Đầu tư phát triển thiết chế văn hóa, thể thao của Việt Nam

Dương Thị Tân, Đoàn Thị Thu Hương

Thiết chế văn hóa, thể thao là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa, thể thao của Nhân dân, góp phần quan trọng hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Bài viết tập trung phân tích thực trạng đầu tư phát triển thiết chế văn hóa, thể thao của Việt Nam trong những năm gần đây, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp thiết thực để tháo gỡ cơ chế và thu hút thêm đầu tư vào lĩnh vực này trong những năm tới.

Thiết chế văn hóa, thể thao là những công trình thuộc kết cấu hạ tầng xã hội, được thành lập, đầu tư tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, tạo môi trường lành mạnh đáp ứng nhu cầu và thu hút nhân dân. Hiện nay, thiết chế văn hóa, thể thao được tổ chức thành 02 hệ thống: Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trung ương (do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý); Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở (do Ngành văn hóa, thể thao và du lịch, Công đoàn và Đoàn thanh niên quản lý).

Thực trạng đầu tư cho thiết chế văn hóa, thể thao

Thiết chế văn hóa, thể thao trung ương

Trong giai đoạn 2011-2014 tổng số vốn đầu tư là 2.863,54 tỷ đồng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành đầu tư, đưa vào sử dụng 40 dự án với tổng giá trị là 2.622 tỷ đồng. Các dự án sau khi hoàn thành đã được các đơn vị thụ hưởng đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả. Tiếp theo, giai đoạn 2016-2020, tổng số vốn đầu tư cho ngành văn hóa, thể thao là 897,737 tỷ đồng trong đó ngành văn hóa là 570,878 tỷ đồng và ngành thể thao là 326,859 tỷ đồng. Một số dự án về thiết chế văn hóa, thể thao được khởi công và hoàn thành trong giai đoạn này như: Khu lưu trữ tư liệu hình ảnh động Quốc gia - Viện Phim Việt Nam; xây dựng nhà tập và kho-Nhà hát Tuổi trẻ; Nhà hát ca múa dân gian Việt Bắc tại Thái Nguyên; sửa chữa, cải tạo nền Sân điền kinh sân vận động Trung tâm - Khu Liên hợp Thể thao quốc gia. Giai đoạn từ 2021-2023, tổng số vốn thực hiện là 670,306 tỷ đồng, trong đó ngành văn hóa là 167,053 tỷ đồng, ngành thể dục thể thao là 503,253 tỷ đồng. Một số dự án khởi công mới và dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 là: Nhà hát tuổi trẻ cơ sở 1; nâng cấp sửa chữa thay thế cơ sở vật chất thiết bị và các hạng mục công trình tại sân vận động – Khu liên hợp thể thao quốc gia.

Thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015 (tổng kinh phí 489,2 tỷ đồng, trong đó 70 tỷ đồng vốn Đầu tư phát triển và 419,2 tỷ đồng vốn Ngân sách sự nghiệp) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, UBND cấp tỉnh hướng dẫn công tác quy hoạch, đồng thời chỉ đạo ngành văn hóa ở các địa phương tham mưu UBND cấp tỉnh xây dựng và phê duyệt các quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể cơ sở để thực hiện hỗ trợ xây dựng Trung tâm Văn hóa, Thể thao cấp huyện, xã, thôn; Hỗ trợ trang thiết bị cho Trung tâm Văn hóa, Thể thao cấp huyện, xã, thôn. Cấp sách cho thư viện cấp huyện; mua thiết bị cho 362 đội thông tin lưu động huyện; Hỗ trợ kinh phí để mua sách cho 400 thư viện huyện; Hỗ trợ kinh phí mua ấn phẩm văn hóa cho 2672 xã là các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã vùng dân tộc trọng điểm, xã thuộc 62 huyện nghèo, 184 trường dân tộc nội trú. Hỗ trợ Trang thiết bị cho 120 đồn Biên phòng. Hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị tổ chức các hoạt động, mua sắm trang thiết bị cho các Tổ, đội Tuyên truyền văn hóa. Tiếp theo giai đoạn 2016-2020, đã hỗ trợ 75,24 tỷ đồng thực hiện Dự án Tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa.

Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho 90 Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã và 163 Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn, với tổng kinh phí 9,7 tỷ đồng; tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho người quản lý, tổ chức hoạt động tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã và Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn trong các năm từ 2016-2022, với kinh phí 3,3 tỷ đồng; Hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho 31 Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số” của 06 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc 1,5 tỷ đồng.

Về cơ sở vật chất – kỹ thuật

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đang từng bước được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, nội dung thiết thực đáp ứng nhu cầu của đông đảo tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần của nhân dân.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ cộng đồng thuộc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý (thiết chế văn hóa, thể thao các cấp): Tính đến hết tháng 3/2024, cả nước có 66 thiết chế văn hoá cấp tỉnh (Trung tâm văn hoá, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh...); 689/705 quận, huyện có Trung, tâm Văn hoá - Thể thao hoặc Nhà Văn hoá, đạt tỷ lệ khoảng 97,7%; 8.207/10.598 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hoá - Thể thao, đạt tỷ lệ 77,4% trong đó có 5.625 đạt chuẩn (tỷ lệ 53%); 69.070/90.508 làng, thôn, bản, ấp… có Nhà Văn hoá, đạt tỷ lệ khoảng 76,3%, trong đó, có 44.836 đạt chuẩn (tỷ lệ 49,5%). Có gần 600 công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu thể thao cấp quốc gia và quốc tế; 371 sân vận động có khán đài; 222 nhà thi đấu có khán đài đủ tiêu chuẩn cấp quốc gia; 69 bể bơi có khán đài đủ tiêu chuẩn thi đấu cấp quốc gia, 11.923 cụm sân thể thao khác, như trường bắn, sân quần vợt, công trình tổ chức thi đấu theo từng môn thể thao. Về các công trình thể dục thể thao cấp tỉnh, huyện quản lý, như sân tập luyện gồm có: 627 sân điền kinh; 10.101 nhà tập; 4.110 sân bóng đá 11 người; 3.270 sân vận động không có khán đài, 2.850 sân bóng rổ, 29.012 sân cầu lông và đá cầu, 4.843 sân quần vợt.

- Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (thiết chế văn hóa, thể thao Đoàn Thanh niên): Cả nước có 56 đơn vị Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi cấp tỉnh và 106 Nhà Thiếu nhi cấp huyện. Các thiết chế văn hóa, thể thao do Đoàn Thanh niên quản lý tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát huy hiệu quả trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng cho thanh thiếu nhi.

- Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ công nhân, viên chức và người lao động (thiết chế văn hóa, thể thao Công đoàn): Hiện nay, hệ thống công đoàn có 50 thiết chế văn hóa, thể thao (không tính Trung tâm văn hóa lao động tỉnh Hòa Bình đã sáp nhập, chuyển đổi mục đích sử dụng).

Thực trạng chính sách, pháp luật về đầu tư cho thiết chế văn hóa, thể thao

Giai đoạn 2016 – 2020

Căn cứ Luật Đầu công số 49/2014/QH13, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015 quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, các công trình, dự án văn hóa, thể dục thể thao, bao gồm cả thiết chế văn hóa, thể thao thuộc đối tượng sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020.

Theo đó việc đầu tư xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa, thể thao được thực hiện từ nhiều nguồn vốn khác nhau, cụ thể: Vốn ngân sách nhà nước (bao gồm NSTW và NSĐP) do Trung ương và chính quyền địa phương thực hiện; (ii) Vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong CTMTQG xây dựng nông thôn mới, được phân bổ theo quy định tại Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020. Đối với vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016, cũng quy định các nội dung hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao.

Giai đoạn 2021 đến nay

Thực hiện Luật Đầu công số 39/2019/QH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 973/NQ-UBTVQH14 ngày 8/7/2020 quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết 973/UBTVQH14). Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/NQ-UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Giai đoạn này, các dự án, công trình văn hóa, thể dục thể thao, bao gồm cả thiết chế văn hóa, thể thao thuộc đối tượng sử dụng vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025. Đầu tư xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa, thể thao được thực hiện từ các nguồn vốn cụ thể: (i) Vốn Ngân sách trung ương; (ii) Vốn đầu tư phát triển thuộc các CTMTQG giai đoạn 2021-2025. Cụ thể như sau:

+ Vốn Ngân sách trung ương, thực hiện theo cơ chế hỗ trợ đầu tư đối với các dự án tại địa phương bằng nguồn NSTW. Theo đó, các nguyên tắc thực hiện bao gồm: (1) đối với các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương được thực hiện theo Điều 5 của Nghị quyết số 973/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 ngày 8 tháng 7 năm 2020 quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025; (2) đối với các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương được thực hiện theo điểm b, khoản 1 Điều 8 và điểm a khoản 2 Điều 8 của Nghị quyết số 973/NQ-UBTVQH14. Hơn nữa, trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, NSTW bố trí hỗ trợ thực hiện các dự án có tổng mức đầu tư từ 45 tỷ đồng trở lên sẽ được thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều 49 và Khoản 5 Điều 55 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14. Việc lựa chọn danh mục dự án và mức vốn bố trí cụ thể cho từng dự án thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;

+ Các CTMTQG giai đoạn 2021-2025, những nội dung quy định NSTW hỗ trợ đầu tư các công trình thiết chế văn hóa, thể thao tại địa phương cũng được quy định cụ thể. Trong CTMTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì, hướng dẫn thực hiện 02 dự án là: (i) “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao cấp xã, thôn, các trung tâm văn hóa – thể thao huyện; tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn”; và (ii) “Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn”.

