Hoàn thiện chính sách quản lý tài sản công tại các thiết chế văn hóa, thể thao

ThS. Trần Nguyễn Thiện - Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính)

Theo cách hiểu chung nhất, thiết chế văn hóa, thể thao là một tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao do Nhà nước hoặc cộng đồng xã hội lập ra trong khuôn khổ pháp luật hoặc quy chế của ngành, đoàn thể nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, thể thao của người dân. Tổ chức này cần hội đủ các yếu tố: cơ sở vật chất - trang thiết bị - kinh phí; bộ máy tổ chức - nhân sự và quy chế - nội dung hoạt động. Tài sản công tại các thiết chế văn hóa, thể thao (cơ sở vật chất) là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của các thiết chế văn hóa, thể thao. Do vậy, việc hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng tài sản công sẽ tác động đến hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao.

Thực trạng chính sách quản lý, sử dụng tài sản công tại các thiết chế văn hóa, thể thao

Thiết chế văn hóa, thể thao có các mô hình tổ chức bộ máy khác nhau, có thiết chế được tổ chức dưới hình thức là cơ quan nhà nước, có thiết chế được tổ chức dưới hình thức đơn vị sự nghiệp, có thiết chế được tổ chức dưới hình thức tổ chức chính trị - xã hội, có thiết chế do cộng đồng dân cư quản lý.

Do vậy, việc quản lý, sử dụng các tài sản công tại các thiết chế văn hóa, thể thao vừa mang đặc điểm của tài sản công phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức đoàn thể.

Đồng thời, các thiết chế văn hóa, thể thao có đối tượng phục vụ mang tính chất công cộng (cộng đồng dân cư) nên tài sản công tại các thiết chế văn hóa, thể thao cũng mang tính chất của tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia. Theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thì việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các thiết chế văn hóa, thể thao được áp dụng theo chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc chế độ quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia.

Chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị

Một là, về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công có các quyền sau đây: (i) Sử dụng tài sản công phục vụ hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao; (ii) Thực hiện các biện pháp bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài sản công được giao theo chế độ quy định; (iii) Được Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp; (iv) Khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật; (v) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công có các nghĩa vụ sau đây: (i) Bảo vệ, sử dụng tài sản công đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm; (ii) Lập, quản lý hồ sơ tài sản công, kế toán, kiểm kê, đánh giá lại tài sản công theo quy định của pháp luật; (iii) Báo cáo và công khai tài sản công theo quy định của pháp luật; (iv) Thực hiện nghĩa vụ tài chính trong sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật; (v) Giao lại tài sản công cho Nhà nước khi có quyết định thu hồi của cơ quan, người có thẩm quyền; (vi) Chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; giám sát của cộng đồng, cán bộ, công chức, viên chức và Ban Thanh tra nhân dân trong quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật; (vii) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Hai là, về việc hình thành tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nguồn hình thành tài sản công tại cơ quan nhà nước gồm: Tài sản bằng hiện vật do Nhà nước giao; tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập còn có các tài sản được hình thành từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ khấu hao tài sản, nguồn vốn vay, vốn huy động, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Việc hình thành tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công được cơ quan, người có thẩm quyền ban hành; phù hợp với nguồn tài sản và nguồn kinh phí được phép sử dụng; tuân thủ phương thức, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; công khai, minh bạch và đúng chế độ quy định.

Ba là, về việc sử dụng, khai thác tài sản công.

Theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, việc sử dụng, khai thác tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị có sự phân biệt giữa các loại hình:

Đối với cơ quan nhà nước thì được sử dụng tài sản công phục vụ hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao; được sử dụng hội trường chưa sử dụng hết công suất cho cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng chung theo đúng công năng của tài sản, bảo đảm an toàn, an ninh và được thu một khoản kinh phí để bù đắp chi phí trực tiếp liên quan đến vận hành tài sản trong thời gian sử dụng theo quy định; không được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thì được sử dụng tài sản công phục vụ hoạt động kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đối với tổ chức chính trị - xã hội thì thực hiện theo quy định áp dụng đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức chính trị - xã hội thực hiện theo quy định áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội được sử dụng tài sản công phục vụ hoạt động, vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong trường hợp chưa sử dụng hết công suất.

