Đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm chăn nuôi dự báo tăng trưởng nhanh

Theo dangcongsan.vn

Chế biến hiện nay là công đoạn đem lại lợi nhuận nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành chăn nuôi, do vậy, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong những năm tiếp theo.

 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xu hướng đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm chăn nuôi tăng mạnh trong thời gian vừa qua đã tạo cho tổng sản lượng sản phẩm chế biến chung của cả nước tăng đột biến (chế biến thịt tăng 3,1 lần và chế biến trứng tăng 2 lần).

Tính đến hết tháng 8/2022, cả nước có 108 cơ sở, nhà máy của các doanh nghiệp chế biến thịt, trứng và sữa quy mô công nghiệp để xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước. Trong đó, giai đoạn 2017-2022, các doanh nghiệp đã đầu tư trên 13.550 tỷ đồng xây dựng và khánh thành, đưa vào hoạt động 13 nhà máy giết mổ, chế biến thịt, trứng, sữa quy mô lớn và công nghệ hiện đại.

Cụ thể, về chế biến thịt, hiện cả nước có 67 nhà máy chế biến thịt các loại và sản phẩm thịt chế biến khoảng trên 1,3 triệu tấn (chiếm khoảng 20-22% tổng sản lượng thịt sản xuất trong nước). Trong giai đoạn 2017-2021, các doanh nghiệp đã đầu tư 9.221 tỷ đồng xây dựng và khánh thành 9 nhà máy giết mổ, chế biến thịt gia súc gia cầm với công suất thiết kế 725.000 tấn thịt chế biến/năm. Đây là các nhà máy có công nghệ tiên tiến mang tầm khu vực và thế giới.

Về cơ cấu sản phẩm chế biến, sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sản phẩm có giá trị gia tăng thấp chiếm 80 - 85% (chế biến đơn giản, sơ chế) và các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao (thịt hun khói, giăm bông, xúc xích, lạp xường...) chiếm khoảng 15 – 20%; sản phẩm đóng bao gói nhỏ cung cấp cho bán lẻ chiếm khoảng 10%; sản xuất thịt mát đã bắt đầu phát triển chiếm khoảng 10%.

Ngoài chế biến thực phẩm thịt, đã có một số nhà máy đầu tư thiết bị, công nghệ chế biến phụ phẩm sau giết mổ (các sản phẩm bột xương, thịt, lông vũ...) làm thức ăn chăn nuôi để tăng giá trị gia tăng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Về chế biến sữa, hiện có 35 nhà máy. Trong đó phần lớn các nhà máy chế biến có công nghệ tiên tiến, tính tự động hóa cao. Giai đoạn 2017-2021, các doanh nghiệp đã đầu tư 6.620 đồng xây dựng 2 nhà máy và 1 tổ hợp công suất chế biến 530 tấn sữa/ngày. Riêng trong năm 2022, khởi công 2 nhà máy sữa với số vốn đầu tư hơn 6.600 tỷ đồng gồm Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu, có tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, với công suất thiết kế ước đạt gần 500 tấn sữa/ngày và Vinamilk sẽ khởi công (dự kiến ngày 28/12/2022) nhà máy sữa 4.600 tỷ đồng tại Hưng Yên sản xuất 400 triệu lít sữa/năm. Hầu hết các nhà máy chế biến sữa đều chủ động liên kết vùng nguyên liệu, tạo chuỗi sản phẩm khá hiệu quả và đây là thế mạnh của ngành chế biến sữa của Việt Nam.

Cùng với đầu tư trong nước cho chế biến, một số doanh nghiệp FDI trong ngành chế biến nông sản thực phẩm có xu hướng mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam như: Công ty CJ (Hàn Quốc) đã đầu tư 4 nhà máy chế biến tại Việt Nam và dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư thêm 500 triệu USD trong thời gian tới; Tập đoàn De Heus đầu tư xây dựng mà máy thứ 2 tại tỉnh Tây Ninh (quy mô vốn khoảng 1.000 tỷ đồng), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác đã và đang có những dự án đầu tư với số lượng vốn lớn vào hoạt động chế biến sản phẩm chăn nuôi.

Chế biến hiện nay là công đoạn đem lại lợi nhuận nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành chăn nuôi, do vậy, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh trong những năm tiếp theo khi Chiến lược phát triển sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030 xác định sản phẩm chăn nuôi trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của Việt Nam hướng tới xuất khẩu./.