Đây là lý do không thể nói Trung Quốc là “một” nền kinh tế
Do tính chất đa dạng và khác biệt giữa các vùng kinh tế, nền kinh tế Trung Quốc mang một giá trị phức hợp.
4 vùng kinh tế dưới đây đại diện cho 4 thách thức điển hình mà nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang đối mặt.
Liệu Trung Quốc sẽ trở thành nạn nhân lớn nhất của bẫy thu nhập trung bình hay thành công vượt qua để trở thành quốc gia thu nhập cao. Câu trả lời ở chính tương lai của 4 vùng kinh tế: Quảng Đông, Trùng Khánh, Sơn Đông, Sơn Tây.
Trung Quốc đã tiến xa hơn rất nhiều kể từ khi công nghiệp hóa nền kinh tế cuối những năm 1970. Nhưng do số lượng lao động đang giảm và mức lương lao động tăng, quốc gia này đang tìm ra một con đường khác. Đó chính là nâng cấp hoặc cam chịu dẫm chân vào bẫy thu nhập trung bình – bài học bẽ bàng mà nhiều quốc gia Nam Mỹ, châu Phi và châu Á đã phải trải qua trước khi trở thành nước giàu.
Đó là thách thức mà nhiều vùng đang gặp phải ở Trung Quốc, mặc dù chúng có thể mang những dáng vẻ khác nhau do tốc độ tăng trưởng không đồng đều và cuộc sống người dân đang bị đảo lộn.
Khu vực kinh tế lớn nhất
Mỗi người dân trên toàn cầu chắc chắn đều mang bên mình một vài món đồ được sản xuất tại phân xưởng của thế giới - Quảng Đông – Trung Quốc. Cho dù đó là một sản phẩm của Apple hay là một chiếc quần jean hiệu Levis. Năng lực sản xuất phi thường và chính sách hỗ trợ sản xuất của chính quyền đã giúp Quảng Đông tiến gần tới mức thu nhập của Mỹ.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của nhiều vùng sản xuất giá rẻ đã khiến các nhà máy di chuyển địa điểm vào sâu trong đất liền hoặc là đến quốc gia khác. Thách thức mà tỉnh Quảng Đông đang phải đối mặt hiện nay là thăng hạng trong chuỗi giá trị, đưa Trung Quốc lên một bước tiến mới trong tiến trình phát triển.
Khu vực tăng trưởng nhanh nhất
Nhiều năm qua, Trùng Khánh đã thay da đổi thịt rất nhiều từ một nền kinh tế đặt nặng vai trò kiểm soát của Nhà nước. Năm 2013, sau khi ông Bạc Hy Lai bị bắt vì tội tham nhũng, tương lai Trùng Khánh trở nên u tối. Nhưng ngày hôm nay, Trùng Khánh lại ngẩng cao đầu là nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất do chi phí sản xuất rẻ đã thu hút các nhà máy chuyển về đây.
Bên cạnh đó, Trùng Khánh còn sở hữu cơ sở hạ tầng thuận lợi bao gồm cả đường sông và đường sắt, giúp phát triển mối liên kết với vùng kinh tế chưa phát triển phía Tây và châu Âu.
Khu vực bị thụt lùi
Sơn Tây sở hữu khoảng 1/3 sản lượng than đá của Trung Quốc và một số công ty than đá tư nhân và nhà nước lớn nhất Trung Quốc. Tuy nhiên ngành khai thác than đã không còn mạnh như trước, kéo Sơn Tây nằm trong nhóm tỉnh thành có tốc độ tăng trưởng chậm nhất cả nước.
Mặc dù Sơn Tây đã nỗ lực tìm kiếm những động lực phát triển mới như sản xuất công nghệ cao hay du lịch (bao gồm cả điều chế rượu và nấu rượu trắng – thức uống có cồn được ưa chuộng nhất Trung Quốc), nhưng kết quả vẫn đang ở rất xa vời. Cũng giống như nhiều tỉnh thành ở phía Bắc, thách thức của Sơn Tây là sản lượng hàng hóa dư thừa và thất nghiệp tăng mạnh.
Câu lạc bộ nghìn tỷ USD
Sơn Đông – quê hương của bia Thanh Đảo và nhà sản xuất thiết bị điện lạnh Haier - là tỉnh thành cuối cùng để đạt được 1.000 tỷ USD doanh thu hàng năm – thành viên thứ 3 trong “Câu lạc bộ nghìn tỷ” chỉ ngay sau Quảng Đông và Giang Tô. Sơn Đông là sự kết tinh cân bằng của nhiều ngành kinh tế nằm trong một tỉnh thành: nông nghiệp, thủy sản, dầu mỏ và công nghiệp chế tạo.
Tuy nhiên, do sự xuất hiện của nhiều vùng sản xuất chi phí thấp hơn đã thúc đẩy các nhà máy di chuyển vào trong đất liền hoặc đến quốc gia khác. Nguồn lực sáng tạo và làm thương hiệu từ trước đến nay đều không phải là thế mạnh của Trung Quốc nhưng sẽ là chìa khóa bước đến tương lai nền kinh tế tỉnh Sơn Đông.
Tương lai của Trung Quốc?
Thách thức đặt ra cho bốn khu vực kinh tế khác nhau đại diện cho 4 dạng áp lực chính cho Trung Quốc. Tương lai của những vùng này cũng chính là tương lai của Trung Quốc thế kỷ 21. Liệu Trung Quốc sẽ trở thành nạn nhân lớn nhất của bẫy thu nhập trung bình hay sẽ vượt qua thành công để trở thành quốc gia thu nhập cao?