Đầu tư bất động sản: Nhộn nhịp người vào, tấp nập kẻ ra
(Tài chính) Khó khăn thị trường bất động sản (BĐS) đến lúc này vẫn đè nặng với giới kinh doanh, tạo lập nhà đất trên địa bàn cả nước. Ở TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội, tình cảnh doanh nghiệp (DN) lũ lượt tháo lui, rút vốn đầu tư khỏi ngành địa ốc đã rõ nét kể từ cuối 2013 tới nay. Làn sóng bắt đầu từ những DN Nhà nước, sau lan dần sang các đơn vị tư nhân. So với số lượng “đại gia” cấp tập thoái vốn khỏi nhà - đất, trường hợp DN BĐS quyết tâm bám trụ, mở rộng đầu tư và sống khỏe bằng “nghề” chỉ lác đác.
Thị trường BĐS Việt Nam được ví như một bàn tiệc chiêu đãi tất cả những ai có giấy mời (đáp ứng về năng lực pháp lý lẫn chuyên môn) và không ít vị khách không mời (đầu tư ngoài ngành hoặc yếu kinh nghiệm, tài lực).
Món ngon - khoản lời lãi vượt xa trí tưởng tượng mà người tham gia chỉ cần đăng ký, xí chỗ (đầu tư dự án, xí suất đất và chờ thẩm duyệt) là được hưởng thụ. Một đồn mười, mười đồn trăm, sau thành công trong chớp mắt của nhiều DN (giai đoạn 2006 - 2010), nhà nhà, ngành ngành tìm tới địa ốc để khai thác “mỏ vàng” lộ thiên này.
Tiệc đã tàn?
Tuy nhiên, trong “canh bạc” đầu tư BĐS, may mắn chỉ mỉm cười với kẻ nhanh chân, thạo thời cuộc. “Trâu chậm uống nước đục”, thật đúng với các trường hợp phải nháo nhác rút chân khỏi địa ốc mới đây. Gần nhất, là Công ty CP Coma 18 lên tiếng thu hẹp đầu tư địa ốc bằng cách xin chuyển giao đầu tư, thu hồi vốn ở các dự án nhà ở thương mại thiếu khả thi, giãn tiến độ một số dự án KĐT.
Cụ thể, ở mảng nhà ở thương mại tại Hà Nội, dự án Westa (phường Mỗ Lao, Hà Đông) đã được DN này hoàn thiện cơ bản để bàn giao “trọn vẹn” cho khách hàng từ cuối tháng 6. Được biết, Westa khởi công vào tháng 7/2009 và cất nóc tầng 25 vào 31/12/2012.
Trước đó, trong năm 2013, báo hiệu cho cuộc rút lui chiến thuật, Coma 18 đã chuyển giao thành công VP6 Linh Đàm cho Xí nghiệp Xây dựng số 1 Lai Châu nhằm bảo đảm dòng tiền cho Westa, một thương vụ được xem là bị “hớ” cho Coma, sau khi dự án trở thành “mỏ tiền” của “đại gia” Lê Thanh Thản.
Một tên tuổi khác (của cả nền kinh tế), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đã cơ bản “rũ áo” khỏi các DN BĐS có tham gia góp vốn. Báo cáo hoạt động đầu tư xây dựng và sản xuất 6 tháng đầu 2014, EVN đã thoái vốn toàn bộ bằng đấu giá công khai tại Công ty CP BĐS Sài Gòn Vina (Land Saigon) và Công ty CP BĐS Điện lực miền Trung.
Tìm hiểu được biết, Land Saigon xuất hiện từ 5/2012 (tiền thân mang tên Công ty CP BĐS Điện lực Sài Gòn Vina từ năm 2007) gồm 4 cổ đông sáng lập là EVN, Công ty Điện lực Tp.HCM, Công ty Điện lực 2 và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thanh niên xung phong Tp.HCM.
Trước đó, đại gia ngành Cao su, Casumina, tuyên bố thoái vốn khỏi các dự án BĐS để tập trung vào… chuyên môn. Điển hình, tháng 5/2014, Công ty CP Cao su miền Nam chấp thuận rút vốn khỏi dự án số 9 Nguyễn Khoái (quận 4, Tp.HCM) và chuyển nhượng 40% tỷ lệ sở hữu (trị giá 40 tỷ đồng).
Thời điểm đầu năm 2014, Casumina cũng rục rịch chuyển nhượng dự án căn hộ 504 Nguyễn Tất Thành cho Tân Thuận Việt để nhận khoản đền bù 15 tỷ đồng kèm theo tiền thuê đất từ năm 2011. Đổi lại, DN này đã ghi dấu bằng việc cho ra đời nhà máy lốp xe tải toàn thép Casumina Radial vào cuối tháng 4/2014.
Trong một động thái tương tự, Tập đoàn Hòa Phát cũng tuyên bố “không còn tập trung” vào lĩnh vực BĐS về dài hạn, bất chấp khẳng định vẫn có lãi từ địa ốc (cụ thể với dự án Mandarin Garden và dự án tại Kim Đồng).
Và người ở lại
Trái với trạng thái “cài số lùi” diễn ra phổ biến trên thị trường địa ốc, đầu tư xây dựng BĐS chứng kiến một số trường hợp đang “hô mưa gọi gió” trong giới kinh doanh nhà đất.
Đầu tiên, phải kể tới sự mở rộng hoạt động đa ngành của Vingroup sau khi gặt hái được quá nhiều thành công thời gian qua. Tập đoàn này vừa tuyên bố tham gia góp vốn thành lập Công ty CP Vinfashion với 14 tỷ đồng (tương đương 70% sở hữu vốn điều lệ DN thời trang).
Điểm tô cho thành công của dự án Vinhomes Riverside (quận Long Biên) cũng như TimesCity, Vingroup cũng đầu tư cho hệ thống giáo dục Vinschool hay thương mại điện tử (sở hữu 70% vốn điều lệ của Công ty VinE-Com).
Ở cấp độ khác, Tập đoàn FLC cũng chứng minh cho phần còn lại thấy được bản lĩnh và khả năng thực sự của mình thông qua những sự kiện “giật gân” từ đầu năm.
Bỏ lại sau lưng dự án FLC Landmark (Lê Đức Thọ) từng là “cục máu đông” trong hoạt động kinh doanh giai đoạn 2012/2013, FLC của năm 2014 gây “sốc” bằng hàng loạt dự án được giao, triển khai: dự án sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC Samson Golf Links tại Thanh Hóa, sở hữu dự án 36 Phạm Hùng (sau khi mua lại 99% vốn tại Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý tòa nhà ION Complex và dự kiến khởi công trong quý III/2014).
Cuối tháng 6, FLC được UBND tỉnh Khánh Hòa giao tiếp cận, nghiên cứu, đầu tư dự án xây dựng Khu trung tâm hành chính mới của tỉnh (tổng mức đầu tư dự án là 7.000 tỷ đồng).
Không quá nổi tiếng trong giới tạo lập địa ốc, DIC Corp là một trong số ít những DN nhà nước trụ vững trong cơn bão ngành xây dựng - BĐS. Tổng công ty này ghi dấu ở địa bàn Hà Nội chỉ bằng dự án đầu tư xây dựng KĐT sinh thái Bình Yên.
Đáng nói, đơn vị này lại gặt hái thành công bằng cách “đánh bắt xa bờ”: tháng 3/2013, DIC Corp được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận cho phép đầu tư thực hiện dự án KĐT mới Nam Vĩnh Yên giai đoạn 1 (tổng vốn đầu tư hơn 3.788 tỷ đồng).
Cuối tháng 5/2014, DIC Corp phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu dựa theo hợp tác đầu tư giữa DIC và HDBank. Đây chính là dấu hiệu cho quyết tâm đi đến cùng của DN này trong kế hoạch đầu tư dự án xây dựng tại Vĩnh Phúc cũng như một vài tỉnh, thành khác như Bà Rịa - Vũng Tàu.