Bốn là, về việc xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được xử lý theo các hình thức gồm: Thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy, xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại, xử lý tài sản công trong trường hợp chuyển đổi mô hình hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Chế độ quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng

Một là, đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng.

Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý phải được giao cho đối tượng quản lý. Đối tượng quản lý bao gồm: Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật có liên quan. Trong đó, trường hợp giao tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý cho doanh nghiệp theo hình thức đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp có quy định riêng của pháp luật để điều chỉnh.

Hai là, về quyền và nghĩa vụ của đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng.

Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng có các quyền sau đây: (i) Quyết định biện pháp bảo vệ, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng được giao quản lý theo quy định của pháp luật; (ii) Được Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp; (iii) Khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật; (iv) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng có các nghĩa vụ sau đây: (i) Lập, quản lý hồ sơ; hạch toán tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của pháp luật; (ii) Thực hiện chế độ báo cáo và công khai về tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của pháp luật; (iii) Thực hiện biện pháp duy trì, phát triển, bảo vệ tài sản kết cấu hạ tầng theo chế độ quy định; (iv) Thực hiện nghĩa vụ tài chính trong khai thác tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của pháp luật; (v) Bàn giao lại tài sản kết cấu hạ tầng khi Nhà nước có quyết định thu hồi; (vi) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Ba là, về việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng.

Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng được thực hiện theo các phương thức gồm: (i) Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng trực tiếp tổ chức khai thác tài sản; (ii) Chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản; (iii) Cho thuê quyền khai thác tài sản; (iv) Chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản; (v) Phương thức khác theo quy định của pháp luật.

Bốn là, về việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng.

Tài sản kết cấu hạ tầng đã được giao nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc khai thác không hiệu quả; có sự thay đổi về quy hoạch, phân cấp quản lý; tài sản bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không có hiệu quả... thì được xử lý theo một trong các hình thức: Thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, xử lý trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại và hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Mặc dù việc áp dụng các chế độ quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công tại các thiết chế văn hóa, thể theo khác nhau thì có các quy định khác nhau, song đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản là: (i) Mọi tài sản công đều phải được Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng và các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật; (ii) Tài sản công do Nhà nước đầu tư phải được quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị, những tài sản có nguy cơ chịu rủi ro cao do thiên tai, hoả hoạn và nguyên nhân bất khả kháng khác được quản lý rủi ro về tài chính thông qua bảo hiểm hoặc công cụ khác theo quy định của pháp luật…

Đánh giá thực trạng chính sách quản lý tài sản công tại các thiết chế văn hóa, thể thao

Bảng 1: Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp (Số liệu tính đến hết tháng 3/2023)

Cấp tỉnh

Cấp huyện

Cấp xã

Làng, thôn, bản, ấp

Tổng số thiết chế văn hóa, thể thao

Tổng số đơn vị

Đơn vị có Trung tâm (nhà) văn hóa, thể thao

Tỷ lệ (%)

Tổng số đơn vị

Đơn vị có Trung tâm (nhà) văn hóa, thể thao

Tỷ lệ (%)

Tổng số đơn vị

Đơn vị có nhà văn hóa-khu thể thao

Tỷ lệ (%)

66

705

689

97,7%

10.598

8.207

77,4%

90.508

69.070

76,3%

Nguồn: Số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia
về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 lập tháng 3/2024

Bảng 2: Số lượng công trình thể thao (Số liệu tính đến hết tháng 02/2023)

Công trình thể thao đủ tiêu chuẩn thi đấu thể thao cấp quốc gia và quốc tế

Sân vận động có khán đài

Nhà thi đấu có khán đài đủ tiêu chuẩn cấp quốc gia

Bể bơi có khán đài đủ tiêu chuẩn thi đấu cấp quốc gia

Cụm sân thể thao khác (như: trường bắn, sân quần vợt, công trình tổ chức thi đấu theo từng môn thể thao)

600

371

222

69

11.923

Nguồn: Số liệu của Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

 

Kết quả đạt được

Một là, đã có chính sách để điều chỉnh việc hình thành, sử dụng, khai thác và xử lý đối với tài sản công tại các thiết chế văn hóa, thể thao, tạo cơ sở pháp lý cho việc đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, sửa chữa, bảo trì, khai thác, xử lý tài sản công tại các thiết chế văn hóa, thể thao; xác định cụ thể quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài sản công tại các thiết chế văn hóa, thể thao.

