Đầu tư nước ngoài: Tín hiệu tích cực từ đầu năm
(Tài chính) Trái ngược với không khí ảm đạm của tháng 1 năm ngoái, kết quả thu hút nguốn vốn FDI đã vươn lên mạnh mẽ trong tháng 1 năm nay. Đây cũng là diễn biến tích cực, đáng ghi nhận nhất về hoạt động kinh tế ở thời điểm nền kinh tế bước vào năm kế hoạch 2015, được dự báo sẽ có sự hồi phục tương đối rõ rệt sau vài năm liên tục đối diện nhiều thách thức, bất lợi…
Cụ thể, trong tháng 1/2015, cả nước đã thu hút được hơn 663 triệu USD, gồm cả vốn mới đăng ký và vốn tăng thêm của các dự án đã đi vào hoạt động. Kết quả này tăng đến 67% so với cùng kỳ năm ngoái và cho thấy thực trạng khả quan, rất đáng quý trong bối cảnh nền kinh tế đang cần bổ sung thêm nguồn lực cho phát triển. Đáng mừng là, riêng lượng vốn đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chế biến chiềm hơn 90% tổng vốn cấp mới và sẽ là nguồn lực quý giá để hỗ trợ quá trình thực hiện CNH của đất nước.
Bên cạnh đó, các dự án FDI cũng giải ngân được 505 triệu USD, tăng 8,6 % so với cùng kỳ năm 2014; điều này thể hiện sự quyết tâm làm ăn lâu dài ở Việt Nam của các nhà đầu tư. Môi trường đầu tư-kinh doanh thuận lợi và tình hình chính trị ổn định đang được cộng đồng giới đầu tư ngoại đánh giá cao. Như vậy, diễn biến mới nhất về hoạt động ĐTNN là “niềm vui kép” ngay trong tháng đầu tiên; cũng như có thể là một hứa hẹn sáng sủa cho cả năm 2015.
Kết quả trên có được trong bối cảnh niềm tin vào môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam của giới doanh nghiệp (DN) ngoại đang được củng cố và gia tăng. Trong đó, đại diện giới doanh nhân và Đại sứ quán Mỹ vừa khẳng định, các DN nước này mong muốn sẽ sớm trở thành nhà đầu tư số 1 ở Việt Nam, nhất là để đón lõng và tận dụng những điều kiện thụân lợi hơn ngay sau khi cả hai nước tham gia Hiệp định đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đang kỳ vọng vào việc tăng trưởng vốn ĐTNN sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ khi Chính phủ công bố dành cho khu kinh tế Vân Đồn và Phú Quốc những ưu đãi và cơ chế đặc biệt; trong đó chủ yếu về hấp dẫn vốn đầu tư một cách thông thoáng, dễ dàng hơn so với mức chung của cả nước. Dự báo, hàng loạt dự án hạ tầng quan trọng, phần lớn là có yêu cầu lớn về vốn và công nghệ sẽ được giới thiệu đến giới đầu tư ngoại, như: xây dựng cảng biển, hạ tầng sân bay-nhà ga hàng không, khu nghỉ dưỡng và du lịch kết hợp dịch vụ giải trí cao cấp, đường ven biển…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm nay các địa phương sẽ sớm khởi động chương trình xúc tiến, kêu gọi ĐTNN một cách có trọng tâm, đúng trọng điểm. Các địa phương sẽ kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực có nhiều tiềm năng, cũng như những thế mạnh và chính sách đối với nhà ĐTNN. Trong đó, nhấn mạnh các ưu đãi, hỗ trợ về hạ tầng và nhất là kết quả về cải cách hành chính, hỗ trợ DN về thủ tục thuế và hải quan. Ở tầm vĩ mô, Chính phủ cùng các bộ cũng chủ động lồng ghép hoạt động xúc tiến đầu tư với các công tác đối ngoại theo hướng đa dạng hóa khu vực và đối tác. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, cần tập trung giới thiệu danh mục dự án một cách đầy đủ, chi tiết; đặc biệt khuyến khích mời gọi những dự án có trình độ công nghệ cao, ưu tiên công nghệ mới để sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao cũng như có thể cạnh tranh về giá. Ngược lại, mỗi địa phương cũng cần thông suốt quan điểm “khó tính” hơn trong lựa chọn dự án trên tinh thần thẩm định kỹ và kiên quyết từ chối những dự án nào áp dụng công nghệ lạc hậu, tốn nhiều diện tích đất và có nguy cơ gây ảnh hưởng, ô nhiễm môi trường…
Dự báo, năm nay Việt Nam vẫn tiếp tục đón nhận các dự án từ các đối tác truyền thống như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Mỹ nhưng rất có thể sẽ xuất hiện một số nhà đầu tư đến từ EU do tác động tích cực từ việc Việt Nam và EU vừa kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do.