Đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp tư nhân chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 12/2020

Mặc dù Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 nhưng tác động của nó đến nền kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân còn khá nặng nề. Bài viết phân tích thực trạng, mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến một số ngành, lĩnh vực, từ đó đề xuất giải pháp cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp tư nhân. Đây cũng là căn cứ để đề xuất các chính sách hỗ trợ tiếp theo nhằm giúp doanh nghiệp tư nhân vượt qua khó khăn và khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đặt vấn đề

Đại dịch Covid 19 bắt đầu từ Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối năm 2019 và lan nhanh ra phạm vi toàn cầu từ tháng đầu năm 2020. Việt Nam có trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên vào tháng 1/2020, kể từ đó đến nay đã có hơn 1.200 trường hợp nhiễm Covid-19 với 35 trường hợp tử vong.

Để ứng phó và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp mạnh. Trong đợt bùng phát dịch đầu tiên vào tháng 3 và tháng 4/2020, Chính phủ ban hành 36 văn bản chỉ đạo điều hành, thúc đẩy toàn bộ “hệ thống chính trị vào cuộc”. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ đã thực hiện các biện pháp can thiệp chính như: Phong tỏa, cách ly, hạn chế đi lại và truy vết các ca bệnh, cũng như các nguồn tiếp xúc với bệnh nhân.

Sau khi kiểm soát dịch bệnh tương đối hiệu quả, giãn cách xã hội nhanh chóng được nới lỏng từ ngày 22/4/2020 nhằm cho phép các doanh nghiệp (DN) và các cơ sở giáo dục, đào tạo tại nhiều địa phương hoạt động và mở cửa trở lại. Tuy nhiên, vào cuối tháng 7/2020, làn sóng Covid-19 lần thứ hai đã quay trở lại với mức độ nghiêm trọng hơn so với lần thứ nhất, với khoảng 650 trường hợp được ghi nhận là nhiễm bệnh. Ngay khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, TP. Đà Nẵng (ổ dịch mới) áp dụng các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt trên địa bàn toàn Thành phố.

Nhiều tỉnh, thành có người trở về từ TP. Đà Nẵng bị nhiễm bệnh như: Quảng Nam, Đắk Lắk, Hải Dương, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng thực hiện nghiêm túc hạn chế đi lại và cách ly xã hội ở quy mô nhỏ - nơi có nguy cơ trở thành ổ dịch… Nhờ áp dụng kịp thời các biện pháp phòng ngừa dịch nghiêm ngặt, Việt Nam đã kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và nhận được sự đánh giá cao của các tổ chức quốc tế, tuy nhiên, các biện pháp này đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam.

Tác động của dịch Covid - 19 đến một số ngành, lĩnh vực

- Du lịch: Du lịch là một trong những ngành nghề chịu ảnh hưởng nộp từ đại dịch Covid-19, bởi tỷ trọng doanh thu mà khu vực DN tư nhân chi phối trong lĩnh vực này khá lớn, trên 76%. Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, đã khiến cho hoạt động du lịch gần như bị đóng băng. Theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu của dịch vụ du lịch lữ hành liên tục sụt giảm từ 33% tới 98,6% so với cùng kỳ năm 2019 (trừ tháng 1 tăng 3,5%), trong khi, có tới 93,6% DN hoạt động trong ngành Du lịch phải chịu tác động từ đại dịch Covid 19 (Tổng cục Thống kê, 2020).

Dịch vụ lưu trú, ăn uống: Việc sụt giảm mạnh ở ngành Du lịch đã kéo theo sự sụt giảm trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn, nhà hàng. Kể từ tháng 2/2020 đến tháng 9/2020, doanh thu từ hai hoạt động này đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, với mức giảm thấp nhất là 4% (dịch vụ lưu trú, ăn uống trong tháng 7/2020) và cao nhất lên tới gần 99% (dịch vụ du lịch lữ hành tháng 4/2020). Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của các lĩnh vực này trong năm 2018 và 2019 ở tất cả các tháng đều tăng so với cùng kỳ, với nhiều tháng đạt mức 2 con số. Theo Tổng cục Thống kê (2020), đại dịch Covid-19 đã tác động đến 93% DN trong lĩnh vực khách sạn và gần 92% số DN trong lĩnh vực ăn uống.