Hai là, quá trình tổ chức thực hiện, trong các năm vừa qua, Nhà nước đã dành nguồn lực để thực hiện đầu tư, bố trí, sắp xếp các cơ sở nhà, đất, máy móc thiết bị cho các thiết chế văn hóa, thể thao để quản lý, sử dụng; vì vậy, hệ thống cơ sở vật chất của các thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng đầy đủ, đồng bộ, đặc biệt là khi Nhà nước triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030.

Hạn chế, vướng mắc

Một là, còn thiếu cơ sở pháp lý để điều chỉnh một cách đầy đủ, toàn diện việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các thiết chế văn hóa, thể thao; một số quy định về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khi áp dụng để quản lý tài sản công tại các thiết chế văn hóa, thể thao không còn phù hợp, đặc biệt là các thiết chế văn hóa, thể thao cấp cơ sở.

Hai là, việc khai thác đối với các tài sản tại các thiết chế văn hóa, thể thao còn chưa thực sự hiệu quả, đặc biệt là các nhà văn hóa cấp xã, cấp thôn. Nhiều trung tâm văn hóa, nhà văn hóa thời gian sử dụng nhiều cho hội họp; nội dung hoạt động chuyên môn đơn điệu, không phát huy được vai trò là nơi sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật thể dục, thể thao của cộng đồng.

Ba là, việc sắp xếp, xử lý đối với nhà, đất tại các thiết chế văn hóa, thể thao ở các địa bàn sắp xếp lại đơn vị hành chính còn chậm.

Giải pháp hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng tài sản công tại các thiết chế văn hóa, thể thao

Để hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng tài sản công tại các thiết chế văn hóa, thể thao, cần triển khai các nội dung sau:

Một là, phải có quy định chi tiết của Chính phủ về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng là thiết chế văn hóa, thể thao để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, phù hợp cho việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với nhóm tài sản này.

Liên quan đến nội dung này, tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Quốc hội đã giao Chính phủ quy định chi tiết chế độ quản lý, sử dụng và khai thác đối với từng loại tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các loại tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ để báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế về chế độ quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cho phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (cụ thể đối với hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần khẩn trương hoàn thành việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành liên quan đến quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng văn hóa, thể thao.

Hai là, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập để phân định rõ các trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công để cung cấp dịch vụ công theo chức năng nhiệm vụ do Nhà nước giao và trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải lập Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.

Ba là, rà soát để ban hành các quy định hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và đối tượng phục vụ của các thiết chế văn hóa, thể thao để xác định cụ thể các thiết chế văn hóa, thể thao có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ nào, cho đối tượng nào và xác định hoạt động nào là khai thác, sử dụng tài sản để phục vụ nhiệm vụ chính trị được giao, hoạt động nào là khai thác, sử dụng vào mục đích có tính chất kinh doanh, dịch vụ. Đồng thời, có quy định cụ thể về công năng sử dụng, kiến trúc, lựa chọn địa điểm để phù hợp với văn hóa, truyền thống vùng miền, thói quen, sở thích của cộng đồng dân cư, tạo thuận lợi cho việc tham gia các sinh hoạt của người dân tại các thiết chế văn hóa, thể thao.

Bốn là, xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản công tại các thiết chế văn hóa, thể thao làm cơ sở cho việc quyết định đầu tư, quản lý, xử lý đối với tài sản tại các thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó chú trọng tiêu chí về tần suất khai thác, sử dụng, số lượng đối tượng được phục vụ, chất lượng dịch vụ cung cấp.

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát đối với tài sản công nói chung và tài sản công tại các thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng để kịp thời phát hiện các sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản, tránh xảy ra trường hợp các vi phạm kéo dài dẫn đến việc khắc phục và xử lý các hậu quả khó khăn, phức tạp.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030;
  2. Quyết định số 1014/QĐ-TTg ngày 29/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045;
  3. Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật;
  4. Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2024