Chính sách về hưởng bảo hiểm xã hội một lần và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh mới
Hiện nay, một bộ phận lớn người lao động vẫn đang lựa chọn hưởng chính sách bảo hiểm xã hội một lần, dẫn tới những thách thức trong bảo đảm các mục tiêu bảo hiểm xã hội, thực trạng này đặt ra yêu cầu cần có sự xem xét, đánh giá khách quan, để từ đó có giải pháp phù hợp với bối cảnh mới.
Chính sách pháp luật về hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Chính sách hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần được quy định tại Ðiều 60 Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về thực hiện chính sách thanh toán BHXH một lần đối với người lao động (NLĐ). Theo Ðiều 60 Luật BHXH năm 2014, người lao động có yêu cầu được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Nếu so sánh về tỷ lệ thì số người hưởng BHXH một lần so với số người tham gia BHXH bắt buộc chiếm bình quân 4,7%, tương đương với tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bình quân cả giai đoạn 2014 - 2020.
(1) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; Ra nước ngoài để định cư; Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
(2) Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Ðiều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 quy định: Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần. Mức hưởng BHXH một lần đối với người tham gia BHXH bắt buộc được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; bằng hai tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Như vậy, tại Nghị quyết số 93/2015/QH13, Quốc hội đã cho phép thực hiện trở lại việc chi trả BHXH một lần đối với trường hợp người lao động sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH, cho dù Luật BHXH năm 2014 tiếp tục hạn chế đối tượng hưởng BHXH một lần bằng việc không bao gồm cả đối tượng người lao động "sau một năm nghỉ việc mà không tiếp tục tham gia BHXH". Quy định khá thông thoáng và thuận lợi này dẫn tới số lượng người lao động thụ hưởng chính sách BHXH một lần tăng mạnh trong thời gian gần đây. Điều này đặt ra những thách thức trong việc mở rộng độ bao phủ BHXH, bảo đảm an ninh sinh xã hội và thu nhập cho người lao động khi hết tuổi lao động.
Theo BHXH Việt Nam, trong giai đoạn từ 2014-2020, cơ quan BHXH đã chi trả cho gần 4,5 triệu người hưởng BHXH một lần, bình quân mỗi năm có hơn 600 nghìn người hưởng BHXH một lần, tương đương với số người tham gia tăng thêm mới hàng năm. Nếu so sánh về tỷ lệ thì số người hưởng BHXH một lần so với số người tham gia BHXH bắt buộc chiếm bình quân 4,7%, tương đương với tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bình quân cả giai đoạn 2014 - 2020.
Nghĩa là, cứ có hai người mới tham gia vào BHXH thì có một người cũ rời khỏi hệ thống. Những người hưởng chế độ BHXH một lần tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 39 chiếm 79% tổng số người hưởng BHXH một lần giai đoạn 2014 - 2018; trong đó, tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ 25 đến 29 tuổi (chiếm 27,6%), nhóm tuổi từ 30 đến 34 tuổi đứng thứ hai chiếm 25,3%; tiếp theo là nhóm tuổi từ 35 đến 39 tuổi và nhóm tuổi từ 20 đến 24 tuổi lần lượt là 15,5% và 10,6%. Xét về khía cạnh giới, các nhóm tuổi từ 25 đến 29 tuổi và từ 30 đến 34 tuổi là hai nhóm tuổi có số người hưởng BHXH một lần cao nhất đối với cả nam giới và nữ giới, tương ứng là 50,5% và 54,9%...
Việc người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng đang đặt ra thách thức đối với hoàn thành mục tiêu về mở rộng độ bao phủ BHXH, đảm bảo an sinh xã hội. Nếu trong giai đoạn 2014-2018, tốc độ tăng số người tham gia BHXH bắt buộc bình quân hàng năm là khoảng 6%, thì năm 2019 chỉ còn tăng 5,2% (thấp hơn 0,8 điểm%).
Khảo sát về tình hình hưởng BHXH một lần trong giai đoạn 2014-2018 của BHXH Việt Nam cho thấy, có gần 50% số người đã hưởng BHXH một lần chỉ có dưới 3 năm đóng BHXH. Trong đó, có sự khác biệt lớn trong hưởng chế độ BHXH một lần của người lao động ở khu vực việc làm Nhà nước và khu vực việc làm ngoài Nhà nước. Những người hưởng BHXH một lần tập trung chủ yếu ở khu vực ngoài Nhà nước, với 615.612 người trong tổng số 666.883 người đã hưởng BHXH một lần của năm 2018, chiếm tới 92,31%...
Một vấn đề khác cần lưu ý là số người hưởng BHXH một lần từ 2 lần trở lên đã và đang xảy ra trong giai đoạn 2014-2018. Có 29 trong tổng số 209 người được khảo sát cho biết họ đã hưởng BHXH một lần từ 2 lần trở lên. Người lao động nhiều lần hưởng BHXH một lần xảy ra chủ yếu đối với lao động nữ di cư từ khu vực nông thôn ra thành phố. Những lần hưởng BHXH một lần thường gắn với thời gian nghỉ việc về quê sinh con và chăm sóc con nhỏ…
Nguyên nhân dẫn đến việc nhận BHXH một lần có chiều hướng tăng là do:
Thứ nhất, thu nhập và đời sống của một bộ phận người lao động hiện nay còn nhiều khó khăn; người lao động bị mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt như cần tiền để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình hoặc đầu tư cho con ăn học, trang trải nợ nần... Quyết định hưởng BHXH một lần của nhiều người lao động xuất phát từ thực tế người lao động bị mất việc làm ở khu vực chính thức với thời gian đóng góp BHXH ngắn, để có thể tiếp cận được chính sách lương hưu thì cần phải đóng thêm rất nhiều năm sau đó, do vậy, bản thân người lao động không muốn và cũng không đủ khả năng về tài chính để tiếp tục tham gia BHXH.