- Dịch vụ vận tải, hàng không: Theo Tổng cục Thống kê (2020), 100% các DN hàng không chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, tổng số chuyến bay khai thác 9 tháng năm 2020 của 5 hãng hàng không giảm mạnh, gồm: Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacifics, Vasco, Bamboo Airway là 159.808 chuyến, đạt khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 9 tháng đầu năm 2020, Vietnam Airlines lỗ hợp nhất 10.750 tỷ đồng, cả năm dự kiến lỗ khoảng 13.000 tỷ đồng; Jetstar Pacifics dự kiến lỗ 3.000 tỷ đồng trong năm 2020…

- Nông nghiệp: Theo nhận định của các chuyên gia, ngành Nông nghiệp là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Trong 9 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng chủ yếu trong nông nghiệp (hải sản, rau quả, hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu, gạo, sắn) chỉ bằng 97% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó chỉ có tháng 2/2020 và tháng 9/2020 có mức tăng trưởng dương. Riêng tháng 6 và 7/2020, giá trị xuất khẩu các mặt hàng trên giảm từ 7- 8%. Theo Tổng cục Thống kê (2020), 9 tháng đầu năm 2020, có tới 70,5% số DN trong lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

- Xuất, nhập khẩu: Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 388 tỷ USD, trong đó tháng 1, 4 và 5/2020 là những tháng có tốc độ tăng trưởng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu âm, lần lượt là -14,8%; -12,5% và -15,6%.

Các DN thuộc các lĩnh vực xuất khẩu quan trọng của nền kinh tế đều chịu tác động tiêu cực lớn từ dịch Covid-19. Theo Tổng cục Thống kê (2020), 9 tháng đầu năm 2020, có 89,4% số DN thuộc ngành May mặc và da giầy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; con số này ở các DN trong ngành Điện tử là 86,3%, ngành Ô tô là 87,3%.

Nhìn chung, ở hầu hết các lĩnh vực chịu tác động lớn của dịch bệnh Covid-19, khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn, thậm chí là chi phối. Như vậy, các tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là khu vực chính thức, các DN tư nhân. Để vượt qua được những khó khăn, thách thức do dịch bệnh gây ra, cũng như tăng cường khả năng chống chịu đối với các bất định trong thời gian tới, cơ cấu lại được coi là yêu cầu tất yếu đối với khu vực DN tư nhân.

Giải pháp cơ cấu khu vực doanh nghiệp tư nhân

Mặc dù, Việt Nam đã có nhiều thành tựu về phòng, chống dịch Covid-19, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh bất định hiện nay đòi hỏi cần tiếp tục có các chính sách để hỗ trợ và thúc đẩy cơ cấu lại khu vực DN tư nhân sớm ổn định sản xuất, cụ thể:

Thứ nhất, tăng cường năng lực đổi mới đối với các DN tư nhân: Theo kết quả nghiên cứu mới công bố của Microsoft và IDC (2020), 74% người giữ vai trò ra quyết định kinh doanh ở châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, “đổi mới” hiện là điều bắt buộc, không còn là lựa chọn. Họ nhận thấy rằng, khả năng đổi mới đóng vai trò quan trọng đối với hiệu suất và khả năng chống chịu của DN.

