Tình hình kinh tế Trung Quốc 4 tháng đầu năm 2016
Kinh tế Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2016 đón nhận nhiều tin tức không khả quan.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, xuất nhập khẩu khẩu của nước này liên tục sụt giảm trong tháng 1 và tháng 2/2016. Cụ thể, xuất khẩu trong tháng 1 và 2/2016 (tính theo USD) giảm 11,2% và 25,4 % so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu cũng giảm liên tiếp khi giảm 18,8% và 13,8. Xuất khẩu sụt giảm cho thấy đợt phá giá nhân dân tệ (NDT) hồi tháng 8/2015 vẫn chưa thể nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Đến tháng 3/2016, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng trở lại làm dấy lên hy vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phục hồi. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng xuất khẩu lần đầu tiên trong chín tháng qua. Mức tăng trưởng này cao hơn mức dự đoán 8,5% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra đồng thời đánh dầu sự phục hồi mạnh mẽ nếu so với mức sụt giảm 25,4% trong tháng 2. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 giảm 7,6%. Tuy nhiên, tính cả quý I năm 2016, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc lần lượt giảm 9,6% và 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thặng dư thương mại đạt 125,8 tỷ USD.
Tháng 3/2016, chỉ số giá tiêu dùng CPI của Trung Quốc tăng 2,3% so với cùng kỳ. Từ tháng 11 năm ngoái đến nay, chỉ số CPI hàng tháng của Trung Quốc có phần tăng so với cùng kỳ, nhưng nhìn chung duy trì ở mức ổn định. Từ tháng 1-3, chỉ số CPI tăng 2,1% so với cùng kỳ, thấp hơn 0,9% so với mục tiêu dự báo 3% của cả năm nay. Số liệu cho thấy, chỉ số CPI trong tháng 3 giảm 0,4% so với tháng trước. Trong đó, giá thực phẩm giảm 1,8%, nhóm hàng phi thực phẩm giảm 0,1%; nhóm hàng tiêu dùng giảm 0,6%, giá dịch vụ giảm 0,2%.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đón nhận những tín tức khả quan khi mà GDP của nước này công bố trong quý I/2016 đạt 6,7% nằm trong mức mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 đến 7% do Trung Quốc đặt ra. Thêm vào đó, gói nới lỏng tín dụng đã giúp giúp doanh số bán nhà tăng 71% trong tháng 3/2016 so với cùng kỳ năm ngoái trong khi đầu tư vào bất động sản tăng 6,2% trong quý I/2016 so với cùng kỳ. Đầu tư tài sản cố định trong quý I/2016 tăng 10,7% khi lĩnh vực xây dựng hồi phục.Quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế từ phụ thuộc vào công nghiệp nặng sang tiêu dùng và dịch vụ đang tạo ra những thay đổi căn bản trong nền kinh tế Trung Quốc. Ngành truyền thông và các công ty công nghệ non trẻ bùng nổ, trong khi các ngành công nghiệp như than đá và thép lại lao đao. Chính phủ nước này đang cố gắng giảm thiểu tình trạng dư thừa công suất ở các nhà máy công nghiệp nhưng phải đảm bảo không gây xáo trộn trong nền kinh tế cũng như cắt giảm quá nhiều việc làm.
Dự trự ngoại hối của Trung Quốc giảm xuống thấp nhất kể từ 2012, cho thấy PBOC đã phải bán USD khi NDT xuống thấp nhất 5 năm.Theo đó, dự trữ ngoại hối của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong tháng 3/2016 giảm xuống còn khoảng 3,2 nghìn tỷ USD, theo thông cáo của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC). PBOC vừa tăng cường nỗ lực để khôi phục sự ổn định tiền tệ và nền kinh tế của quốc gia khi Thống đốc Chu Tiểu Xuyên bất ngờ lên tiếng khẳng định không có căn cứ để tiếp tục phá giá NDT.
Ông cũng cho biết, cán cân thanh toán của Trung Quốc ở mức tốt, lượng vốn rút ra bình thường và tỷ giá hối đoái ổn định so với giỏ tiền tệ.Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2016 được IMF (10/2015) dự báo sẽ chậm lại và có nguy cơ hạ cánh cứng do công suất dư thừa và nợ cao. Và việc Trung Quốc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào tiêu dùng trong nước và hệ thống tài chính tuân thủ các nguyên tắc thị trường sẽ là nhiệm vụ “đầy rủi ro” với “những thách thức chưa từng thấy. IMF(4/2016) dự báo tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đạt 6,5 % trong năm 2016 giảm so với 6,98% của năm 2015. Bên cạnh đó, WB (1/2016) đã hạ dự báo về tăng trưởng của nước này cho năm 2016 từ mức 7% xuống còn 6,7% do giá cả hàng hóa giảm mạnh và thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm.