếm “miếng bánh” to dần trong tổng vốn FDI vào Việt Nam những năm tới. Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo, ngày càng nhiều NĐT nước ngoài tìm hiểu thị trường Việt Nam để đầu tư vào mảng bán lẻ dưới các mô hình trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chuỗi nhà hàng…
Ông Konaka Tetsuo - Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam cũng đánh giá, Việt Nam có lợi thế quy mô dân số lớn, nên cơ hội đầu tư vào ngành dịch vụ là rất lớn. “Chúng tôi hy vọng rằng đầu tư vào bán lẻ sẽ là xu hướng lớn cho đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, bởi số người giàu ở Việt Nam, nhất là tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh và họ đủ sức chi trả cho những hàng hóa có chất lượng tốt”, ông Tetsuo nhấn mạnh.
Mặc dù được đánh giá là vẫn còn dư địa lớn để phát triển, song các NĐT nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam cho rằng ngành này vẫn còn nhiều khó khăn và rất cần cơ quan quản lý có giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ. Bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Central Group cho biết, DN này vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận mặt bằng bán lẻ, do giá mặt bằng bán lẻ ở Việt Nam đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, trong khi hiệu suất kinh doanh trên mỗi m2 diện tích lại thấp hơn.
Khó khăn khác là nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán lẻ luôn khan hiếm. Chi phí tuyển dụng nhân sự đầu vào rất cao. Để có nguồn nhân lực của mình, DN này luôn phải xây dựng các chương trình đào tạo tại Việt Nam và đổi mới liên tục để phù hợp với thị trường. Đồng thời, tổ chức các chương trình trao đổi nhân sự giữa chi nhánh tại các quốc gia trong tập đoàn để chia sẻ và học hỏi thêm kinh nghiệm.
Đối với khó khăn của các DN bán lẻ trong nước, TS. Trần Anh Tuấn - Phó trưởng Ban Phong trào, Cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cho biết, DN bán lẻ Việt Nam khó tham gia vào chuỗi phân phối của các siêu thị nói chung và siêu thị nước ngoài nói riêng. Ngoài việc phải trải qua một quy trình phức tạp về thủ tục, các nhà cung cấp phải trả hàng loạt phí như trưng bày, mở mã, quầy kệ, marketing, thưởng doanh số… Tổng các loại chiết khấu từ 20-30% giá bán.
Bên cạnh đó, chính sách siết chặt việc mở điểm kinh doanh mới của nhà bán lẻ nước ngoài chủ yếu dựa vào quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế khu vực (ENT), song điều này chỉ có thể thực hiện đối với mô hình bán lẻ cần diện tích lớn như siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với mô hình các cửa hàng tiện lợi có diện tích nhỏ thì không được sử dụng các công cụ này.
Ông Tuấn cho rằng, các DN nước ngoài với lợi thế về nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý và hệ thống hoạt động đã được kiểm chứng qua nhiều thị trường khác nhau. Hiện nay họ chỉ thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng bán lẻ - kênh phân phối đưa sản phẩm đa dạng của họ đến với người tiêu dùng Việt Nam. Chính vì thế cách nhanh nhất để thâm nhập vào thị trường Việt Nam chính là các thương vụ mua bán và sáp nhập. Điều này cho thấy vấn đề mặt bằng luôn là điểm nghẽn khó tháo gỡ nhất đối với các NĐT trong lĩnh vực bán lẻ, bất kể là NĐT trong nước hay nước ngoài.
Một khó khăn khác được ông Tuấn lưu ý là trình độ, năng lực của cán bộ nhân viên cũng như lực lượng lao động trực tiếp trong hệ thống bán lẻ tại các cửa hàng, siêu thị, đặc biệt hệ thống bán buôn nhỏ tại các chợ truyền thống… còn hạn chế đã ảnh hưởng tới các NĐT khi quyết định rót vốn vào hệ thống bán lẻ.