Nghiên cứu của Microsoft và IDC cho thấy, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, số DN nhận thấy đổi mới là khó khăn đã giảm từ 68% xuống 36% ở nhóm DN tiên phong và 74% xuống 54% ở các DN còn lại. Theo bà Sandra Ng-Phó Chủ tịch, Practice Group, IDC châu Á-Thái Bình Dương, các DN ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã hiểu được tầm quan trọng của khả năng đổi mới trong việc thúc đẩy hiệu suất và khả năng chống chịu trong thời kỳ khủng hoảng. Họ cũng nhận thấy rằng, nhu cầu cần phải đổi mới và tăng tốc chuyển đổi để đáp ứng với những thách thức và điều kiện thị trường mới. Và gần một nửa (48%) DN trong khu vực được khảo sát ở thời điểm hiện tại chia sẻ rằng, họ nhận thấy, việc thúc đẩy đổi mới dễ dàng hơn, trong khi đó, tại cuộc khảo sát trước khi Covid-19 xuất hiện, chỉ có một phần tư (27%) trong số đó cảm thấy cần thiết phải đổi mới.

Cũng theo kết quả nghiên cứu này, có 98% DN tiên phong với văn hóa đổi mới tiên tiến nhất đều tin rằng, đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng đáp ứng thách thức và cơ hội của thị trường. Những DN này thể hiện sự kiên cường hơn, cũng như khả năng phục hồi nhanh hơn trước các cuộc khủng hoảng, có tới hơn 50% trong nhóm “DN tiên phong” được khảo sát dự kiến sẽ tăng doanh thu vào năm 2020, trong đó 1/3 cho rằng, sẽ tăng thị phần bất chấp tình hình đại dịch; 45% cho rằng, sẽ phục hồi trong vòng sáu tháng sau khi khủng hoảng Covid-19 chấm dứt.

Tốc độ số hóa nhanh hơn cũng là chìa khóa để các DN vươn lên mạnh mẽ hơn. Nghiên cứu cho thấy, 87% DN tiên phong (so với 67% ở nhóm còn lại) sẽ tăng tốc số hóa bằng cách đưa ra các sáng kiến bao gồm sản phẩm kỹ thuật số, thanh toán và thương mại điện tử để đáp ứng với bối cảnh mới.

Các DN tiên phong cũng đang tiến xa hơn trong nhiệm vụ tư duy lại các mô hình kinh doanh, vì đó là chiến lược hàng đầu mà họ đã triển khai để duy trì khả năng chống chịu và đáp ứng tốt hơn với các điều kiện thị trường mới.

Cũng theo nghiên cứu của Microsoft và IDC (2020), giải pháp hiệu quả để khuyến khích DN khu vực tư nhân đổi mới cụ thể gồm:

(i) Tăng cường khả năng chống chịu với công nghệ thông qua việc củng cố cách tiếp cận của DN đối với chuyển đổi kỹ thuật số bằng các công nghệ linh hoạt mang đến sự đơn giản và nhanh nhạy - đám mây, trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, đưa an ninh mạng vào dấu ấn kỹ thuật số của DN.

(ii) Đầu tư vào năng lực và kỹ năng của con người trên cơ sở tạo môi trường cởi mở và hòa nhập để thu hút nhân tài từ nhiều nguồn khác nhau. Tích hợp nỗ lực đổi mới tại nơi làm việc cũng là nhiệm vụ cốt yếu để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, có phần thưởng và hình thức khích lệ phù hợp để khuyến khích đổi mới và nâng cao kỹ năng. Theo đó, duy trì tốc độ đổi mới bằng cách khai mở khả năng của người lao động.

(iii) Tận dụng dữ liệu để tăng khả năng cạnh tranh thông qua việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới cũng như các dòng doanh thu mới theo định hướng dữ liệu để tăng khả năng cạnh tranh của tổ chức. Nên tận dụng thông tin chuyên sâu thúc đẩy bởi dữ liệu trong hoạt động cộng tác và ra quyết định trên toàn DN nhằm tạo ra văn hóa chia sẻ kiến thức.

(iv) Thiết kế lại các quy trình để tạo điều kiện cho mọi người liên tục thúc đẩy đổi mới. Cần xây dựng cách tiếp cận có hệ thống để thúc đẩy đổi mới, từ khâu lên ý tưởng đến khâu thương mại hóa và thiết lập ngân sách chuyển đổi kỹ thuật số tập trung, cùng với KPI kỹ thuật số. Cần coi phương pháp lấy khách hàng làm trung tâm của những cải tiến liên tục và thiết lập vòng lặp thông tin phản hồi để liên tục nắm bắt kiến thức.

