Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nên có sự đồng hành của các tổ chức chuyên nghiệp
Xác định trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đắt hay rẻ là rất khó đối với nhà đầu tư cá nhân và cần có sự đồng hành của cả tổ chức chuyên nghiệp như các quỹ, các đơn vị xếp hạng tín nhiệm...
Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Công ty cổ phần FiinGroup đã có những chia sẻ về tiềm năng thị trường trái TPDN và quản trị rủi ro trong đầu tư TPDN nói riêng, thị trường vốn nói chung.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về diễn biến giao dịch TPDN trên thị trường thứ cấp hiện nay?
Ông Nguyễn Quang Thuân: Thị trường TPDN trên thị trường thứ cấp, cụ thể là những lô TPDN riêng lẻ niêm yết và đăng ký giao dịch trên sàn HNX, sau hơn một năm đi vào hoạt động đã có những thành quả nhất định.
Thanh khoản hiện ở mức tương đối cao, với giá trị giao dịch bình quân trên 4.000 tỷ đồng một ngày. Nếu so sánh với thanh khoản thị trường cổ phiếu những ngày gần đây, chỉ có hơn mười nghìn tỷ đồng, có thể thấy, thanh khoản của thị trường TPDN đang từng bước phát triển tốt, tôi tin là, sẽ dần tiệm cận thị trường cổ phiếu, thậm chí lớn hơn, giống như rất nhiều thị trường trong khu vực. Thanh khoản lớn cũng là một trong những tiêu chí quyết định thị trường cùng chất lượng sản phẩm đầu tư, cũng là tiêu chí của bất kỳ nhà đầu tư nào sở hữu tài sản này.
Xét về quy mô, hiện tại có hơn 1.000 lô mã trái phiếu giao dịch trên HNX. Nếu tính cả những lô trái phiếu niêm yết chính thức trên HOSE và HNX, thì con số này đâu đó khoảng 1.400 - 1.500 mã trái phiếu. Như vậy, về lâu về dài, có thể trong vài năm tới, tôi nghĩ là số lượng mã trái phiếu sẽ vượt số lượng cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường cơ sở. Do đó, tiềm năng của thị trường TPDN là rất lớn, thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của cộng đồng nhà đầu tư và cả cơ quan quản lý.
Phóng viên: Vậy làm sao để thúc đẩy phát triển thị trường TPDN nhanh hơn, bền vững hơn, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Thuân: Để phát triển thị trường này một cách lành mạnh và bền vững thì trước tiên cần phải phát triển hạ tầng mềm, bao gồm không chỉ dữ liệu giao dịch mà còn có xếp hạng tín nhiệm; công bố thông tin; rồi hoàn thiện chính sách ở mọi góc độ: Cho tổ chức phát hành và cả cộng đồng nhà đầu tư, các quỹ đầu tư, quỹ bảo hiểm, cũng như sự tham gia của nhà đầu tư định chế trong và ngoài nước. Khi đó, thị trường TPDN sẽ từng bước phát triển hơn cả về chất và lượng.
Phóng viên: Thế còn về hiệu suất đầu tư thì sao? Nhà đầu tư có thể kỳ vọng lợi nhuận như thế nào từ thị trường này?
Ông Nguyễn Quang Thuân: Ở Việt Nam, đầu tư cổ phiếu thì phổ biến hơn rất nhiều. Mọi người cũng khá quen với việc giao dịch cổ phiếu, có thể lãi lớn, thậm chí lãi gấp mấy lần, nhưng cũng có thể lỗ rất nhiều. Còn với TPDN, đây là sản phẩm thu nhập cố định, mức lãi suất thường chỉ 10% -15% một năm. Tuy nhiên, đấy là lãi suất danh nghĩa, không phải là không có rủi ro, có khi còn rủi ro rất lớn.
Tôi ví dụ, với một lô TPDN ban đầu được phát hành với lãi suất 12%, sau đó giao dịch trên thị trường thứ cấp thì lãi suất có thể sẽ thay đổi. Lãi suất sẽ thấp đi nếu doanh nghiệp đấy tốt lên, nhưng với doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém đi, chất lượng tín dụng và xếp hạng tín dụng xấu thì có thể đẩy lãi suất TPDN lên cao hơn, thậm chí tới 40%-50%.
Điều này phản ánh biến động trong giá trong suốt vòng đời của trái phiếu và đấy là bản chất của thị trường nợ. Vì vậy, điều mà các nhiều đầu tư, cả tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp quan tâm nhất không phải là lãi suất TPDN mà chính là quản trị rủi ro.
Phóng viên: Nhưng làm thế nào để biết được TPDN đó là đắt hay rẻ để quản trị rủi ro, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Thuân: Để biết TPDN của tổ chức phát hành nào đó là đắt hay rẻ, cũng như đánh giá được rủi ro lô TPDN đó là điều rất khó, thậm chí là không thể đối với nhà đầu tư cá nhân, kể cả những người có nhiều kinh nghiệm, nếu như một mình đơn phương ra quyết định. Việc quyết định đầu tư đi cùng quản trị rủi ro tốt cần phải có sự đồng hành của các tổ chức chuyên nghiệp, bao gồm cả xếp hạng tín nhiệm, tư vấn quản lý tài sản, và minh bạch thông tin.
Đối với nhà đầu tư tổ chức, theo tôi biết, Bộ Tài chính cũng đang rà soát những hạn chế, rào cản để phân bổ giá trị doanh nghiệp. Chúng tôi kỳ vọng, cơ quan quản lý sẽ phân bổ theo mức độ rủi ro của doanh nghiệp theo một thang bảng chung giống như thông lệ quốc tế, thay vì phân bổ rủi ro theo ngành, niêm yết hay không niêm yết... Khi đó, chúng ta sẽ hạn chế được những tình huống như là: Hạn chế tín dụng bất động sản hay hạn chế đầu tư TPDN bất động sản...
Chúng tôi cũng kỳ vọng, cơ quan nhà nước sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý, để từ đó góp phần dẫn dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân thông qua các các tổ chức chuyên nghiệp vào kênh trái phiếu nhiều hơn, từ đó tạo đà phát triển thị trường vốn an toàn và lành mạnh hơn.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!