Đầu tư nước ngoài: “Hiệu ứng Sony” ngày càng nét

Theo VnEconomy

Đầu tư vào lĩnh vực nhập khẩu và phân phối đã trở nên nhộn nhịp trong năm 2010, cho thấy xu hướng không còn mặn mà với chuyện mở rộng sản xuất tại Việt Nam của nhiều doanh nghiệp FDI.

Bán lẻ lên ngôi

Hai năm trước, khi Sony Việt Nam tuyên bố ngừng sản xuất để chuyển sang nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, nhiều người đã thấy sốc khi nghĩ tới nguy cơ hàng loạt nhà máy sản xuất, lắp ráp các mặt hàng tiêu dùng sẽ đóng cửa trong thời gian tới.

Nhưng giờ đây, “hiệu ứng Sony” đã không còn gây ngạc nhiên. Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong năm 2010, đã có 525 dự án FDI đầu tư vào mua bán hàng hóa được trình hồ sơ xin cấp phép.

Trong số này, Bộ Công Thương xác định có khoảng 235 dự án đáp ứng được các quy định pháp luật có liên quan, trong đó có 175 dự án xin bổ sung mục tiêu phân phối hàng hóa và 60 dự án được cấp phép lần đầu.

Đáng chú ý là, trong số các dự án được chấp thuận về chủ trương cấp phép, có nhiều dự án của các công ty đã có mặt tại Việt Nam từ trước khi gia nhập WTO mở rộng hoạt động kinh doanh thành lập cơ sở bán lẻ mới.

Năm 2010 ghi nhận sự mở rộng của các doanh nghiệp chuyên về phân phối bán lẻ. Công ty TNHH Metro Cash&Carry lập 4 trung tâm thương mại bán buôn tại các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, An Giang, Vũng Tàu. Công ty TNHH Lotte Việt Nam mở trung tâm thương mại tại quận 11, Tp.HCM, trong khi Big C đã mở siêu thị bán lẻ tại Vĩnh Phúc.

Tuy nhiên, do các dự án này đơn thuần kinh doanh thương mại không gắn với xây dựng cơ sở vật chất nên vốn đầu tư thấp, trung bình khoảng 300.000 USD.

Nguồn vốn đầu tư FDI trong lĩnh vực mua bán hàng hoá rất đa dạng, trong đó nhiều nhất là từ các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore và một số quốc gia khác như Ý, Pháp, Đức... Trong khi đó, về địa điểm đầu tư, các dự án này tập trung nhiều nhất tại các địa phương như Hà Nội, Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và số lượng các dự án thuộc các khu công nghiệp các tỉnh phía Bắc (như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên...) đề nghị bổ sung mục tiêu hoạt động tăng khá nhanh.

Ngoài ra, nhiều dự án thuộc diện bổ sung mục tiêu hoạt động nhằm phục vụ tốt hơn hoặc mở rộng quy mô đã đầu tư nên thường có thể triển khai ngay sau khi được cấp phép.

Bộ Công Thương cũng ghi nhận xu hướng một số hãng nước ngoài chuyển trụ sở của họ tại các nước Đông Nam Á về Việt Nam. Điều này tạo cho Việt Nam vị thế mới, nhưng cũng đặt ra yêu cầu quản lý để chống gian lận thương mại và thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cơ hội nhìn lại chính sách

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài và hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài, là một người giàu thâm niên về quản lý đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Đánh giá về “hiệu ứng Sony”, ông nói rằng ông không ngạc nhiên vì tại thời điểm cấp phép họ đã xác định rằng sẽ chỉ xin hoạt động sản xuất trong 10 năm, cho dù sau đó có xin gia hạn thêm.

Vấn đề là ở chỗ trong khi Sony công bố một cách rõ ràng về lộ trình đầu tư, một loạt các doanh nghiệp khác, đặc biệt trong lĩnh vực ôtô lại không làm như vậy. Trong các phát biểu chính thức, họ vẫn cam kết ”đồng hành cùng nền công nghiệp ôtô Việt Nam” dù rằng trên thực tế, các doanh nghiệp này đều đã thành lập công ty con để nhập khẩu và phân phối.

Câu hỏi đặt ra là đến lúc nào thì các công ty ôtô sẽ dừng sản xuất và chỉ tập trung cho việc nhập khẩu và phân phối? Hay họ sẽ tăng dần tỷ trọng nhập khẩu khi việc đó đã và đang trở nên có lợi hơn?

Trả lời báo chí mới đây, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng nói hiện tượng này đơn giản là do cách tính toán của nhà đầu tư, làm thế nào có lợi hơn và luật pháp Việt Nam có cho phép hay không.

“Chúng ta đang đứng trước áp lực hội nhập sâu WTO, thuế suất các nước ASEAN cũng đang dần về 0% cho nên nhiều nhà đầu tư chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu, đó là một xu hướng”, ông Hoàng nói. “Chúng ta có nhiều ưu đãi thu hẹp, chẳng hạn như thuế thu nhập doanh nghiệp cho nên một số nhà đầu tư tính toán là đóng cửa.”

“Sứ mệnh lịch sử” của nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đối với các tập đoàn mẹ ở chính quốc đã và đang được hoàn tất. Đây chính là thời điểm để các nhà hoạch định chính sách nhìn lại quá trình thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là trong vấn đề ưu đãi đầu tư.

Nhiều năm qua, Việt Nam đã dành nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư và hy sinh lợi ích người tiêu dùng để kỳ vọng họ giúp xây dựng những “nền công nghiệp mũi nhọn”. Nghịch lý này có được coi là bài học đắt giá cho việc hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế nói chung, thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng trong bối cảnh mới?