Thứ hai, khả năng tiếp cận thông tin chính thống còn hạn chế, trong khi các nguồn tin không chính thống trên các trang mạng xã hội đã và đang ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động, từ đó làm giảm niềm tin của người dân vào hệ thống BHXH.
Thứ ba, chính sách BHXH hiện hành còn nhiều rào cản, làm giảm khả năng thu hút sự tham gia của người lao động, cụ thể:
- Quy định điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu để được hưởng lương hưu quá dài dẫn đến giảm nỗ lực tiếp tục tham gia đóng góp của một bộ phận lớn người lao động. Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, điều kiện thời gian tối thiểu tham gia BHXH để được hưởng lương hưu là đủ 20 năm đóng. Điều này dẫn đến đa số người lao động khi nghỉ việc mới chỉ có từ 3 đến dưới 10 năm đóng góp sẽ rất khó để quyết định chờ đợi đóng tiếp BHXH cho đến khi để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
- Việc quy định và đảm bảo tính tuân thủ trong thực hiện quy định về đóng, hưởng BHXH chưa chặt chẽ, cùng với công thức tính lương hưu chưa hợp lý, dẫn đến sự chênh lệch lớn về tiền lương hưu với tiền lương khi còn làm việc; chênh lệch và khoảng cách giữa mức lương hưu của những người nghỉ hưu; chưa khuyến khích người lao động có mức lương thấp tham gia BHXH.
Thứ tư, thiếu tính tương hỗ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Nếu thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ giải quyết được một phần bài toán về tài chính ngắn hạn để người lao động có thể yên tâm ổn định cuộc sống, thay vì tìm đến chính sách BHXH một lần như là một công cụ tài chính để vượt qua tình trạng khó khăn.
Giải pháp hạn chế tình trạng nhận bảo hiểm một lần
Nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng nhận BHXH một lần, hướng tới thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, phát huy vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước, bài viết đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, Nhà nước cần thực hiện những giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động. Chỉ khi người lao động có thu nhập ổn định, có đủ nguồn lực tài chính để trang trải các chi phí trong sinh hoạt và có tích lũy thì mới nâng cao được khả năng tiết kiệm, tham gia đóng góp để thụ hưởng khi về già.
Hai là, cơ quan quản lý nhà nước và BHXH Việt Nam cần có một chiến lược truyền thông tổng thể để cung cấp thông tin, định hướng dư luận, giúp người lao động có được nhận thức một cách đầy đủ về chính sách. Bên cạnh những giải pháp liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy, tổ chức thực hiện chính sách một cách tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát… để đem lại lợi ích tối ưu nhất cho người tham gia và thụ hưởng từ chính sách BHXH, thông qua đó từng bước tạo dựng và củng cố niềm tin đối với chính sách.
Ba là, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH, cụ thể như:
- Tăng lợi ích và tính hấp dẫn của chính sách lương hưu thông qua việc sớm thực hiện giảm điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm; quản lý và tổ chức thực hiện tốt quy định về tiền lương đóng để đảm bảo tiền lương đóng phải tiệm cận dần với mức tiền lương và thu nhập thực tế của NLĐ, từ đó góp phần cải thiện mức lương hưu, thu hẹp khoảng cách về tiền lương hưu với tiền lương khi còn làm việc; thực hiện sửa đổi công thức tính lương hưu bên cạnh nguyên tắc đóng - hưởng cần có tính chia sẻ.
- Sớm tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 93/2015/QH13 để từ đó điều chỉnh phù hợp. Tiếp tục duy trì chính sách BHXH 1 lần nhưng có sự sửa đổi, bổ sung hoàn thiện bằng công cụ chính sách để người lao động sẽ tự quyết định lựa chọn việc thụ hưởng hoặc bảo lưu để hướng tới chế độ hưu trí lâu dài.
- Hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện theo hướng đa dạng, linh hoạt, qua đó tăng thêm cơ hội cho những người lao động sau khi bị mất việc làm, không có cơ hội để trở lại với khu vực lao động chính thức, vẫn có thể tiếp tục tham gia đóng góp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu, thay vì hưởng BHXH một lần.
- Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng phát huy chức năng, vai trò của một công cụ quản trị thị trường lao động trong việc tạo việc làm, phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng sa thải lao động, mất việc làm ở người lao động; thực hiện chính sách hiệu quả để hỗ trợ người lao động mất việc sớm tìm kiếm được việc làm mới.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;
2. Quốc hội (2015), Nghị quyết số 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động;
3. Bộ Chính trị (2012), Nghị quyết số 21-NQ/TW Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020;
4. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2018), Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội;
5. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (2021), Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia Bảo hiểm xã hội một lần ở Việt Nam - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra.
(*) TS. Nguyễn Thị Nhàn - Trường Đại học Kinh tế Đại học Quốc gia Hà Nội.
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2021.