+ Trong CTMTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 10/10/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì, hướng dẫn thực hiện dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cả các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, trong đó có nội dung hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Một số khó khăn, bất cập

Phân tích thực trạng đầu tư phát triển thiết chế văn hóa, thể thao của Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy một số khó khăn, bất cập gồm:

Thứ nhất, nội hàm “thiết chế văn hóa, thể thao” chưa được quy định thống nhất, chưa xác định đầy đủ các loại công trình văn hóa, thể thao cung cấp dịch vụ và hoạt động văn hóa, thể thao tại cơ sở; chưa thực hiện đủ hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương, đoàn thể và địa phương thực hiện các nhiệm vụ thuộc quy hoạch; chưa quan tâm đúng mức đến công tác đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở tại địa phương.

Thứ hai, nhiều cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ lĩnh vực này. So với các lĩnh vực khác, đầu tư cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đầu tư cho phát triển con người nói chung và cho xây dựng thiết chế văn hóa thể thao nói riêng còn chưa tương xứng, còn dàn trải và hiệu quả thấp, đặc biệt tại các địa phương (ví dụ như trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, các địa phương chỉ bố trí được hơn 40% số vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực văn hóa).

Thứ ba, việc huy động các nguồn lực khác (ngoài ngân sách nhà nước) cho việc phát triển các thiết chế văn hóa còn hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn lực từ đầu tư công còn hạn chế.

Giải pháp khắc phục

Trên cơ sở phân tích thực trạng nêu trên, bài viết đề xuất những giải pháp thiết thực để tháo gỡ cơ chế và thu hút thêm đầu tư vào các thiết chế văn hóa, thể thao trong những năm tới như sau:

Giải pháp chung

- Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương về vai trò đầu tư cho văn hóa, thể thao cơ sở đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung cả nước. Kiên trì quan điểm coi đầu tư cho văn hóa, thể thao là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước. Tăng dần mức chi ngân sách nhà nước cho văn hóa song song với việc tạo dựng cơ chế, chính sách thuận lợi thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho lĩnh vực văn hóa và thể thao. Đầu tư toàn diện xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành văn hóa, thể thao, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nâng cao chất lượng, tầm vóc và thể chất của người dân Việt Nam.

- Đổi mới phương thức đầu tư cho văn hóa, thể thao. Thực hiện bình đẳng trong đầu tư của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế tham gia hoạt động văn hóa, thể thao trên cơ sở năng lực và hiệu quả xã hội của mỗi tổ chức. Tạo môi trường pháp lý để các doanh nghiệp kinh tế bảo trợ, tài trợ cho các hoạt động văn hóa, thể thao.

- Sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch các nguồn vốn đầu tư của nhà nước cho văn hóa và thể thao.

Giải pháp cụ thể

- Thống nhất nội hàm của khái niệm “thiết chế văn hóa, thể thao” để phản ánh đúng bản chất, tính chất, nội dung các công trình văn hóa, thể thao tại cơ sở. Với cách hiểu “thiết chế văn hóa, thể thao” như tại các quy hoạch này thì nhiều công trình văn hóa, công trình thể thao không thuộc đối tượng báo cáo như: thư viện, bảo tàng, sân vận động, bể bơi, trung tâm thể dục thể thao tỉnh, khu liên hợp thể thao cấp tỉnh.

- Tập trung hoàn thành việc lập và phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia (các quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tại Quyết định số 1014/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2021), để thống nhất định hướng đầu tư phát triển đồng bộ và toàn diện các công trình văn hóa, thể thao (trong đó có thiết chế văn hóa, thể thao).

- UBND cấp tỉnh khi triển khai thực hiện quy hoạch dành sự quan tâm nhiều hơn đến phát triển văn hóa và thể thao, chủ động giao đơn vị chuyên môn lập các dự án đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, bảo đảm phù hợp mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từng tỉnh, phù hợp quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đáp ứng quy định của pháp luật đầu tư công, pháp luật đầu tư và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

- Các địa phương căn cứ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ lập kế hoạch tuyển chọn và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thiện các tiêu chuẩn, chức danh cho đội ngũ cán bộ văn hoá, thể thao.

- Nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ quản lý, vận hành hệ thống thiết chế văn hóa đạt chuẩn từ Trung ương đến cơ sở và tổ chức hoạt động thiết thực, sát với nhu cầu của người dân nhằm phát huy hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng của hệ thống thiết chế văn hóa, mục tiêu để người dân coi thiết chế văn hóa là địa chỉ thân thuộc và gắn bó.

- Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, hỗ trợ trang thiết bị và nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao.

Tài liệu tham khảo

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Hà Nội, tr.146-147;
  2. Báo cáo của Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch về việc thực hiện thiết chế văn hóa năm 2022;
  3. Thông tin về kết quả giám sát thực hiện thiết chế văn hóa của Ủy ban Văn hóa- Giáo dục của quốc Hội năm 2022, 2023;
  4. Trần Minh Chính (2023), Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở: Thực trạng và giải pháp phát triển, Tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật số 524, tháng 02/2023.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2024