Thứ hai, cơ cấu lại DN tư nhân thông qua việc áp dụng và nâng cao hiệu quả của quản trị DN sẽ giúp các DN vượt qua khủng hoảng và tận dụng tốt hơn các cơ hội để phát triển: Cơ cấu lại và áp dụng các thực tiễn quản trị tốt sẽ giúp tăng khả năng quản trị rủi ro để giúp các DN có các phương án kinh doanh phù hợp trong điều kiện môi trường kinh doanh biến động khó lường, đặc biệt là những cú sốc như trường hợp của khủng hoảng Covid-19 đang diễn ra hiện nay. Theo “Báo cáo đánh giá quản trị công ty các DN niêm yết Việt Nam năm 2019”, đầu tư vào quản trị công ty sẽ giúp gia tăng giá trị và lợi nhuận cho DN. Lợi ích quan trọng của quản trị tốt là giảm rủi ro, tăng minh bạch, tăng cam kết, từ đó tăng niềm tin của nhà đầu tư và của thị trường vào DN. Kết quả đánh giá trong hai năm 2018-2019 cho thấy, các công ty có quản trị tốt có giá cổ phiếu cao hơn các công ty có quản trị kém. Công ty có điểm quản trị cao cũng là các công ty có tỷ số giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách cao hơn các công ty có điểm quản trị thấp.

Thực tiễn tại các DN cho thấy, quản trị tốt giúp ngăn ngừa rủi ro, hệ thống vận hành ổn định, có thể kiểm soát tốt hơn chi phí, nhờ vậy DN tập trung nhiều hơn cho tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.

Trong thời gian tới, việc cơ cấu lại DN khu vực tư nhân thông qua việc đổi mới và nâng cao công tác quản trị công ty tại các DN Việt Nam nên tập trung ở một số khía cạnh sau:

Một là, áp dụng Bộ chỉ số DN bền vững trong quản trị (CSI) đối với các DN, đặc biệt là các DN niêm yết. Đây là một công cụ rất hiệu quả, giúp DN xác định chỗ đứng trên thị trường. Từ đó, thúc đẩy DN phát triển bền vững trong tương lai. Trên thực tế, yêu cầu về sự phát triển bền vững của khách hàng, đặc biệt là khách hàng ở các thị trường phát triển đang ngày càng gia tăng.

CSI được xác định là Bộ chỉ số duy nhất sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; được cộng đồng DN ghi nhận là công cụ quản trị DN hiệu quả, giúp hỗ trợ đắc lực khi lập chiến lược sản xuất kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững. Có 70%-90% các DN tham gia chương trình đánh giá theo CSI đều đang thực hiện các hoạt động liên quan đến quản trị bền vững như: Có hệ thống giám sát sự hài lòng của khách hàng, có chính sách phòng, chống tham nhũng và hối lộ, có hoạt động với cộng đồng và bảo vệ môi trường; hơn 80% DN tham gia chương trình này đều có chính sách lao động, quan tâm đến an sinh xã hội và người lao động tốt hơn nhóm DN khác. Ông Phạm Quang Vinh - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định: “Thông qua chương trình, đặc biệt là thời điểm chống dịch Covid-19 vừa qua tại Việt Nam, các DN đều hiểu rằng, áp dụng chỉ số CSI vào kinh doanh sẽ tăng sự chống chịu cho DN trong mọi hoàn cảnh”.

Hai là, tăng tỷ lệ thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) độc lập. Theo thông lệ quốc tế, các thành viên HĐQT độc lập cần chiếm số đông trong HĐQT và giữ vị trí chủ tịch trong một số ủy ban quan trọng của HĐQT như: Ủy ban Kiểm toán, Ủy ban Bổ nhiệm và lương, thưởng và tốt hơn nữa là giữ chức Chủ tịch HĐQT. Đây là vấn đề then chốt cần các DN Việt Nam cải thiện nhằm đảm bảo vai trò giám sát khách quan và độc lập của HĐQT, tạo điều kiện để HĐQT thực hiện việc giám sát một cách có hiệu quả, ngăn ngừa xung đột lợi ích và tăng khả năng cạnh tranh của công ty.

