Đẩy mạnh cải cách hành chính về bảo hiểm xã hội trong bối cảnh Covid-19
Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Chỉ thị số 2165/CT-BHXH về việc tăng cường trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, cải cách thủ tục hành chính, công tác phối hợp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới của ngành bảo hiểm xã hội.
Văn bản hướng tới mục tiêu tạo chuyển biến trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 trong nước và thế giới còn có những diễn biến rất phức tạp, khó lường; nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu người đứng đầu (bao gồm cả cấp phó của người đứng đầu) các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nhất là Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (bảo hiểm xã hội cấp tỉnh), Giám đốc bảo hiểm xã hội cấp huyện tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành theo thẩm quyền, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần phối hợp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, Giám đốc bảo hiểm xã hội cấp huyện tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung sau.
Trước hết, tiếp tục công bố, cập nhật và công khai thủ tục hành chính bảo đảm đúng quy định, kịp thời, đầy đủ, chính xác, thống nhất, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Tiếp nhận, xử lý kịp thời và trả lời đầy đủ phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về các vướng mắc khó khăn trong thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị và báo cáo những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Nêu cao trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, không để cơ quan, đơn vị xảy ra tình trạng gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả của công chức - viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý. Lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm của ngành tại cơ quan, đơn vị phụ trách; giải quyết dứt điểm các công việc còn tồn đọng, quá hạn; chủ động phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Văn bản cũng yêu cầu thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, Giám đốc bảo hiểm xã hội cấp huyện phải chủ động xây dựng kịch bản, phương án điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ linh hoạt, phù hợp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cấp ủy, chính quyền địa phương.