Đầu tư chứng khoán thời nay
“Thật khó mà cưỡng lại sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam!”. Đó là một tiêu đề được đăng tải trên kênh thông tin tài chính nổi tiếng thế giới Bloomberg. Dù đã tăng tới 48% trong năm 2017, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.
Sự hưng phấn của thị trường thời gian gần đây khiến nhiều người liên tưởng đến giai đoạn 2007, khi mà cứ mua cổ phiếu là có lãi. Tuy nhiên, lần này niềm vui lại không đến với tất cả nhà đầu tư.
Đã qua thời “cứ mua là thắng”
Thời kỳ 2006 - 2007, chứng khoán là câu chuyện len lỏi khắp mọi nơi trong cuộc sống, từ quán trà đá, ngoài chợ cho đến bữa cơm trong gia đình. Trong giai đoạn này, chỉ cần mở một tài khoản chứng khoán mua cổ phiếu là có lãi dù bất kể là cổ phiếu nào. Việc kiếm tiền quá dễ dàng trên thị trường khiến nhà nhà đổ xô đi đầu tư chứng khoán, kể cả những người không có chút kiến thức gì về lĩnh vực này.
Khi đó, nhiều cổ phiếu ở thị trường Việt Nam có chỉ số P/E ở mức đến hàng chục, hàng trăm lần khiến thị giá lên đến hàng trăm nghìn đồng một cổ phiếu là điều bình thường; đơn cử như SJS có giá lên đến 728.000 đồng/cp, SAM có giá lên đến 250.000 đồng/cp, FPT lúc đó còn có giá đến hơn 600.000 đồng/cp,...
Thị trường bắt đầu có dấu hiệu lao dốc từ những tháng cuối năm 2007. Cuối quý I/2008, mức tăng trưởng tín dụng Việt Nam đạt đỉnh điểm 63%, trong đó một phần không nhỏ được bơm vào bất động sản, chứng khoán. Đi kèm tăng trưởng tín dụng là lạm phát tăng cao khiến Chính phủ phải vào cuộc thông qua tăng lãi suất.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh lãi suất nhằm thắt chặt tiền tệ được cho là cú đánh mạnh vào thị trường chứng khoán, đặc biệt là hoạt động margin trong thời kỳ bùng nổ 2007 với đòn bẩy trên thị trường được nâng lên quá cao. Cùng với đó là tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2007 - 2008 mà bắt đầu từ khủng hoảng tín dụng nhà ở thứ cấp ở Mỹ. Điều này đã khiến cho giai đoạn 2007 - 2008 được ví von là thời kỳ "kẻ khóc người cười", ai kịp tháo chạy khỏi thị trường lúc đỉnh thì đổi đời, còn người vẫn cố chấp tin vào VN-Index sẽ sáng trở lại thì thậm chí mất cả gia sản.
Sau 11 năm thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực hơn. Chưa xét về mặt điểm số khi VN-Index vượt mốc đỉnh 1.170 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam đang xác lập kỷ lục mới về quy mô, số lượng doanh nghiệp niêm yết và tính thanh khoản. So với giai đoạn 2006 - 2007, mức vốn hóa thị trường đã thay đổi từ hơn 400.000 tỷ đồng lên hơn 3.360.000 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp niêm yết trên thị trường cũng thay đổi rất lớn, từ 85 mã chứng khoán niêm yết tăng lên 749 mã, bên cạnh đó là hơn 700 mã đăng ký giao dịch trên UPCoM. Thanh khoản tăng mạnh, có những phiên vượt mốc 10.000, 12.000 tỷ đồng giá trị giao dịch. Đồng thời, tính minh bạch của thị trường đã có sự cải thiện rất lớn, cùng sự tham gia của nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
Điểm khác biệt đáng chú ý là mức độ kiếm lời của nhà đầu tư. Không giống như giai đoạn 2006 - 2007, khi VN-Index lên thì cả thị trường lên và hầu như đầu tư vào bất kỳ cổ phiếu nào cũng có lãi. Ở giai đoạn hiện nay, chỉ số chứng khoán tăng chủ yếu nhờ các cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá, nên chỉ một bộ phận nhà đầu tư được hưởng lợi. Có nhiều phiên, VN-Index tăng điểm, nhưng số lượng mã cổ phiếu giảm chiếm tỷ trọng áp đảo.
Thành công nhất vẫn là các quỹ đầu tư và những nhà đầu tư theo trường phái đầu tư dài hạn, mua và nắm giữ cổ phiếu blue-chips. Điều này xuất phát từ hiện tượng các cổ phiếu lớn duy trì đà tăng trưởng mạnh, đặc biệt những cổ phiếu trụ. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ thường lựa chọn danh mục các cổ phiếu thị giá thấp nên tài khoản ít sinh lời, thậm chí thua lỗ.
Cơ hội
So với giai đoạn 2006 - 2007, động lực thúc đẩy thị trường tăng trưởng hiện nay mang tính nền tảng và bền vững hơn nhiều, đó là sự ổn định kinh tế vĩ mô, hoạt động thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa và đưa các doanh nghiệp lên sàn,…
Theo chuyên gia kinh tế Võ Chí Thành, có nhiều dấu hiệu tích cực hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua và sắp tới. Thứ nhất, kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định, tăng trưởng kinh tế được dự báo hơn 6,7% trong năm 2018 và lạm phát được kiềm chế dưới 4%. Thứ hai, thị trường được bổ sung nhiều hàng hóa có chất lượng từ việc thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới (khoảng 85 doanh nghiệp sẽ thoái vốn trong năm 2018). Thứ ba là các nỗ lực tiếp tục cải cách, sự ra đời các sản phẩm phái sinh, vấn đề minh bạch hóa, tăng cường quản trị công ty, đề án sát nhập 2 sàn HOSE và HNX, tiếp tục cải thiện để chuyển từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi và dòng tiền mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên có thái độ cẩn trọng vì nhiều lý do. Thị trường có thể bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như vấn đề bảo hộ thương mại, Mỹ tăng thuế thép, nhôm. Bản thân kinh tế trong nước cần quan tâm đến lạm phát, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và công cuộc cải cách của Việt Nam.
Việc lựa chọn cổ phiếu đầu tư cũng không phải dễ dàng. Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng Trung tâm Phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Dầu khí cho biết, để tìm được cổ phiếu đầu tư trong giai đoạn này không phải là dễ dàng. Khi thị trường lên thì có thể tìm các mã đầu tư tương đối dễ. Khi thị trường đang điều chỉnh, chưa rõ phương hướng, việc lựa chọn cổ phiếu phải khắt khe hơn.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc VN-Index lập đỉnh 1.170 của năm 2007 không thực sự có nhiều ý nghĩa, điều quan trọng là chiến thuật giao dịch và tìm cơ hội đầu tư như thế nào ở giai đoạn này để sinh lời.