Ba là, cần nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc soạn thảo và công bố đầy đủ thông tin cần thiết để đảm bảo tính công khai, minh bạch, cũng như cung cấp những bằng chứng quan trọng cho thấy thực hành và chính sách quản trị công ty tốt của DN.

Công bố thông tin là một phương tiện giúp tăng tính hiệu quả của quản trị công ty. Thông lệ quản trị công ty tốt khuyến nghị công ty nên có chính sách công bố thông tin do HĐQT phê duyệt, để bảo đảm mọi thông tin liên quan về hoạt động của công ty được công bố một cách chính xác, kịp thời và đầy đủ theo quy định pháp lý hiện hành.

Bốn là, tăng cường ứng dụng số hoá trong công tác quản trị công ty. Trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ với sự phát triển của kinh tế số, việc số hoá các “công đoạn” quản trị sẽ tăng hiệu quả quản trị, giúp DN thích ứng tốt hơn với các cú sốc, trong đó có đại dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 tác động đến hầu hết các DN, đa số là tác động tiêu cực. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng trong nền kinh tế, với xu hướng kinh doanh mới, góp phần khẳng định “Nền kinh tế số là định hướng đúng-hợp thời”.

Một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất từ dịch Covid-19 là dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn. Hầu hết các DN khu vực này đều rơi vào tình cảnh tạm thời đóng cửa hoặc chờ phá sản, với việc cắt giảm nhân sự lớn chưa từng có. Song vẫn có những DN không dừng lại ở nỗ lực duy trì bộ máy với hy vọng có thể “bật dậy” sau khi hết dịch. Họ sáng tạo bằng cách tiết giảm khâu này, gia tăng hoạt động ở những khâu khác có thể mang lại lợi ích về sau. Ví dụ: Một số DN kinh doanh nhà hàng đã nhanh chóng chuyển sang môi trường kinh doanh trên không gian mạng thông qua hoạt động giao dịch trên môi trường số, hạn chế tiếp xúc với khách hàng để đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, với nhiều DN, cán bộ, người lao động không đến nơi làm việc mà qua các ứng dụng công nghệ thông tin, ở nhà, làm việc trực tuyến. Các cuộc họp, trao đổi ở hầu hết các cấp quản lý của DN phần lớn cũng chuyển sang hình thức trực tuyến.

Việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại tạo điều kiện cho cổ đông có thể tham dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp đại hội cổ đông tốt nhất, bao gồm hướng dẫn cổ đông biểu quyết thông qua họp Đại hội đồng cổ đông trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác.    

Tài liệu tham khảo:

Tổng cục Thống kê (2020), Kết quả điều tra “Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp” (lần 2), Diễn đàn Cải cách kinh tế hướng tới tăng trưởng bền vững và có tính chống chịu cao sau Covid-19: Từ thích ứng tới quản trị bất định, Hà Nội;

Microsoft và IDC (2020), “Văn hóa đổi mới: Nền tảng cho khả năng chống chịu của doanh nghiệp và khả năng phục hồi nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương”, https://news.microsoft.com/vi-vn/2020/10/10/van-hoa-doi-moi-giup-tang-cuong-kha-nang-chong-chiu-cua-doanh-nghiep-va-kha-nang-phuc-hoi-nen-kinh-te/;

T.A (2020), Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ giải bài toán doanh nghiệp khó lớn, https://baodautu.vn/luat-doanh-nghiep-2020-se-giai-bai-toan-doanh-nghiep-kho-lon-d125689.html;

An An (2020), Hàng ngàn doanh nghiệp bị phá sản vì lỗ hổng quản trị, https://plo.vn/kinh-te/quan-ly/hang-ngan-doanh-nghiep-bi-pha-san-vi-lo-hong-quan-tri-924394.html.